Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Hào (Giồng Trôm) luôn coi trọng công tác vận động quần chúng, bằng những việc làm cụ thể, từ đó phát huy mọi nguồn lực trong nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương.
Bám sát nghị quyết, chỉ thị, những văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện, Đảng bộ và chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận và tổ chức quán triệt trong cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân; đặc biệt là trong cán bộ, công chức UBND về ý nghĩa của Công tác dân vận trong bộ máy chính quyền cấp xã. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tại địa phương thường xuyên được củng cố, kiện toàn tổ chức bằng việc vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vào chính quyền, vào các tổ chức đoàn hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh,… Cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tân Hào luôn thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ông Nguyễn Hữu Lam - Chủ tịch UBND xã Tân Hào cho biết: công tác dân vận trong hệ thống chính quyền xã gắn với việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Cụ thể: Về kinh tế, đời sống, xã tập trung vận động nhân dân thực hiện tốt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Các mô hình trồng xen, nuôi xen phát huy hiệu quả được nhân rộng trong địa phương. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,8 triệu đồng/năm.
Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc xã trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện trên từng lĩnh vực. Vì Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là chỗ dựa của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính. Điều này thể hiện rõ ở công tác an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Bằng những việc làm thiết thực, cán bộ và nhân dân Tân Hào từng bước kéo giảm các vụ phạm pháp hình sự (giảm 10% số vụ vi phạm mỗi năm), giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Hội Phụ nữ có phong trào quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; tham gia cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật; tuyên truyền văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình… Hội Cựu chiến binh tham gia vận động gia đình hội viên chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đoàn Thanh niên có phong trào thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bài trừ, phòng, chống ma túy trong giới trẻ;… Thông qua họp dân, công an xã báo cáo tình hình an ninh trật tự, thông báo và hướng dẫn người dân để ý, theo dõi các đối tượng nghi ngờ phạm pháp, đối tượng bị truy nã, các vụ án trộm, cướp mà công an chưa phá được để người dân phối hợp trong công tác chung của địa phương. Năm 2007, nhân dân ấp 14 đã phối hợp cùng công an vây bắt thành công một bọn cướp xe, thu hồi được tài sản bị mất, được Công an tỉnh tặng giấy khen.
Địa phương còn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ làm việc theo quy chế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, thực hiện nghiêm việc giám sát những công trình thuộc nguồn vốn nhân dân đóng góp, tạo được niềm tin trong nhân dân. Qua đó, người dân hăng hái đóng góp về sức người và của để xây dựng các công trình ở địa phương. Điển hình là tập thể nhân dân ấp 14, trong năm 2009 đã xây dựng tuyến lộ bê-tông chính của ấp dài 1.400 m, kinh phí 314 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 69 triệu đồng và 1.320 ngày công lao động. Việc thi công công trình tỉnh lộ 887, giải tỏa hành lang lộ giới 2 bên đường tỉnh 887, phải đốn đi rất nhiều vườn dừa lâu năm của người dân, nhưng nhờ làm tốt công tác vận động, thuyết phục người dân, theo đúng phương châm “gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân nghe”, người dân đã vui vẻ đồng ý cho đốn dừa mà không yêu cầu bồi thường.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, không còn cầu khỉ tạm bợ. Năm 2006, xã được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa, vừa mới được tái công nhận. Các cơ quan trên địa bàn, chợ Hương Điểm đều là cơ quan văn hóa, chợ văn hóa. Chính quyền phối hợp với mặt trận, đoàn thể thường xuyên vận động nhân dân dọn vệ sinh, thu gom rác thải; phát động phong trào người dân đào hố chôn rác, trong chợ thì mỗi hộ kinh doanh có một sọt rác riêng. Địa phương từng bước xóa bỏ cầu tiêu ao cá thay bằng hầm vệ sinh tự hoại, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Gần dân, lắng nghe mọi ý kiến, nguyện vọng, giải quyết mọi thắc mắc của người dân, tạo được niềm tin trong nhân dân là một trong những cơ sở để đạt được kết quả tốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21-9-2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận trong hệ thống chính quyền, UBND xã Tân Hào đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong 10 năm tổ chức thực hiện chỉ thị này.