Tập trung giải quyết tốt chế độ chính sách cho người có công, đưa công tác đền ơn đáp nghĩa thành phong trào thi đua rộng lớn

14/07/2009 - 08:42

(Đồng chí Hà Thanh Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bến Tre trả lời phỏng vấn Báo Đồng Khởi nhân Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009)

Xin đồng chí có thể khái quát về công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh nhà trong thời gian qua.

- Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bến Tre là một trong những tỉnh có nhiều đóng góp về sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, là nơi bổ sung nguồn nhân lực nhiều nhất cho chiến trường miền Nam. Ngoài ra, Bến Tre còn là nơi tiếp nhận và chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam (đường mòn Hồ Chí Minh trên biển). Kết thúc chiến tranh, mảnh đất Bến Tre tiêu điều xơ xác, ngoài những thiệt hại nặng nề về kinh tế thì nỗi đau mất mát về con người là rất to lớn. Tính đến nay tỉnh đã có trên 83.000 người có công được ghi nhận, tôn vinh, được hưởng các trợ cấp ưu đãi và sự chăm lo của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, có trên 35.000 liệt sĩ với trên 15.000 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 15.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trên 1.500 bệnh binh, 2.141 bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 284 mẹ), 51 cán bộ lão thành cách mạng, 6 cán bộ tiền khởi nghĩa, 33 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trên 11.000 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.100 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, trên 14.900 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, 1.500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 130 thanh niên xung phong…

Những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế tỉnh nhà còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo cho các đối tượng chính sách. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở Bến Tre phát triển khá mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đã huy động được mọi nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Bến Tre đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ ưu ái chí tình của Đảng bộ, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, tỉnh đã vận động xây dựng trên 200 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, nâng số nhà tình nghĩa được xây dựng đến cuối năm 2008 lên trên 3.500 nhà, đến nay đã giải quyết cơ bản về vấn đề nhà ở cho thương binh nặng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình 2 liệt sĩ trở lên. 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời; các thương binh nặng đều đã có cuộc sống ổn định tại gia đình. Hàng năm, tỉnh cũng đã trích ngân sách gần 10 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình người có công trong các dịp lễ, tết. Đồng thời, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cũng đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực đến đời sống đối tượng chính sách như tặng tiền mặt, hiện vật, dụng cụ sinh hoạt, tivi, gạo, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách.

Công tác mộ nghĩa trang liệt sĩ cũng được Đảng bộ và nhân dân hết sức quan tâm, toàn tỉnh hiện có 17 nghĩa trang liệt sĩ, quy tập và bảo quản trên 18.000 hài cốt liệt sĩ và số mộ liệt sĩ gia đình quản lý cũng được hỗ trợ xây dựng kiên cố. Thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TU của Tỉnh ủy về việc chăm lo nhà ở cho gia đình chính sách và xây dựng đền thờ liệt sĩ, đến nay đã có 152 đền thờ liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn được xây dựng khang trang với số tiền trên 26 tỷ đồng bằng sự đóng góp của nhân dân và được bảo quản chu đáo, xứng đáng là công trình văn hóa lịch sử để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phục vụ nhu cầu của thân nhân liệt sĩ đến thắp hương tưởng niệm liệt sĩ. Từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước và phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh trong những năm qua đã giúp cho các gia đình người có công có cuộc sống ổn định và ngày càng nâng cao hơn, 96% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 100% xã, phường, huyện, thị được công nhận làm tốt công tác chăm lo đời sống thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Kết quả mang lại từ phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh là rất lớn, song sự đền đáp công ơn đối với các anh hùng liệt sĩ vẫn chưa trọn vẹn, chỉ bù đắp, an ủi, xoa dịu phần nào sự mất mát, hy sinh to lớn của thương binh, gia đình liệt sĩ. Chúng ta ray rứt, nhức nhối bởi vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; trong các nghĩa trang còn nhiều mộ liệt sĩ chưa tìm được họ tên; còn trên 1.000 đối tượng chính sách khó khăn về vấn đề nhà ở; mức sống gia đình chính sách có cải thiện, nâng lên nhưng chưa thật sự ổn định, bền vững.

 

Xin đồng chí cho biết những công tác trọng tâm của ngành trong thời gian tới.

- Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế Bến Tre đã có bước phát triển, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, việc thực hiện chính sách người có công phải có những thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, đối với Bến Tre trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:

Trước mắt, tập trung giải quyết dứt điểm trên 1.000 hộ gia đình chính sách đang còn khó khăn về nhà ở. Các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền vận động toàn xã hội thực hiện tốt các phong trào chăm lo đời sống người có công. Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho gia đình chính sách, nhất là trong các dịp lễ, tết. Tranh thủ sự hỗ trợ quý báu về vật chất và tinh thần của các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành, các đơn vị và cá nhân để chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công.

Tập trung giải quyết chế độ chính sách cho người có công theo đúng quy định. Hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. Giải quyết kịp thời những khiếu nại, thắc mắc của nhân dân liên quan đến chế độ chính sách người có công. Tăng cường công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người dân khi có nhu cầu giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công kịp thời chấn chỉnh và hạn chế những sai sót trong công tác xét duyệt hồ sơ và thực hiện trợ cấp cho các gia đình chính sách, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đưa công tác chăm lo đời sống gia đình liệt sĩ,  thương bệnh binh và người có công vào một trong những nội dung của phong trào thi đua yêu nước, là chỉ tiêu xét khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng hàng năm của địa phương, đơn vị. Duy trì danh hiệu xã phường làm tốt công tác chăm lo đời sống người có công. Thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để người có công chủ động vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội.

 

Phát huy truyền thống yêu nước hiện nay có nhiều gia đình chính sách tiêu biểu đóng góp cho xã hội. Xin đồng chí cho biết cảm nhận của mình?

- Trong chiến tranh, lớp lớp đồng bào, chiến sĩ Bến Tre tham gia chiến đấu, sự hy sinh mất mát vô cùng to lớn, đã có biết bao người con ưu tú dũng cảm chiến đấu, hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường, nhiều người phải gánh chịu thương tật, bệnh tật hoặc di họa của chiến tranh suốt phần còn lại của cuộc đời. Sau chiến tranh, nhiều gia đình người có công đã phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua khó khăn vươn lên trong đau khổ để xây dựng cuộc sống khá hơn, làm giàu cho bản thân và xã hội. Và điều đáng mừng là ở bất kỳ địa phương nào, lĩnh vực nào cũng có những thương binh, thân nhân liệt sĩ trở thành những tấm gương tiêu biểu trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân và có nhiều đóng góp cho xã hội. Tiêu biểu như má Sáu Hòa ở Trung tâm Bảo trợ xã hội đã đóng góp hết tài sản của mình để phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em; má Đấu ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm đã làm cầu cho trẻ em đi học; má Hai ở Trung tâm Bảo trợ xã hội đã hiến đất xây dựng trường học, má Nhơn ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày đã dùng số tiền dành dụm được để xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn, xây cầu và hỗ trợ tập, vở cho các cháu học sinh gia đình nghèo hiếu học; thương binh Võ Văn Nghi ở Thạnh Hải, Thạnh Phú, thương binh Trần Văn Thảo ở xã Hữu Định, Châu Thành vượt qua khó khăn để  làm giàu và nuôi con ăn học thành tài, .v.v.. và còn rất nhiều những tấm gương gia đình có công tiêu biểu khác không kể hết được.

Tôi rất vui mừng, xúc động, tự hào và biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu đã không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác và lao động, sản xuất, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ trong buổi giao thừa với thương binh Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (Bính Thân - 1956): “Thương binh tàn nhưng không phế”, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.

Để người có công với cách mạng tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, để đạt mục tiêu của chính sách ưu đãi đối với người có công, việc động viên, cổ vũ có vai trò rất quan trọng. Do đó các cấp, các ngành phải thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện và phát động nhân rộng phong trào đối tượng và gia đình thương binh liệt sĩ xây dựng “Gia đình cách mạng gương mẫu”, “Người công dân kiểu mẫu” để họ chủ động vươn lên, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, làm giàu cho bản thân và xã hội.

 

Thanh Thưởng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN