Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo

29/09/2021 - 06:07

BDK - Tỉnh Bến Tre có tuyến biên giới bờ biển dài 65km, thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ trên 2.000 chiếc, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Sau thời gian triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”, đa phần nhân dân chấp hành tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những năm gần đây nổi lên tình trạng tàu cá ngư dân thường xuyên khai thác thủy sản vi phạm vùng biển các nước trong khu vực. Để kịp thời ngăn chặn, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, trong các giải pháp đặt ra, công tác tuyên truyền được cho là giải pháp căn bản để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

Cán bộ Hải đội Biên phòng 2 phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cho ngư dân. Ảnh: P. Khánh

Cán bộ Hải đội Biên phòng 2 phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cho ngư dân. Ảnh: P. Khánh

Tăng cường công tác tuyên truyền

Những nơi chọn tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân tại khu vực biên giới biển là những địa điểm có nhiều vấn đề nóng, mới phát sinh, nổi lên như tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thành phần tham dự là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp, lực lượng tuyên truyền viên cơ sở, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Tại đây, các đại biểu được nghe báo cáo viên Sở Tư pháp và Bộ đội Biên phòng tỉnh tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật mới ban hành, sửa đổi, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến người dân khu vực biên giới biển như: Luật Thủy sản; Nghị định số 42/NĐ-CP của Chính phủ; Luật Phòng, chống ma túy; Bộ luật Lao động sửa đổi…

Bằng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền, nhưng đối với ngư dân đi biển dài ngày thì việc tiếp cận đối tượng càng gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn. Trước tình hình trên, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án ngay từ đầu năm, xác định các vấn đề nổi lên và đối tượng cần tập trung tuyên truyền. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với địa phương rà soát thành phần ngư dân có nguy cơ vi phạm cao…

Cán bộ Đồn Biên phòng Cổ Chiên phổ biến pháp luật tại buổi họp tổ nhân dân tự quản trên địa bàn xã Thạnh Phong (Thạnh Phú).

Cán bộ Đồn Biên phòng Cổ Chiên phổ biến pháp luật tại buổi họp tổ nhân dân tự quản trên địa bàn xã Thạnh Phong (Thạnh Phú).

Một trong những giải pháp mà các đồn biên phòng đang triển khai thực hiện tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài là: mỗi đợt ra khơi, tại các tổ kiểm soát nghề cá, trạm kiểm soát biên phòng, ngoài việc làm thủ tục kiểm soát hành chính, cán bộ biên phòng đều phát tờ rơi tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện chấp hành nghiêm pháp luật khi ra biển.

Cũng như các ngư dân khác, thuyền trưởng Phạm Văn Tươi đang cho tàu ra khơi, gặp lực lượng Hải đội Biên phòng 2, anh được cán bộ biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền những nội dung cần nắm trước khi ra biển khai thác. Anh Tươi chia sẻ: “Quá trình đi làm ăn dài ngày trên biển, nên một số thông tin không được nắm bắt cụ thể, gặp lực lượng biên phòng tuyên truyền các nội dung, quy định tôi thấy rất hữu ích. Nắm rõ, đầy đủ để thực hiện đúng pháp luật”.

Ngoài các biện pháp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, thì loa phóng thanh trên tàu tuần tra hay tại các đồn, trạm biên phòng cũng là một kênh tuyên truyền hữu hiệu đến ngư dân. Khi các tàu ra, vào cửa biển thì mọi ngư dân đều có thể nghe các nội dung tuyên truyền do các cán bộ biên phòng đọc phát trên loa những nội dung có liên quan đến quy định khai thác thủy sản trên biển.

Đồng chí Nguyễn Văn Lùng - Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân xã An Thủy (Ba Tri).

Đồng chí Nguyễn Văn Lùng - Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân xã An Thủy (Ba Tri).

Giải pháp quản lý, xử lý

Cùng với việc tuyên truyền, các giải pháp quản lý, xử lý các chủ phương tiện, thuyền trưởng vi phạm cũng được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Những buổi họp kiểm điểm tuyên truyền trước dân và công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm vùng biển đã phần nào thể hiện tính răn đe và quyết liệt trong việc xử lý cũng như quản lý các phương tiện này.

Có thể nói, từ khi triển khai các biện pháp tuyên truyền thiết thực, sáng tạo, cùng với các biện pháp quản lý, xử lý bộ phận ngư dân tỉnh nhà vi phạm, nhìn chung, nhận thức của bà con ngư dân được nâng lên, việc khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài tuy còn xảy ra nhưng đã giảm rõ rệt. Năm 2018, tỉnh có 25 tàu cá vi phạm, năm 2019 là 21 tàu… đến nay 9 tháng năm 2021 còn 7 tàu cá vi phạm. Số tàu cá vi phạm hoạt động thường xuyên tại vùng biển Sông Đốc, Cà Mau, nên việc tiếp cận tuyên truyền đến những ngư dân, cũng như việc quản lý, xử lý của các cấp, các ngành còn gặp một số khó khăn nhất định.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình Thắng phát tờ rơi tuyên truyền thực hiện Nghị định số 42/NĐ-CP xử lý khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình Thắng phát tờ rơi tuyên truyền thực hiện Nghị định số 42/NĐ-CP xử lý khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thời gian tới, xác định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật khu vực biên giới, hải đảo là rất cần thiết. Ngoài việc nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, nhân dân, thì qua đây còn tạo nền tảng vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng xây dựng tuyến biên giới biển vững mạnh. Đợt diễn tập Nghị định số 30, 130/NĐ-CP của Chính phủ về việc huy động nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa qua thành công tốt đẹp là một minh chứng để đánh giá công tác tuyên truyền. Lực lượng ngư dân đồng lòng tự nguyện đăng ký tham gia, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói, sau giai đoạn triển khai thực hiện đề án, số vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội khu vực biên giới biển của tỉnh đã giảm đáng kể. Tính từ năm 2017 đến nay, phạm pháp hình sự giảm 46 vụ, trật tự an toàn xã hội giảm 135 vụ so với giai đoạn 2013 - 2016. Kết quả trên từng bước tạo nền tảng vững chắc trong việc chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cán bộ, nhân dân vùng biên giới biển. Qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng tuyến biên giới ngày càng vững mạnh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

“Qua những nội dung tuyên truyền, đa số bà con ngư dân hiểu và nắm rõ, chấp hành tốt quy định pháp luật khi làm ăn trên biển. Tuy nhiên số ít ngư dân vì lợi ích kinh tế hoặc đi khai thác tại khu vực vùng biển các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau vẫn còn vi phạm. Hiện đơn vị đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh có liên quan nhằm kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp chủ phương tiện, thuyền trưởng cố tình vi phạm”.

(Đại úy Nguyễn Thành Năng - Chính trị viên Hải đội Biên phòng 2)

Bài, ảnh: Biên Cương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN