Trong những ngày diễn ra Lễ hội Dừa lần thứ V, Bến Tre nhộn nhịp khác hẳn. Lễ hội mới đi được nửa thời gian nhưng đã có nhiều ý kiến đánh giá khá cao về sự thành công. Đó là lần đầu tiên lễ hội quy tụ được sự tham gia đông đảo của người dân trong và ngoài tỉnh. Họ không đứng bên ngoài thưởng ngoạn đơn thuần mà trực tiếp tham gia các hoạt động của lễ hội. Các hoạt động cộng đồng đã phát huy tác dụng, gắn kết mọi người lại với nhau.
Đặc điểm của Bến Tre là đường sá khá chật hẹp, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổ chức. Tuy nhiên, người dân vui vẻ thông cảm, hợp tác vì ngày hội lớn. Lễ khai mạc như là bữa tiệc âm thanh, ánh sáng, làm thỏa mãn hàng ngàn người có mặt.
Phố đi bộ được bố trí ở trung tâm thành phố, với các tiểu cảnh như một Bến Tre thu nhỏ. Ở đó, người ta bắt gặp lại hình ảnh tuổi thơ mình với chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá hay những sản phẩm từ dừa được thể hiện qua bàn tay nghệ nhân.
Cộng đồng vui hội làng Dừa, Hoạt động đi bộ “Vì Bến Tre tôi yêu” (hưởng ứng môi trường không rác thải nhựa), Liên hoan ẩm thực, Ngày hội áo bà ba...
Tham gia các hoạt động để gắn kết tình thân, tình làng nghĩa xóm và tinh thần cộng đồng. Tinh thần đoàn kết sẽ là nguồn sức mạnh vô giá, là động lực để vững bước trên chặng đường sắp tới.
Còn nhớ những lúc giá dừa sụt giảm, theo quy luật thị trường, nhưng một bộ phận cứ “đổ thừa” cho lễ hội dừa, nói những lời tiêu cực về lễ hội. Dẫu biết rằng đa số nông dân Bến Tre sống bằng nghề trồng dừa, không ai có thể vui khi đời sống bà con còn gặp khó khăn nhưng không biết làm sao để “minh oan”.
Trước cái khó đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, như thực hiện chuỗi giá trị nông sản, trong đó có cây dừa; tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm dừa ở trong và ngoài nước... Mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân cũng được ủng hộ. Nhiều nông dân, địa phương áp dụng, triển khai quy trình sản xuất hữu cơ. Nhưng lúc giá dừa xuống thấp, nông dân nằm trong chuỗi liên kết vẫn bán dừa với giá trên 50 ngàn đồng/chục. Việc đa dạng hóa sản phẩm từ dừa cũng được chú trọng nhằm khai thác tốt tài nguyên bản địa. Nhiều doanh nghiệp đã thành công, khởi nghiệp thành công từ dừa, đưa sản phẩm ra nhiều nước.
Qua nhiều thăng trầm, ngành dừa đã thể hiện sức sống bền bỉ, góp phần nâng diện tích trồng dừa toàn tỉnh hiện trên 72 ngàn héc-ta. Hy vọng đến lúc nào thích hợp cây dừa được nằm trong danh mục cây công nghiệp của quốc gia...
Lễ hội dừa dần được “thấu hiểu” với ý nghĩa ban đầu và được ủng hộ nhiều hơn. Từ hoạt động tại lễ hội, tinh thần của người dân xứ Dừa sẽ tươi mới, hứa hẹn sẽ có những ý tưởng mới, sáng tạo hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh, mở ra những cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững...
Có lẽ, chưa bao giờ người dân lại hào hứng với Lễ hội Dừa và cây dừa như bây giờ!
Khải Minh