
Hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm trực tuyến sử dụng dịch vụ công tại bộ phận một cửa UBND phường Phú Tân, TP. Bến Tre. Ảnh: T. Thảo
Về công tác CCHC năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Nội vụ, ý kiến góp ý của các thành viên BCĐ, đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các thành viên BCĐ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Mục tiêu, quan điểm là năm 2022 phải tạo ra được bước đột phá trong CCHC, nhất là thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới người dân (ND) và doanh nghiệp (DN) để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng tới phát triển bền vững, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ ND và DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.
Thống nhất quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển và việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ ND, DN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.
Các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhất quán từ Trung ương tới địa phương…
Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về CCHC thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương, của các cấp hành chính. Chủ động xử lý, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, cản trở, nếu vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Phải huy động nguồn lực để phát triển và phục vụ ND, DN.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia, quản trị của các cấp chính quyền, bộ, ngành về CCHC dựa trên thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Rà soát quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về TTHC trong các cấp, các ngành, nội bộ cơ quan, loại bỏ những quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho ND, DN và sự phối hợp giữa các cơ quan.
Thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận một cửa các cấp khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho ND, DN; tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6-12-2021 của Chính phủ và việc triển khai Đề án đổi mới trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới ND chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ 1 lần.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt tập trung triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tập trung triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đối với ngành hải quan, thuế, ngân hàng, bảo đảm cắt giảm thủ tục hành chính để ND, DN không phải đi lại nhiều lần, giảm chi phí.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vừa nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, thực hiện công vụ; tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Đầu tư thỏa đáng để đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số.
Đăng Phong