Tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

22/08/2022 - 05:34

BDK - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 4945/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2022 - 2025”. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Tổ chức diễn đàn online về phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh: CTV

Tổ chức diễn đàn online về phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh: CTV

Định hướng cần thiết

Việc ban hành những quy định để bảo vệ trẻ em khi sử dụng mạng rất cần thiết, nhằm bảo vệ, điều chỉnh được các hành vi, tạo điều kiện để trẻ em  phát triển tốt và lành mạnh hơn khi sử dụng mạng. Trong bối cảnh xã hội số hiện nay, trẻ em đã tiếp xúc với công nghệ và Internet từ rất sớm. Không chỉ là đáp ứng nhu cầu về giải trí, công nghệ số còn phục vụ đắc lực cho việc học tập. Chúng ta thật sự đang sống trong một xã hội số.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý, phải xác định rằng, lứa tuổi trẻ em rất nhạy cảm với diễn biến cuộc sống. Các em với bản tính ham học hỏi, nhu cầu kết nối mọi người sẽ tiếp cận rất nhanh với công nghệ và Internet nhưng vẫn còn đang trong quá trình phát triển nhận thức và hình thành nhân cách nên chưa hiểu rõ bản chất thật sự của vấn đề.

Vì thế, trên không gian mạng, một thế giới “ảo” nhưng lại rất dễ xảy ra những mâu thuẫn thật. Trên không gian mạng, hơn ai hết, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tác động, bị ảnh hưởng, bị cuốn vào những nội dung xấu, độc. Việc ban hành các văn bản về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ rất cần thiết, giúp định hướng cho các cá nhân, tập thể có giải pháp giúp trẻ em sử dụng công nghệ và Internet tốt hơn.

Kế hoạch “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2022 - 2025”, có mục tiêu chung là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn thúc đẩy việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng. Trong đó, gồm: sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đẩy mạnh thông tin và tuyên truyền đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đảm bảo các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ em phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng.

Đa dạng hoạt động tuyên truyền, giáo dục

Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh luôn chú trọng việc tổ chức các hoạt động phát triển kỹ năng dành cho trẻ em, thanh thiếu nhi. Trao đổi với anh Diếp Minh Tuấn - Huấn luyện viên cấp 1 Trung ương, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ công tác thanh niên, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh được biết, các hình thức hoạt động được triển khai đa dạng, sáng tạo thông qua các chương trình sinh hoạt kỹ năng, bài giảng, diễn đàn chia sẻ, gặp gỡ các chuyên gia tâm lý…

Trong năm 2022, các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc trung tâm cũng đã hình thành các nhóm học đường, giúp chia sẻ, kịp thời gỡ rối, định hướng cho các em. “Bên cạnh đó, các câu lạc bộ đội nhóm còn chú trọng nhiều hơn về công tác tuyên truyền, thực hiện các ấn phẩm truyền thông để tìm hiểu về luật an ninh mạng, bạo lực học đường, thể hiện tiếng nói của các em trong những vấn đề về gia đình, học tập, sử dụng mạng xã hội”, anh Diếp Minh Tuấn cho biết. Những hoạt động này đều có thể được nhân rộng hơn ở cơ sở để đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức và tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường. Tăng cường công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội, gia đình, nhà trường. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, giáo viên các trường học thực hiện công tác tuyên truyền về công nghệ thông tin và truyền thông, mạng Internet và mạng xã hội. Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ để tiếp nhận phản ánh về các hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Những người làm công tác tổ chức, hoạt động phong trào dành cho thanh thiếu nhi, phụ huynh và thầy cô giáo cần tìm tòi, học hỏi thêm về công nghệ số, cần tận tâm, nhiệt huyết, nghiêm túc quyết liệt thực hiện; đồng thời, lắng nghe trẻ để có sự trao đổi, thấu hiểu, biết các em cần gì. Cần có sự định hướng, giáo dục, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ và mạng Internet cho thanh thiếu nhi để các em phát triển trở thành những công dân số đúng cách, biết cách làm chủ được công nghệ và có kỹ năng sử dụng Internet một cách an toàn, hiệu quả trên môi trường mạng.

“Vấn đề tuyên truyền giáo dục về không gian mạng là rất quan trọng, lâu dài và liên tục. Đồng thời, việc lên mạng xã hội không phải là vô danh mà phải là định danh để các phát ngôn có trách nhiệm hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành và tuyên truyền cho cộng đồng về quy tắc ứng xử trên không gian mạng, nhằm xây dựng các chuẩn mực, hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, phát ngôn, phát tin trên mạng xã hội”.

(Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng)

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN