
Người trồng dừa cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và có các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình gây hại của SĐĐ trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng nhanh 122,45ha trong 3 tháng đầu năm 2024. Từ thực tế trên, UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục hướng dẫn biện pháp quản lý SĐĐ hại dừa đến các địa phương; tổ chức tuyên truyền tác hại của SĐĐ hại dừa, thực hiện tốt điều tra phát hiện thống kê mức độ, diện tích nhiễm, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ bằng biện pháp quản lý tổng hợp hạn chế thiệt hại và lây lan. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với UBND các huyện khẩn trương triển khai kế hoạch duy trì nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh SĐĐ hại dừa năm 2024.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh khẩn trương xúc tiến đề tài cấp Nhà nước để sớm triển khai thực hiện nhằm hoàn thiện giải pháp quản lý và phòng trừ SĐĐ theo hướng sinh học an toàn và bền vững.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế thành phố, UBND các xã/phường/thị trấn phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm SĐĐ trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh theo kế hoạch của sở; kiện toàn Tổ nhân nuôi ong ký sinh, lưu ý việc bố trí nhân sự cho công tác nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên địa bàn bảo đảm số lượng, đạt hiệu quả.
Tin, ảnh: Phương Thảo