Hội thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Có 3 nhóm đối tượng cần tập trung tuyên truyền: Nhóm đối tượng truyền thông vận động gồm: lãnh đạo Đảng, chính quyền, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý các cấp. Nhóm đối tượng truyền thông chuyển đổi hành vi gồm: phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh; vị thành niên và thanh niên; người cao tuổi; người cung cấp dịch vụ y tế; phụ nữ và nam giới thuộc nhóm dân di cư, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Nhóm đối tượng huy động cộng đồng gồm: các tổ chức chính trị - xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình, chức sắc tôn giáo; các tổ chức phi chính phủ, những người nổi tiếng trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nội dung tuyên truyền tập trung duy trì mức sinh thay thế. Truyền thông rộng rãi thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”, nhằm ổn định lâu dài quy mô DS, cải thiện cơ cấu DS. Đồng thời, tiếp tục truyền thông, giới thiệu rộng rãi các kênh cung cấp dịch vụ phương tiện tránh thai tin cậy, chất lượng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân.
Tiếp tục truyền thông về thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tại địa phương, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp thông qua việc tuyên truyền về Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025; Chỉ thị số 04/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, bình đẳng giới.
Đẩy mạnh truyền thông về các giải pháp phát huy lợi thế của cơ cấu DS vàng. Tiếp tục duy trì mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu DS vàng.
Truyền thông mạnh mẽ về thích ứng với già hóa DS và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi như: Luật Người cao tuổi năm 2019; Thông tư số 21/201l/TTBTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi; Thông tư số 35 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe nguời cao tuổi; Quyết định số 1781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020.
Duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả và xây dựng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với tình hình mới. Tập trung tuyên truyền vận động thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân. Nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh. Cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai tốt để sinh con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng DS.
Tăng cường truyền thông các chế độ, chính sách cho các nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội, người làm việc trên biển, người dân thuộc vùng ven biển, người sống tại vùng có nguy cơ cao, vùng nhiễm chất độc da cam… theo Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21-3-2018.
Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chủ trương tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai cho đối tượng cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên - thanh niên.
Bài, ảnh: Hoàng Oanh