Tâm tình các thế hệ nhà báo

19/06/2020 - 08:20

BDK - Hướng về ngày 21-6, người làm báo có dịp ôn lại truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, nhìn lại chặng đường phát triển của báo chí trong nước, của tỉnh nhà, nhất là những kỷ niệm vui buồn cùng nghề báo của mỗi người cầm bút. Năm nay, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020), nhiều nhà báo của thế hệ lão thành và thế hệ trẻ đã có những trải lòng thú vị.

Phóng viên báo, đài trong tỉnh đang tác nghiệp.

Phóng viên báo, đài trong tỉnh đang tác nghiệp. 

Nhớ thời làm Báo Chiến Thắng

Nói đến lớp nhà báo lão thành cách mạng của Bến Tre thì không thể không nhắc đến nhà báo Lê Chí Nhân. Ông tham gia hoạt động cách mạng, trải qua nhiều nhiệm vụ. Trong đó, ông là thành viên sáng lập Báo Chiến Thắng (tiền thân của Báo Đồng Khởi ngày nay), Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu 8 phụ trách Báo Giải phóng Trung Nam Bộ. Một nhà báo tâm huyết với nghề báo mà như những người cùng thời đã nhận xét, nhà báo Chí Nhân viết báo ở bất kỳ nơi đâu: trên chiến trường, trong hầm bí mật, trên những ngọn dừa chót vót… Với ông, báo chí là vũ khí sắc bén của tuyên truyền. Ông cũng đã kể lại nhiều kỷ niệm một thời làm Báo Chiến Thắng.

Theo lời kể của nhà báo Chí Nhân, từ đầu tháng 12-1960, Ban Tuyên huấn tỉnh làm việc ngày đêm, in cương lĩnh mặt trận, cờ mặt trận, in chính sách mặt trận và truyền đơn, tranh cổ động. “Chúng tôi quyết định ra Báo Chiến Thắng đặc biệt chào mừng Mặt trận ra đời, in chữ chì”. Đồng chí Hai Tranh viết bài xã luận. Họa sĩ Hà Mãnh vẽ tranh bìa in ba màu. Tôi còn nhớ, vì mực màu xấu, ta phải lăn mực dày, nên mực màu bìa lâu khô, phải đem phơi nắng trắng một khoảng hai bên bờ rạch Cá Mập trong rừng lá. Vì chữ mới, nét rất sắc sảo nên tờ báo in cũng khá đẹp. Tờ Báo Chiến Thắng đặc biệt đã góp phần nói lên uy thế của cuộc Đồng khởi và của Mặt trận dân tộc giải phóng”, ông Chí Nhân kể.

Trong ký ức nhà báo Chí Nhân, những năm tháng làm việc ở Báo Chiến Thắng luôn là một phần kỷ niệm khắc sâu trong tâm trí ông. Ông hồi tưởng lại, trong chiến tranh ác liệt, sự hy sinh, mất mát, thiệt hại là lẽ thường. Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn tỉnh luôn chuẩn bị trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhưng phải bảo đảm hoạt động bình thường. Dù nhà in có thiệt hại hoàn toàn nhưng Báo Chiến Thắng vẫn xuất bản bình thường. Sau đó, Tỉnh ủy cho đồng chí Tư Chi vào Sài Gòn mua liền một máy in khác, vì phải bảo đảm kỹ thuật không thua tờ báo “Kiến Hòa ngày nay” của giặc. Tuy máy móc và chữ chì cồng kềnh, nặng nề hàng 5 - 7 tấn, Ban Tuyên huấn chủ trương xây căn cứ nhà in trong “rừng dân” ở xã An Thới, Thành Thới, Thành An (huyện Mỏ Cày). Anh em nhà in đào hầm dưới đất để đặt máy in. Nhà in Chiến Thắng hoạt động một thời gian dài trong lòng dân.

 Chiến tranh khốc liệt, gian khổ trăm bề. Song với ông, hoàn cảnh nào vẫn phải đưa tin đầy đủ, nhanh, chính xác, trách nhiệm, hết lòng phục vụ cách mạng bằng ngòi bút của báo chí. Tinh thần làm việc ấy của ông mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà báo noi theo.

Người làm báo trẻ năng động

Hiện nay, báo chí truyền thông tỉnh nhà đang có một lực lượng làm báo trẻ kế thừa. Với sức trẻ năng động, dưới sự dìu dắt của đơn vị cơ quan báo chí, các bạn trẻ đã tích cực dấn thân trên các mặt trận, góp phần thực hiện công tác tuyên truyền cho tỉnh nhà. Trong số đó có thể kể đến phóng viên Huỳnh Thị Hạnh Linh (bút danh Thanh Đồng), tác nghiệp ở mảng văn hóa - xã hội của Báo Đồng Khởi. Linh là một trong những gương mặt trẻ tỉnh Bến Tre được tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI năm 2020 tại Nghệ An do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tổ chức và là nhà báo trẻ của tỉnh Bến Tre trong sự kiện tuyên dương người làm báo tiêu biểu toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội.

Hạnh Linh sinh năm 1988, tại TP. Bến Tre, tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa nhưng lại có duyên gắn bó với nghề báo. Hạnh Linh chia sẻ, có lẽ là đây là một “mối duyên lành”, là nhịp cầu để khám phá bản sắc văn hóa quê hương bằng một góc nhìn trực quan, đa chiều.

Đối với hai chuyến đi vinh dự vừa nêu trên, Hạnh Linh bày tỏ: “Đây là cơ hội lớn để tôi được gặp gỡ các thanh niên tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực, gặp gỡ các anh chị làm báo tiêu biểu khắp cả nước. Nhìn họ và nhìn lại mình, tôi nhận thức được rằng, vai trò của nhà báo trẻ trong bối cảnh báo chí hiện đại ngày nay đó là phải kế thừa được truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam và phát triển cho hợp xu thế hiện đại. Với vai trò là một người làm báo, đồng thời tham gia các công tác đoàn, hội của tỉnh, tôi cần phải trau dồi và rèn luyện nhiều hơn nữa về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức xã hội và tu dưỡng bản thân”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “… Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Xã hội luôn vận động và phát triển, kiến thức vì vậy sẽ luôn là mới mẻ. Người làm báo trẻ không được tự mãn với những gì mình biết hay mình đạt được.

Trong sự nghiệp phát triển báo chí tỉnh nhà, thế hệ người làm báo trẻ không thể quên những đóng góp của các nhà báo lão thành đã cống hiến xây dựng nền báo chí tỉnh nhà, làm nên truyền thống báo chí cách mạng tỉnh Bến Tre. Hoạt động của các cơ quan báo chí, các anh chị là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên như những toa tàu trên một chuyến tàu vinh quang, góp sức chung tuyên truyền, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề, phải có tấm lòng trong sáng, không để bị chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.

Bài, ảnh: Nguyệt Ánh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN