Tăng cường trách nhiệm trong hoạt động công vụ

23/06/2023 - 05:36

BDK - Công vụ là thực hành nhiệm vụ công phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân, là hoạt động mang tính quyền lực được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) nhà nước hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền, nhân dân ủy thác quyền lực nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hoạt động công vụ là hoạt động có tính tổ chức cao, được tiến hành thường xuyên, liên tục theo trật tự do pháp luật quy định trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước. Hoạt động công vụ của CB, CC là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB, CC theo quy định của Luật CB, CC và các quy định khác có liên quan.

CB, CC khi thi hành công vụ phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả; bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.

Từ nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh, đội ngũ CB, CC, VC đã có rất nhiều cố gắng để thực thi tốt nhiệm vụ, trách nhiệm được giao để có thể phục vụ cho nhân dân, đất nước tốt nhất. Từng cá nhân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, hoàn thành trọng trách được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thực tế ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận CB, CC, VC đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các ngành, địa phương… Một số CB, CC, VC còn có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Từ đó, quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; thậm chí có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của CB, cơ quan, địa phương, đồng thời, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động trong công việc, cũng như kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động công vụ của đội ngũ CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính và tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm vì lợi ích chung, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam vừa ký văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

Thường xuyên quán triệt, nhắc nhở đội ngũ CB, CC, VC về tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm sự phân công, giao việc của lãnh đạo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc được giao phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

Tập trung kiểm soát, kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của cơ quan, đơn vị; không bỏ sót hoặc đẩy trách nhiệm cho cấp trên; không lạm dụng việc xin ý kiến cơ quan cấp trên để né tránh trách nhiệm; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy trình giải quyết công việc, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; có biện pháp thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với CB, CC, VC có năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành, các cấp cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CB, CC, VC trong đơn vị, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và đạo đức công vụ; xây dựng văn minh công sở, thực hiện công khai minh bạch, tận tụy trong giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp và công dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền.

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN