Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre diễn vở Dưới rặng dừa xanh, tái hiện hình tượng cô Ba Định.
Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Ngân
Là nghệ sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm với rất nhiều vai diễn, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Ngân chia sẻ: Vai cô Ba Định là một trong những vai diễn đã để lại rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm trong tôi. Tôi còn nhớ khi lần đầu tiên vào vai cô Út Vân (hình tượng cô Ba Định) trong vở diễn “Dưới rặng dừa xanh” là năm 2004, trong đợt Đoàn Nghệ thuật Bến Tre tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là vai diễn quan trọng, được lãnh đạo đoàn và tỉnh chú ý, kỳ vọng tôi sẽ chuyển tải thành công hình tượng nhân vật cô Ba trong vở.
“Tôi dành thời gian nghiên cứu và đầu tư luyện tập rất nhiều cho vai diễn. Tôi đã tìm đến Di tích Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử cuộc đời, sự nghiệp của cô Ba, cũng như quan sát kỹ những hình ảnh, phong thái của cô qua các tư liệu”, chị Ngân kể lại.
Từ các hình ảnh, tư liệu tại di tích, chị đã quan sát từng chi tiết về trang phục, cách bới tóc, cách choàng khăn qua từng giai đoạn, các cử chỉ, ánh mắt đến thần thái của cô Ba... Kỷ niệm đáng nhớ từ vai diễn này không chỉ là chiếc huy chương vàng của hội diễn dành cho chị mà sau đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh) đã lưu giữ lại hình ảnh và bộ trang phục của nghệ sĩ Tuyết Ngân trong hóa thân hình tượng cô Ba tại vở diễn này.
Nghệ sĩ Tuyết Ngân cho biết: Ngoài việc hóa thân vào hình tượng cô Ba, chị cũng đã rất nhiều lần hát các bài ca cổ ca ngợi về Nữ tướng Nguyễn Thị Định, trong đó có bài “Khúc hát ru tôi” của soạn giả Dương Thị Thu Vân.
“Khi hát về cô Ba Định hay hóa thân vào vai cô, Tuyết Ngân luôn trải cảm xúc bằng cả trái tim mình với lòng tôn kính cô Ba - Người Nữ tướng tài ba của quê hương, của dân tộc. Thỉnh thoảng, Tuyết Ngân vẫn đến đền thờ để thắp hương tưởng nhớ cô, kính gửi đến cô niềm vinh dự, hạnh phúc của mình khi được hóa thân vào vai cô, được hát về cô”, chị Tuyết Ngân bày tỏ.
Nghệ sĩ Võ Thị Trí
Nhắc lại kỷ niệm với vai diễn hóa thân vào hình tượng cô Ba Định, nghệ sĩ Võ Thị Trí chia sẻ, chị vẫn mãi không quên cảm xúc vinh dự khi lần đầu tiên được hóa thân vào hình tượng Nữ tướng Nguyễn Thị Định với vai người nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Vân trong trích đoạn vở cải lương “Dưới rặng dừa xanh”. Đó là đêm diễn của Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre vào tối ngày 16-1-2017, nhân lễ kỷ niệm 57 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam.
Chị Trí chia sẻ, để thể hiện tốt vai diễn, chị không chỉ tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của cô Ba, từng nét trong hình tượng của cô mà còn tập rất nhiều về giọng nói trong lời thoại. Vì theo chị, cách nói của nữ tướng không chậm nhưng cũng không quá nhanh, rõ ràng. Đặc biệt, có chiều sâu trong từng lời nói.
Tuy đã có nhiều lần đến thắp hương tại Đền thờ cô Ba nhưng lần đến thắp hương trước đêm diễn đầu tiên hóa thân ấy, chị đã dành thời gian khấn nguyện khá lâu trước tượng thờ để thêm sức mạnh tinh thần vào vai diễn. Một trong những lời thoại của nhân vật nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Vân đã đi vào lòng chị là “Nếu không thắng được thì chúng ta sẽ là những người đầu tiên ngã xuống”.
“Để thể hiện thành công hình tượng cô Ba, đòi hỏi người nghệ sĩ khi hóa thân phải đầu tư nghiên cứu và phải thật sự để tâm tập trung cao cho vai diễn thì mới có thể làm tốt được”, chị Trí bày tỏ. Chị chia sẻ thêm, trang phục bộ bà ba trong nhân vật này cũng do chính tay chị may để phục vụ lâu dài cho các lần diễn.
Bên cạnh kỷ niệm ở đêm diễn đầu tiên ấy, chị Trí còn biểu diễn cùng đoàn trong đợt lưu diễn tại tỉnh Cà Mau năm 2019 và nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả cũng như bạn diễn.
Nghệ sĩ Phương Trinh
Phương Trinh là nghệ sĩ trẻ của Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre. Trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020), 100 năm ngày sinh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nữ tướng Nguyễn Thị Định (15-3-1920 - 15-3-2020) được tổ chức trong tháng 1-2020, nghệ sĩ Phương Trinh đã có dịp hóa thân vào hình tượng Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong một phần nội dung của chương trình nghệ thuật.
Dù thời lượng biểu diễn hình tượng ấy không nhiều (do sự giới hạn thời gian của tổng thể chương trình) nhưng chị đã dành nhiều tâm huyết để chuẩn bị chu đáo cho hình tượng của nhân vật. Chị đã tham khảo, lắng nghe thêm ý kiến góp ý của các cô chú chuyên môn và tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm từ các chị đã diễn trước.
Trong đoạn ca, ngoài một số lời ca theo điệu Văn thiên tường, chị cũng thể hiện khá tốt phần lời kêu gọi của Nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Các đồng chí ơi, đánh phải tới tấp, phát triển lực lượng hết khả năng không hạn chế. Khi sóng gió nổi lên thì phải mạnh dạn căng buồm lướt sóng, nhắm thẳng mục tiêu mà tiến tới”.
Khi hoàn thành khá tốt vai diễn, chị cảm thấy thật hạnh phúc và cũng sẽ tiếp tục chỉnh chu nhiều hơn nếu có dịp được thể hiện ở các lần tiếp theo.
Nguyễn Thị Định - người chỉ huy cuộc Đồng khởi năm ấy. Sau đó là vị nữ tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam là hình ảnh tiêu biểu của những người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Việc tái hiện hình tượng Nữ tướng Nguyễn Thị Định qua nghệ thuật góp phần vào công tác tuyên truyền cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và hình ảnh của cô Ba đến với công chúng gần xa.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người tham gia lãnh đạo phong trào Đồng khởi ở Bến Tre. Từ phong trào này, tên tuổi của cô Ba Định đã gắn với phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”. Đặc biệt, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của “Đội quân tóc dài” gắn liền với phong trào chiến tranh du kích của nhân dân miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Nữ tướng Nguyễn Thị Định là người phụ nữ tiêu biểu nhất, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. |
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt