Tăng cường kiểm tra, đưa nhạc sống vào nề nếp

31/07/2017 - 07:24

Hát nhạc sống cũng là hình thức giải trí, nhưng hát thế nào để không ảnh hưởng đến người xunh quanh.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp quyết liệt, hoạt động của loại hình nhạc sống trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến đáng kể. Thế nhưng, để hoạt động này đi vào nề nếp, trở thành loại hình giải trí phù hợp thì cần phải quyết liệt hơn.

Tuyên truyền đến tận hộ gia đình

Xã Phú Đức, huyện Châu Thành được xem là một trong những địa phương tham gia trào lưu hát nhạc sống sớm nhất. Theo một số người dân nơi đây, “dân Phú Đức hát nhạc sống trong bất cứ trường hợp nào”. Ông Hồ Văn Sáu ở ấp Phú Định cho biết: “Trước đây, không kể vui buồn, có tiền hay không miễn có trên hai người là thuê nhạc sống. Hát bất kể ngày đêm, không kể bà con lối xóm nhưng giờ gần như giảm hẳn, chỉ những trường hợp đặc biệt hay gia đình có hữu sự”.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Tuyến - Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 8, ấp Phú Định, có sự chuyển biến trên là nhờ địa phương làm tốt công tác tuyên truyền những quy định về loại hình này. Các tổ chức, đoàn thể địa phương phối hợp vận động bà con; lên danh sách những hộ gia đình thường thuê nhạc sống để hát, cử người đến nhà vận động, tuyên truyền để họ ý thức hơn khi vui chơi với âm thanh vừa đủ nghe, đảm bảo giờ giấc. Đối với hộ kinh doanh, ấp ghi danh sách gửi về xã để mời đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh, ký cam kết.

Ông Trần Thanh Vũ - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin cho biết: Huyện đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm nhiều lần với số tiền 4 triệu đồng. Đội kiểm tra liên ngành 814, 178 tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhạc sống cũng như các tụ điểm ca nhạc. Trong quá trình kiểm tra, ngành chức năng đã ghi nhận những sai phạm cơ bản của các cơ sở này. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, huyện đã có 68 cuộc kiểm tra. Qua đó, phát hiện 34 cơ sở vi phạm. Trong đó, nhắc nhở, chấn chỉnh 30 trường hợp và xử phạt 4 trường hợp.

“Việc xử phạt chỉ có tính răn đe nhằm đánh động các cơ sở khác nếu hoạt động kinh doanh nhạc sống trái quy định sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Nơi nào người dân phối hợp tốt với chính quyền địa phương, lãnh đạo xã, ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo sâu thì nơi đó có sự chuyển biến rõ rệt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hầu như không còn trường hợp nào chơi nhạc sống quá giờ quy định để bà con phản ánh, trừ trường hợp gia đình có hữu sự”, ông Vũ cho biết.

Theo ông Huỳnh Vinh Quang - chủ cơ sở kinh doanh nhạc sống tại chợ Sơn Hòa, hát nhạc sống cũng là loại hình giải trí. Do lâu nay xảy ra tình trạng lạm dụng nên vô tình gây phản cảm trong bà con. “Từ khi có các văn bản quy định của UBND tỉnh, ngành chức năng, việc kinh doanh cũng thuận tiện hơn. Không phải mở âm lượng to theo yêu cầu của người thuê, lại không phải phục vụ quá khuya làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người xung quanh”, ông Quang nói.

Từng bước chuyển biến

Bàn về công tác kiểm tra loại hình hoạt động này trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Sang - Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, Thanh tra Sở phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành 814, 178 tổ chức kiểm tra, lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm của chủ cơ sở. Nếu phát hiện hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực nào sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan thuộc lĩnh vực đó hay cơ quan có thẩm quyền xem xét mức độ vi phạm ra quyết định xử phạt. Trong 6 tháng đầu năm, các huyện đã kiểm tra 189 lượt cơ sở. Trong đó nhắc nhở 104 trường hợp, xử phạt 9 trường hợp với số tiền 18 triệu đồng. 

Theo ông Nguyễn Thanh Sang, nhạc sống là loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cần nên khuyến khích. Nhưng để hoạt động vui chơi, giải trí này đúng định hướng, nội dung, giờ giấc và âm lượng cần được kiểm soát để không gây ảnh hưởng đến những hộ lân cận. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia hoạt động và các chủ cơ sở làm dịch vụ cho thuê thiết bị âm thanh, các cơ quan có chức năng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm do quá giờ, vượt quá âm lượng cho phép; tránh trường hợp đẩy trách nhiệm cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch. 

Thời gian qua, việc quản lý các cơ sở kinh doanh nhạc sống được giao cho địa phương. Nhiều xã, nhất là địa bàn huyện Châu Thành đã thành lập đường dây nóng để khi những cơ sở cho thuê dàn nhạc làm sai quy định người dân sẽ báo cơ quan chức năng có hướng giải quyết. Trường hợp nào vi phạm thường xuyên sẽ lập biên bản để khi huyện kiểm tra có căn cứ xử lý. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động trong xử lý, hiện nay tình hình nhạc sống trên địa bàn tỉnh có chuyển biến đáng kể.

Theo thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 650 cơ sở kinh doanh nhạc sống. Trong đó, có 639 cơ sở đã làm cam kết với chính quyền địa phương tổ chức kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN