Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến quốc lộ 60.
Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi. Trong đó, tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80/100ml máu hoặc vượt quá 0,4ml/1 lít khí thở (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng).
Khi tham gia giao thông, nếu người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) có nồng độ cồn sẽ có thể bị phạt tiền từ 80 - 600 ngàn đồng; đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng. Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự như xe ô tô khi tham gia giao thông nếu vi phạm về nồng độ cồn thì sẽ bị phạt tiền từ 6 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng. Đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đều bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
Từ ngày 1 đến 7-1-2020, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra 3.180 phương tiện, phát hiện lập biên bản 552 trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ; tạm giữ 11 xe ô tô, 350 xe mô tô 2 bánh, 3 xe máy kéo, 195 giấy tờ các loại. Trong đó, có 61 trường hợp người điều khiển xe mô tô, 1 xe ô tô vi phạm nồng độ cồn.
Th.Huyền - H.Trí