Tâm tình thầy giáo cũ

10/02/2009 - 14:24
Thầy Hai Nghĩa thăm hỏi học trò cũ.

Cứ hai năm, thầy, trò lớp bổ túc văn hóa Định Thủy tổ chức một lần họp mặt để trò chuyện, cùng nhau ôn lại chuyện vui, chuyện buồn, chuyện khó khăn, đặc biệt là nhớ lại công lao của đồng bào, đồng chí ở xã Định Thủy và các xã lân cận thuộc huyện Mỏ Cày đã giúp đỡ cho lớp học bổ túc văn hóa từ năm 1962 đến 1963.

Đây là cuộc họp mặt lần thứ 5 được tổ chức vào ngày 28-1-2009 (nhằm ngày mùng 3 Tết Kỷ Sửu), thầy Hai Nghĩa (Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng) đã về dự.

Thầy Hai Nghĩa nhắc lại: Cuối năm 1960, tôi tham gia kháng chiến. Cuối năm 1962, theo sự chỉ đạo của Trung ương, một số lớp học được mở ra, đầu tiên tại Thạnh Phú, sau đó tại xã Định Thủy (Mỏ Cày). Lúc này, tôi được phân công về mở lớp bổ túc văn hóa tại xã Định Thủy, lớp học có bàn ghế hẳn hoi. Trong lớp có em tên là Nỗ Lực, em này nhỏ con, lanh lợi, trắng trẻo, học giỏi nhưng rất ngỗ nghịch, tắm sông thường trét bùn lên cầu cho bà con đi qua té chơi. Sau đó, em cùng với một số bạn trong lớp lên đường đánh giặc và hy sinh. Ở Định Thủy, lúc này có anh Ba Tuất, nhà thì rất chật nhưng anh vẫn chứa thầy trò chúng tôi, cùng ăn, cùng ở, vừa dạy, vừa học, những bữa ăn rất đạm bạc là cá thòi lòi kho nước dừa chấm rau rừng. Anh Ba Tuất nuôi chúng tôi từng hạt gạo, tô mì… Ở Định Thủy còn có ông Út, thời ấy ông khá đẹp trai, trông rất trí thức, đối nhân xử thế rất đàng hoàng…

Lớp học (1962-1963) này, có nhiều em học trò viết chữ khá đẹp, để phổ biến bài học thì chữ được in bằng bột, mỗi lần in được gần 40 trang, người viết chữ đẹp nhất là Công Tâm, Thanh Bình quê ở xã Thành An. Riêng Công Tâm đã hy sinh tại nhà in Chiến Thắng trong một trận càn rất ác liệt của địch ở Bình Đại. Nhà in này rất bí mật, chúng ta không thể ngờ bị địch phát hiện. Lớp bổ túc văn hóa ở Định Thủy đào tạo kiến thức văn hóa, chính trị với mục tiêu là vừa hồng vừa chuyên. Học trò lúc đó có em tuổi cũng muốn gần bằng tôi, tài liệu học thì không đầy đủ lắm. Lớp học khá mẫu mực, với gần 70 em. Sợ địch càn quét, cho nên phải bố trí mỗi nhà dân có 3-4 em nữ, như ở nhà ông Tám Phỉ, nhà bà Năm…

Đến nửa năm học thì Trung ương yêu cầu tôi và chị Mười Mai đi học trên R, thầy Sum về tiếp tục dạy thế cho tôi. Thầy Sum hôm nay tóc đã bạc khá nhiều. Thời ấy nghe nói đi  R để học là chúng tôi háo hức lắm. Ở trên R, tôi và chị Mười Mai được học tại Trường giáo dục Tháng Tám của Trung ương Cục. Vào đây học, chúng tôi mới biết Triết học là gì? Duy vật biện chứng là gì? Duy vật lịch sử là gì? Tâm lý học là gì?... Nhiều thầy ở miền Bắc vào giảng dạy rất hay về Nguyễn Du, vềTruyện Kiều… Sau khi học xong trở về, tôi tham gia vào ngành giáo dục và đi nhiều nơi trong tỉnh, đào tạo hàng ngàn giáo viên trong kháng chiến. Đến năm 1975, Trung ương gọi tôi lên đường ra miền Bắc để học, sau đó trở về miền Nam, tôi làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn của Bến Tre. Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991), tôi và anh Mười Kỷ được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tôi được điều động về công tác ở nhiều cơ quan Trung ương cho đến nay.

Hôm nay, về thăm quê hương, về thăm đồng nghiệp, thăm học trò cũ. Bến Tre đã khánh thành cầu Rạch Miễu với vốn đầu tư đến 1.400 tỷ đồng, nhưng nó cũng là cầu rẻ nhất, chất lượng  đạt yêu cầu, mỹ quan khá đẹp. Tôi đang cố gắng vận động các anh ở Trung ương ưu tiên cho Bến Tre, để cuối năm 2009, đầu năm 2010 khánh thành cầu Hàm Luông nối cù lao Minh với Thị xã. Đến sau năm 2015, sẽ nghiên cứu tiền khả thi bắc cầu Cổ Chiên nối Bến Tre và Trà Vinh. Từ Trà Vinh nối về Bạc Liêu, về Cà Mau…

Tôi rất mừng trong những năm qua Bến Tre đã bắc được 700 cây cầu, trong đó có sự đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Năm 2009, Bến Tre chúng ta sẽ khởi công xây dựng Cầu Ván, nối 2 xã: An Nhơn và Giao Thạnh thuộc địa phận huyện Thạnh Phú.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN