Tăng cường giới thiệu các tác phẩm văn học - nghệ thuật đến với công chúng

24/07/2015 - 06:53
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 22-7-2015, tại TP. Vũng Tàu, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2015. Ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đến dự và phát biểu khai mạc.

Đánh giá về công tác báo chí văn nghệ thời gian qua, báo chí VHNT đã làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân thông qua việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn; bồi dưỡng lòng yêu nước, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước; tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; các tiêu cực xã hội; phê bình, uốn nắn các hiện tượng VHNT không lành mạnh… Hiện cả nước có trên 80 cơ quan báo chí VHNT thuộc các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT thành phố trực thuộc Trung ương và báo chí văn nghệ của một số bộ, ngành, trong đó các báo, tạp chí thuộc Hội VHNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các Hội chuyên ngành chiếm số lượng lớn.

Tuy nhiên, báo chí VHNT còn gặp khó khăn, số lượng người mua báo in ngày càng giảm sút, chi phí sản xuất tăng, doanh thu quảng cáo giảm gây nhiều trở ngại cho hoạt động, phần lớn phụ thuộc vào nguồn kinh phí Nhà nước cấp. Số lượng tác phẩm thật sự thành công về giá trị hiện thực, nghệ thuật gây được chú ý của công chúng chưa nhiều, chưa đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Một số chương trình văn nghệ trên các đài truyền hình còn bỏ lọt nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc…

Đại diện các cơ quan báo, tạp chí như: Văn nghệ Trung ương, Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Cần Thơ, Gia Lai… trình bày những thuận lợi, khó khăn trong việc chọn và giới thiệu các tác phẩm VHNT đến với công chúng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đánh giá cao hoạt động báo chí văn nghệ thời gian qua, bám sát tôn chỉ, mục đích, đời sống chính trị và các vấn đề thời sự; thành tựu hoạt động đối ngoại; một số tờ báo có cố gắng đổi mới về cả nội dung và hình thức; hoạt động lý luận phê bình có bước chuyển mới… Về phương hướng, nhiệm vụ, hiện đang tồn tại 4 mối quan hệ cơ bản cần quan tâm là: trình độ dân trí ngày càng cao nhưng rất ít tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, khó thu hút công chúng; yêu cầu hội nhập quốc tế nhưng không đánh mất bản sắc tốt đẹp; tuyên truyền quảng bá những tác phẩm mới của đội ngũ chuyên và không chuyên với việc định hướng sáng tác; đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng nhưng đội ngũ hoạt động VHNT mỏng về số lượng và yếu về chất lượng.

Để khắc phục tình trạng trên, cần quan tâm 3 vấn đề về vai trò lãnh đạo cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý, chỉ đạo trên lĩnh vực VHNT. Cụ thể là lãnh đạo cơ quan báo chí cần coi trọng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu nhiều tác phẩm, bài báo, chương trình VHNT đến với công chúng. Tác phẩm, bài báo phản ánh truyền thống dân tộc Việt Nam luôn yêu hòa bình, hợp tác các dân tộc, quyết tâm gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ; phản ánh khát vọng của nhân dân trong xu thế hội nhập, dân chủ, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt giữa xây và chống, xây để chống, chống để xây tốt hơn. Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng phóng viên tác chiến có tính chuyên nghiệp, chuyên sâu VHNT. Báo chí chủ động, tích cực hơn trong tham gia chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực VHNT. Các cơ quan chủ quản và quản lý báo chí cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ…

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN