Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên

06/07/2018 - 06:30

BDK - Tại hội nghị tọa đàm “Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên” được Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức vào cuối tháng 6-2018 cho thấy nhiều vấn đề cần được quan tâm trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên. Những năm qua, bên cạnh kết quả đạt được, công tác này còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm...

Đại biểu tham dự hội nghị tọa đàm.  Ảnh: Q.Hùng

Đại biểu tham dự hội nghị tọa đàm.  Ảnh: Q.Hùng

Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng

Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn Chương, hiện nay, nhiệm vụ của công tác tư tưởng, giáo dục chính trị, tư tưởng ở chi bộ là vô cùng quan trọng. Bởi làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không chỉ quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đảng viên mà trước tiên là nhằm xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách vững vàng, bản lĩnh trước sự chống phá của các thế lực thù địch, trước sự cám dỗ của vật chất và xu thế chạy theo lối sống thực dụng hiện nay.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nêu rõ: Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm chế độ học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Bí thư chi bộ cần chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên thông qua công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông qua sinh hoạt chi bộ, dư luận xã hội; kịp thời có giải pháp giáo dục, động viên, giúp đỡ những đảng viên có biểu hiện suy thoái. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ sao cho thiết thực, tạo sự hứng khởi, phát huy dân chủ để đảng viên mạnh dạn trình bày chính kiến, nguyện vọng của mình. Bí thư chi bộ cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng và các công việc của chi bộ, gương mẫu chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, không dao động trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; không để bị cám dỗ bởi vật chất, không tham gia vào các tệ nạn xã hội.

Nâng chất công tác kiểm tra, giám sát

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hồ Tính Kiệp cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) cấp ủy, chi bộ và UBKT các cấp vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định; trong đó, nguyên nhân đầu tiên được xác định là do cấp ủy, chi bộ và UBKT ở một số đơn vị, địa phương thiếu quyết tâm, chưa thật sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ KT, GS và thi hành kỷ luật đảng. Giải pháp đặt ra là cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình KT, GS năm 2018, Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KT, GS và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác KT, GS khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Mỗi chi bộ cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác KT, GS, từ đó xác định nội dung, đối tượng, hình thức, phương pháp, thời điểm, thời gian KT, GS cho phù hợp; mỗi đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, không ngừng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống. Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, phát huy vai trò KT, GS của tổ chức Đảng, đảng viên. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cấp ủy, UBKT các cấp chủ động kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh vững vàng, nắm vững nghiệp vụ, khả năng nắm bắt thông tin, phát hiện vi phạm đề xuất xử lý kịp thời.

Tạo điều kiện để nhân dân góp ý

Sau khi được quán triệt Quyết định số 218 của Bộ Chính trị về ban hành quy định việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã cụ thể hóa triển khai đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cho biết: Qua thời gian triển khai Quyết định số 218, việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chủ yếu chỉ mới có sự tham gia của cán bộ MTTQ - đoàn thể và một số ít đoàn viên, hội viên các đoàn thể, chưa có sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương, ý kiến đóng góp còn chung chung.

Trong thời gian tới, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung liên quan nhằm giúp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; vận động nhân dân tích cực theo dõi, giám sát cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần đổi mới phương thức hoạt động để trở thành diễn đàn của nhân dân; đa dạng hóa các hình thức góp ý, coi trọng góp ý trực tiếp. Tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên; tạo cơ chế để người dân giám sát việc công khai tài sản. Cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các đoàn thể có sự phối hợp trong việc tiếp thu, xem xét các ý kiến phản ánh, để từ đó có thông tin phản hồi cho nhân dân biết.

Quốc Hùng (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN