Tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định trên địa bàn tỉnh

30/08/2024 - 06:42

BDK - Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), hiện toàn tỉnh có khoảng trên dưới 14 hãng xe đang hoạt động. Trong đó, TP. Bến Tre gồm: Thịnh Phát, Hoàng Khải, Thuận Hưng, Minh Tâm, Hợp tác xã (HTX) xe khách Thống Nhất,  HTX vận tải thủy bộ TP. Bến Tre,  HTX vận tải Hợp Nhất Bến Tre, Duy Quý - Thảo Châu, Phương Trang. Còn lại là Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách.

Thanh tra Giao thông kiểm tra hoạt động của Trạm xe khách Thảo Châu tại huyện Giồng Trôm. Ảnh: CTV

Theo Sở GTVT, thời gian qua, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành tốt các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát vẫn còn tồn tại một số đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng chưa chấp hành các quy định về vận tải hành khách. Cụ thể, thành lập văn phòng, chi nhánh, trạm xe khách để gom khách, xác nhận đặt chỗ và thu tiền từng khách đi xe và sử dụng xe trung chuyển để đón khách sai quy định. Ngoài ra, còn một số đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại tỉnh nhưng làm thủ tục cấp phù hiệu Sở Giao thông vận tải địa phương khác. Cụ thể, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có một chủ kinh doanh ngành vận tải trái phép và vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh ngành vận tải hợp pháp của các hãng xe khác trong tỉnh. Đó là xe khách Duy Quý - Thảo Châu của Công ty TNHH Duy Quý - Thảo Châu đã đăng ký bảng, xây trạm trái phép, cho đoàn xe chạy diễu hành phô trương, quảng cáo, ngày 22-8-2024 khai trương Trạm xe khách Duy Quý - Thảo Châu, tại số 360, ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm. Trong khi Công ty TNHH vận tải và Thương mại Hoàng Khải đang hoạt động hợp pháp theo Quyết định số 433 ngày 25-2-2016 về việc công bố đưa bến xe khách huyện Giồng Trôm vào khai thác. Còn xe khách Duy Quý - Thảo Châu không biết hoạt động theo quyết định nào? Do cơ quan nào cung cấp thì chưa thấy? Xe này không có giấy phép khai thác tuyến do Sở Giao thông vận tải cấp. Sử dụng xe hợp đồng gom khách chạy như tuyến cố định.

Ngày 23-8-2024, chủ xe Hoàng Khải có đơn kiến nghị gửi Sở GTVT cho rằng các đơn vị không có giấy phép kinh doanh hay còn gọi là kinh doanh trái phép mà ung dung hoạt động tự do như Công ty Duy Quý - Thảo Châu thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật một cách nghiêm minh mới đem lại sự công bằng cho những công ty hoạt động ngành thương mại vận tải hợp pháp nói chung. Ông Khải kiến nghị Sở GTVT có biện pháp xử lý nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng hoạt động kinh doanh ngành vận tải trái phép vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn về hiệu quả hoạt động của các hãng xe khác trong tỉnh.

Trước đó, ngày 19-8-2024, Thanh tra Sở GTVT cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế tại Văn phòng Trạm xe khách Duy Quý -  Thảo Châu, tại số 360 xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm. Tại thời điểm kiểm tra, bến chưa hoạt động, có giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh, do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp nhưng không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở GTVT cấp. Không cung cấp được các giấy tờ khác có liên quan theo quy định. Nên không đủ điều kiện hoạt động... Đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ mới được hoạt động. Nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Sở GTVT đã có Văn bản số 2302 về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng. Theo đó, đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm các công văn chỉ đạo của Sở GTVT. Thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng. Cụ thể, chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thu cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết. Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức, ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau. Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong 1 tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó.

Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN