Tăng cường kiểm soát chất lượng nguồn nước

09/03/2020 - 06:51

BDK - Hiện nay, nguồn nước ngọt đang khan hiếm dần, các đập tạm trữ nước ngọt trên địa bàn tỉnh được hình thành để phục vụ cấp nước. Điều này dẫn đến khả năng chịu tải, tự làm sạch của nguồn nước giảm và nguy cơ nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm là rất cao. Do đó, mọi người cần quan tâm kiểm soát môi trường nước để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Lực lượng Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre kiểm tra nguồn nước. Ảnh: P. Hân

Lực lượng Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre kiểm tra nguồn nước. Ảnh: P. Hân

Giám sát chất lượng nước

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Văn Chinh cho biết, để thực hiện nhiệm vụ cấp bách bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, ngành sẽ rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi có xả thải vào lưu vực đập tạm trữ nước để có hướng giải quyết. Cụ thể, ngành sẽ giám sát 5 điểm trên địa bàn huyện Châu Thành: cầu Ba Lai (cách vị trí đập tạm 100 - 200m), xã Tân Phú; cầu Kênh Xáng, xã Quới Thành; cầu Đò, xã Thành Triệu, cầu Sữa (cầu Giây) xã Tường Đa, điểm giao kênh Sông Mã, cầu Ba Lai mới, xã Tam Phước, cầu Ba Lai cũ ở thị trấn Châu Thành.

Việc giám sát chất lượng nước trong khu vực đập tạm sẽ thực hiện 1 lần/tháng, duy trì trong 6 tháng, với tần suất lấy mẫu 2 tuần/lần để đảm bảo tính chính xác của nguồn nước. Ngành TN&MT sẽ thuê đơn vị đánh giá tính hóa lý, hóa học, sinh học của nguồn nước thông qua các thông số: nhiệt độ, độ đục, tổng chất rắn lơ lửng, độ mặn, pH, oxy hòa tan, E.Coli, Colifrom… 

Theo ông Nguyễn Văn Chinh, để đảm bảo nguồn nước trong các đập, UBND cấp xã nên tiến hành khảo sát, tuyên truyền, vận động đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình tham gia bảo vệ nguồn nước, không xả chất thải từ chăn nuôi trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường nước; xóa tất cả các cầu tiêu trên ao, mương. Đồng thời, phát động phong trào chính quyền địa phương, ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản và nhân dân thu gom rác thải, phát quang, dọn vệ sinh trên các kênh, ao, đập trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

“Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre nên thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước cấp. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đầu vào trước khi đưa vào hệ thống xử lý cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trường hợp lấy nước ở các đập tạm, hồ trữ nước có nguy cơ suy thoái, ô nhiễm thì phải có kế hoạch giám sát, đánh giá chất lượng nước thường xuyên để có giải pháp ứng phó kịp thời”, ông Nguyễn Văn Chinh đề nghị.

Trước tình hình mặn xâm nhập gay gắt, thời gian qua, trên địa bàn TP. Bến Tre có 2 đập tạm trên sông Mã và kênh Xáng. Chính quyền TP. Bến Tre đã khẩn trương nạo vét rạch Chùa để giải cứu khu vực ô nhiễm bên ngoài đập tạm chỗ kênh Xáng. Đến nay, nước chảy trong, tình trạng ô nhiễm không còn nữa.

Xử lý nước trước khi sử dụng

Hiện nay, hầu hết người dân trong tỉnh đã sử dụng nước giếng và mua đổi nước ngọt thô để phục vụ việc sinh hoạt. Các nhà chuyên môn khuyến cáo, không nên dùng nước giếng khoan để nấu ăn, uống. Bởi trong nước giếng có các vi sinh vật vì nước len lỏi qua các mạch đất, nếu không được xử lý sẽ dễ gây ra các bệnh đường tiêu hóa cấp tính. Tùy từng vùng thổ nhưỡng, nước giếng còn có thể chứa các chất cặn bẩn, sắt, kim loại nặng.... Các chất này khi ăn hoặc uống phải có thể không gây ra tác động tức thời, nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Hồng Thái, nếu cần sử dụng nước giếng cho việc ăn, uống, người dân nên đưa mẫu nước đi xét nghiệm các yếu tố hóa lý để nắm rõ thành phần nước và được hướng dẫn cách xử lý. Nguồn nước giếng khoan hợp vệ sinh phải cách nhà tiêu, chuồng gia súc và các nguồn gây ô nhiễm khác.

Đối với nước giếng, người dân có thể xử lý nước bằng phương pháp lý học hoặc phương pháp hóa học. Khử trùng bằng phương pháp lý học thông thường là đun sôi. Phương pháp hóa học dùng phèn chua với liều lượng 50g/m3, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/m3. Ngoài ra, có thể sử dụng Clorua vôi với liều dùng 13g/m3. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên đun nước mới hàng ngày để sử dụng.

“Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay, có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Người dân nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng. Đồng thời, người sử dụng tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước”, ông Phạm Hồng Thái khuyến cáo.

P. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN