BDK - Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tỉnh Nguyễn Thị Kiều Oanh, gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn Luật góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác BVQLNTD. Đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động BVQLNTD tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tham quan mua sắm sản phẩm OCOP huyện Châu Thành. Ảnh: B. Duy
Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy, Luật BVQLNTD năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung với các lý do như: Bảo đảm sự thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Khắc phục hạn chế, bất cập của Luật BVQLNTD năm 2010. Đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng Luật BVQLNTD (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật BVQLNTD năm 2010 mà còn để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế về BVQLNTD; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật chuyên ngành; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia.
Luật BVQLNTD năm 2023, có hiệu lực ngày 1-7-2014, gồm: 7 chương, 80 điều. So với Luật BVQLNTD năm 2010, Luật mới bổ sung thêm 1 chương; số lượng các điều tăng từ 51 lên 80 điều.
Một số nội dung cơ bản của Luật BVQLNTD (sửa đổi), gồm: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: bổ sung 1 chương mới về BVQLNTD trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm NTD. Bổ sung quy định về BVQLNTD dễ bị tổn thương (7 nhóm đối tượng). Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về BVQLNTD: Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc BVQLNTD, hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin NTD trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng. Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù. Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD: nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ hoạt động của tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD, bổ sung quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động BVQLNTD do Nhà nước giao. Hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh: bổ sung quy định về quyền của NTD yêu cầu hỗ trợ thương lượng; hoàn thiện quy định về phương thức hòa giải, trọng tài, về vụ án dân sự BVQLNTD được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về BVQLNTD.