Tăng cường các giải pháp phòng chống, ứng phó hạn mặn

15/03/2024 - 05:41

BDK - Để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đã có nhiều giải pháp công trình (CT) và phi CT để phòng chống, ứng phó. Trong đó, tập trung chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.

Đo độ mặn ngoài cống Sa Kê, huyện Mỏ Cày Nam.

Đo độ mặn ngoài cống Sa Kê, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Trần Quốc

Linh hoạt phương án cấp nước

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Văn Thắm, toàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động. Tổng công suất 10.500m3/giờ (khoảng 250 ngàn m3/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý (Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre quản lý 5 CT, tổng công suất khoảng 67,3 ngàn m3/ngày, đêm; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quản lý 32 CT, tổng công suất khoảng 62 ngàn m3/ngày đêm và 30 nhà máy nước tư nhân, tổng công suất khai thác khoảng 96 ngàn m3/ngày đêm).

Các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý. Xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước (NMN). Vận hành linh hoạt các phương án cấp nước (đắp đập tạm ngăn mặn tại các khu vực lấy nước, vận chuyển nước bằng sà lan, cấp nước ngọt/độ mặn thấp theo khung giờ...).

Số liệu độ mặn nước sau xử lý tại các khu vực cấp nước như sau: Khu vực huyện Ba Tri dao động từ 0,1 - 2,4. Khu vực huyện Bình Đại dao động từ 0,1 - 4,9. Khu vực huyện Thạnh Phú dao động từ 0,1 - 3,8. Khu vực huyện Giồng Trôm dao động từ 0,1 - 5,1%. Khu vực huyện Mỏ Cày Bắc dao động từ 0,1 - 4. Khu vực huyện Mỏ Cày Nam dao động từ 0,2 - 4. Khu vực huyện Châu Thành dao động từ 0,1 - 1,3.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, kết quả độ mặn đo được sau xử lý tại các NMN dao động từ 0,09 - 0,5. Một số NMN tư nhân có kết quả độ mặn đo được sau xử lý dao động từ 0,1 - 3,5.

Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm cho biết: Các dự án (DA), CT thủy lợi sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, cơ bản kiểm soát được nguồn nước ở 2 tiểu vùng. Đối với Tiểu vùng Bắc Bến Tre - Khu vực huyện Châu Thành: Các CT thuộc DA Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 kết hợp với CT cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc DA Quản lý nước Bến Tre (JICA3) đã đưa vào sử dụng, giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Khu vực các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại: CT cống đập Ba Lai kết hợp với các CT cống thuộc DA Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, giúp giữ ngọt trên sông Ba Lai phục vụ sản xuất và các NMN sạch nông thôn trong khu vực.

 Đập tạm Thành Triệu (Châu Thành) góp phần giữ nước cho tưới tiêu và sinh hoạt vào mùa khô tại tỉnh. Ảnh: T. Thảo

Đập tạm Thành Triệu (Châu Thành) góp phần giữ nước cho tưới tiêu và sinh hoạt vào mùa khô tại tỉnh. Ảnh: T. Thảo

Đối với Tiểu vùng Nam Bến Tre: DA Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các CT cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao; phía sông Cổ Chiên kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến vàm Thơm. DA Hệ thống cống kiểm soát mặn các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách: Với mục tiêu phòng chống thiên tai (hạn, mặn, úng ngập), kiểm soát mặn để bảo vệ an toàn sản xuất cho 8.400ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt phục vụ 92 ngàn dân và 40 ngàn gia súc, cải tạo đất, cải thiện môi trường, ổn định đời sống dân cư trên các địa bàn dân sinh kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đối với các CT hồ chứa: Hồ chứa nước Kênh Lấp, xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri được đầu tư xây dựng năm 2016, với dung tích thiết kế 811.800m3 đã và đang phục vụ rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho 200 ngàn dân, 100 ngàn gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp... tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri. DA Xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, với dung tích thiết kế 2,3 triệu m3, với mục tiêu trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân huyện Ba Tri; đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với nước sạch không gián đoạn, nhất là trong mùa khô. Tổng mức đầu tư DA 310 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ bố trí thực hiện DA từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; thời gian dự kiến hoàn thành năm 2025.

Các giải pháp ứng phó

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm, hiện đang bước vào cao điểm hạn mặn năm 2023-2024. Vì vậy, giải pháp thực hiện trong thời gian tới là: Tiếp tục tăng cường công tác quan trắc, thông tin kịp thời về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn. Tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả... Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình xâm nhập mặn. Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật, nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn cho người dân trong các lĩnh vực thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Nội dung tuyên truyền thiết thực, dễ hiểu để người dân thực hiện.

“Các đơn vị cấp nước, quản lý khai thác CT thủy lợi có kế hoạch vận hành CT cấp nước, CT thủy lợi linh hoạt, hiệu quả; đảm bảo phương án cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, các khu công nghiệp... trong thời điểm mặn diễn biến gay gắt. Huy động, triển khai nguồn lực đầu tư đầu tư khép kín hệ thống thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh, nhằm khép kín hệ thống CT, phát huy hiệu quả các CT thủy lợi đã được đầu tư, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN