Tản văn Nguyễn Ngọc Tư

04/02/2021 - 20:52

Người yêu của nhà thơ

Cô không đọc thơ. Cô soi mình vào sương mù mà anh giăng lên. Tìm kiếm những biểu tượng mơ hồ, cô ướm mình vào tiếng kêu đêm của con mèo, hay một cái bóng trong lòng giếng, vào mưa bên sông và rêu. Nghĩ anh nhắc tới mình bằng những hình ảnh, những ẩn dụ mà chỉ mình anh biết rõ, cô rưng rức thấy mình là con chữ mông lung. Không phải ai cũng có thể biến thân thành con chữ.

Cô không đọc thơ. Cô hóa hình vào từng câu, vào chỗ dừng nghỉ bất ngờ, vào vần điệu lỏng lơi. Anh đang nói với mình nhiều hơn là những gì anh từng nhắn tin, hay bằng ngôn từ trong cuộc hẹn, cô nghĩ vậy. Trong những nhắn gửi mơ hồ này, anh mới thật lòng nhất. Vì đó là thơ. Giả là nhận ra ngay. Nhưng thơ anh, chưa bao giờ giả. Tin vào thơ vẫn hơn là nhìn vào ánh mắt lạnh trên gương mặt lành lạnh, cái cười thoắt xa gần, và những lời chẳng phân biệt nổi là hẹn ước hay chia tay. Những độc giả tầm thường khác, đọc thơ anh sẽ không ai nhận tiếng kêu cứu của một người đang chìm sâu trong cơn trầm cảm theo mùa. Nhưng cô hiểu anh hơn họ, bởi cô đang ở ngay trong thơ, cô là không khí u uẩn đầy hơi lạnh của một người đàn ông mùa đông thèm nắng.

Cô tin những bài thơ này là viết cho mình, viết về mình. Không phải ai cũng được làm nhân vật của thơ ca, thứ có thể sẽ còn sống hàng chục, trăm năm nữa. Vinh dự cho ai được chọn.

Cô chỉ không nhận ra hoặc từ chối sự thật rằng nhiều người đàn bà khác cũng có cùng ý nghĩ, với thơ anh.

Trốn tìm

Tin tưởng mình sẽ được che giấu hoàn hảo bởi những cơn mưa chừng như bất tận không mùa, con đèo ngoằn ngoèo, đường mòn sũng nước ngang qua những dãy đồi sim mọc rậm, chị trốn vào B’lao. “Vậy là thoát rồi”, chị thở hắt ra khoan khoái duỗi dài người trên nền gạch của căn nhà mới xây trên đồi. Giờ thì chị sẽ một mình, tuyệt đối một mình. Sự một mình mà chị chờ đợi ngót năm mươi lăm năm. Chừng như chị đã nghĩ về nó, khi một mình nằm trong nôi, chơi với những ngón tay trong bóng tối.

Chị cưu mang cỏ cây. Chị ngồi thiền và lễ Phật hai buổi sớm chiều. Buổi tối, chị lén coi hoa quỳnh ngoài vườn đã nở chưa (chị nói sự có mặt của con người nhiều khi khiến cỏ hoa cụt hứng), đỡ lại tổ chim cú mèo trên cây bị giông quật lộn nhào xuống đất. Chị nấu nồi nước xông, ngậm gừng tươi cầm chừng chờ qua trận cúm, cọ lưng vào tay vịn cầu thang đỡ ngứa lưng. An lạc với sự một mình.

Có quá nhiều lý do để bạn bè ganh tị với chị. Họ không có được chỗ trốn hoàn hảo kiểu vậy, một nơi chốn đủ xa để con cái không ghé qua dựa dẫm, chúng khó mà ăn ké bữa cơm, đưa con tới nhờ chăm giữ, hay nhờ nấu giùm vài món nhắm, nhưng cũng đủ gần để duy trì mối quan hệ mẹ - con. Họ cũng chẳng đủ kiên trì gầy dựng một cuộc chạy trốn nhen lên từ vài chục năm trước, khi bà mẹ bắt đầu nói với lũ con mình: “về sau má đi sống mình riêng”. Câu đó phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nuôi giấu âm ỉ một chuyến đi tìm tự do, mỗi lần lời ra góp một chút dũng khí cho cuộc trốn chạy, và với những đứa con, là một lần cứa dao vào sợi dây bện bằng thép vốn buộc chặt người mẹ vào chúng.

Đó là cuộc chạy trốn được báo trước. Chuẩn bị cho tương lai không có mình trong đời sống của những đứa con, chị dạy chúng cách cầm máu khi đứt tay, cách rửa cá sao cho thịt thơm dai, cách giấu nỗi buồn cho đừng ai nhìn thấy, khóc một mình, đi tìm niềm vui trong nội tại mà chẳng cần phụ thuộc nào ai. Bằng sự nhẫn nại của một người học thiền định, chị dạy chúng từng thứ một, và đám nhỏ không biết rằng mình được tiêm liều vắc-xin đề kháng với những khoảng trống không có thứ chi lấp đầy.

Chỉ có một thỏa hiệp nhỏ, bầy con sẽ tìm thấy chị vào mỗi cuối tuần, sau một chặng xe đò xuyên thủng bức tường mưa. Chị nhượng bộ với việc bị tụi nó tóm gọn, như quen với sự thật rằng chỉ có một cách để bà mẹ trốn thoát khỏi những đứa con mình. Cái chết, đó không phải là cách mà chị muốn.

Chỉ là, một vài trưa thứ Bảy, nghe tiếng xe dừng lao xao nơi đầu dốc, chị chợt không phân biệt được cảm giác của mình ngay khoảnh khắc đó, là thất vọng hay vui mừng được tìm thấy.

Trên đường đi mãi

Họ chào đón anh bằng những động từ như “quay về”, “trở lại”. Như thể anh từng đi rất xa và họ vẫn đang ở chỗ năm xưa. Khoảng cách thời gian, không gian đậm đặc trong những bài điểm sách, khiến anh cảm giác mình vừa làm cuộc tái chiếm. Nhìn cuốn sách mình nằm trên kệ, tự dưng thấy nó không còn thanh thản như ý nghĩa lúc đầu: “tôi đang sống”. Với cái gánh nặng thời gian, và những vàng son quá vãng mà họ vừa nhắc nhớ, anh có chút bồn chồn. Người đọc còn đợi mình chỗ cũ, hay đã bỏ đi. “Cũng lâu rồi”, anh nghĩ.

Nhưng làm gì có cuộc trở về nào. Anh đang đi. Người đọc cũng vậy. Cuộc đi bất khả kháng. “Đi mãi trên đường”, tên của một truyện ngắn, tình cờ là định mệnh của con người. Mười lăm năm trước, anh đồng hành với thanh xuân buồn chán của họ, với những cuộc tình uể oải. Giờ họ cũng kịp cùng anh ngụp lặn trong những nhân vật trung niên thấm mệt bơ phờ.

Mọi nơi chốn anh qua đều là nơi chốn mới. Ở cái nơi anh lần đầu tới, anh gặp một đám trẻ săm soi cuốn sách mình, tụi nó hỏi nhau có từng thấy cái tên này ở đâu chưa. “Chắc tác giả mới viết”, một đứa nói trong lúc lần xoay lật cuốn sách trong tay. Cho tới khi cậu ta lần giở tới phần nhân thân ở tay gấp bìa, anh là một người lạ, mới tinh, lần đầu đến với thế giới.

Nguyễn Ngọc Tư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN