Tập trung huy động nguồn lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022

18/01/2022 - 18:15

BDK - Năm 2021, mặc dù chịu sự tác động mạnh, toàn diện của hạn mặn và đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh đã phấn đấu, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tăng trưởng kinh tế dương, thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương và địa phương giao; giải ngân đầu tư công dự kiến đạt từ 93%, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD, xuất khẩu các sản phẩm dừa là điểm sáng với gần 400 triệu USD; đảm bảo ngân sách nhà nước cân đối chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên, an sinh xã hội, nhất là cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại trực tiếp và trực tuyến, ký kết hợp tác liên kết vùng, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp, góp phần thu hút thêm nguồn lực đầu tư, phục vụ xuất khẩu.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (bìa trái) ký kết bản ghi nhớ về hợp tác giữa UBND tỉnh và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu. Ảnh: CTV

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (bìa trái) ký kết bản ghi nhớ về hợp tác giữa UBND tỉnh và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu. Ảnh: CTV

Tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng còn thấp trong 2 năm qua, tỉnh chưa đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; quy mô kinh tế nhỏ, dẫn đến thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các tỉnh trong khu vực; nguy cơ lỡ nhịp, tụt hậu hơn so với cả nước và khu vực đang hiện hữu, đòi hỏi tỉnh phải tăng tốc và thực hiện mạnh, quyết liệt hơn nữa. Ngay cuối năm 2021, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với quyết tâm, đồng thuận cao, đưa Bến Tre phát triển như kỳ vọng. Một trong những chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng GRDP phải đạt mức từ 8 - 8,5%. Động lực nào để tăng trưởng? Đó là đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, xuất nhập khẩu, thúc đẩy thị trường tiêu dùng vẫn là 3 động lực tăng trưởng chính. Để đạt mức tăng trưởng năm 2022, tỉnh cần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính như sau:

Chuẩn bị triển khai, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (vốn Trung ương và địa phương) hiệu quả ngay từ đầu năm 2022, nhất là các công trình, dự án trọng điểm đã đủ điều kiện, cụ thể: Thứ nhất là công trình cầu Rạch Miễu 2 kết nối từ tỉnh Tiền Giang về TP. Bến Tre với hơn 17km, trong quý I phải hoàn thành các công tác chuẩn bị mặt bằng và tổ chức khởi công xây cầu Rạch Miễu 2. Công trình này có tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng (vốn Trung ương) và hơn 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương.

Thứ hai là hoàn thành giải phóng mặt bằng và triển khai hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận. Tỉnh ưu tiên bố trí các nguồn vốn để giải phóng xong mặt bằng và đầu tư ngay hạ tầng kỹ thuật, sớm đưa công trình này hoạt động vào cuối năm 2022. Khu công nghiệp Phú Thuận kỳ vọng sẽ đón đầu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang trình Quốc hội. Dự án Khu công nghiệp Phú Thuận phải kết hợp cả nguồn vốn đầu tư công và huy động thêm nguồn từ doanh nghiệp để cùng đầu tư hạ tầng thì mới nhanh được.

Thứ ba là các dự án giao thông huyết mạch liên vùng, vừa kết hợp giao thông và đê bao ngăn mặn như đường Bắc - Nam từ Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, đường giao thông ven sông Cổ Chiên từ Mỏ Cày Nam đi Thạnh Phú, giúp mở rộng không gian phát triển cho các huyện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Rạch Vong phục vụ phát triển đô thị Bến Tre.

Thứ tư là tuyến đường động lực ven biển, tập trung hoàn thành quy hoạch toàn tuyến và khởi động đầu tư một số hạng mục (như cầu Bình Thới 2); tiếp tục trình Chính phủ ủng hộ tuyến đường ven biển đồng bằng sông Cửu Long (trong đó qua Bến Tre 53km) bằng nguồn vốn vay ODA cấp phát lại cho các địa phương.

 Thứ năm là nhóm các công trình thủy lợi trọng điểm, trong đó khởi động xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (Ba Tri), các cống lớn của Dự án JICA 3 (Nhật Bản), hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam, Bắc Bến Tre, dự án đầu tư hạ tầng thích ứng (WB9).

 Thứ sáu là nhóm công trình tăng cường năng lực cho ngành y tế, khởi động xây dựng bệnh viện ODA Hàn Quốc, các khoa khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh, một số trung tâm y tế huyện và nhóm các công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới các huyện.

Quyết tâm đạt mức tăng trưởng năm 2022

Tập trung huy động nguồn lực xã hội, với chỉ tiêu 24 ngàn tỷ đồng năm 2022, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thật sự vào cuộc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân có cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường, cải thiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh sao cho nhanh, dễ thực hiện. Nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công sẽ không đủ để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, rất cần các ngành, địa phương tham mưu có cách làm, thu hút vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công tư (PPP), như đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tuyến đường động lực ven biển, hạ tầng đô thị gắn với đô thị mới, cấp nước sạch...

Quan tâm tạo quỹ đất thông qua công tác quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Nếu không quan tâm đến quy hoạch gắn với tính toán đầu tư các dự án cụ thể thì không thể triển khai được trong thực tiễn, không có quỹ đất thì cũng sẽ không có dự án thứ cấp. Ngoài Khu công nghiệp Phú Thuận, tỉnh phải triển khai các cụm công nghiệp cấp huyện đủ điều kiện đầu tư. Điều chỉnh quy hoạch vị trí một số khu công nghiệp không còn phù hợp, giãn ra khu vực các huyện biển, nhất là Thạnh Phú.

Đưa các dự án đã chấp thuận chủ trương vào thực hiện, nhất là các dự án năng lượng tái tạo và phát triển đô thị. Với 19 dự án đã được thông qua phương án đầu tư khu đô thị mới, tổ chức nhanh lựa chọn nhà đầu tư và khi đã chọn được nhà đầu tư thì triển khai ngay, tránh kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên và sự phát triển của địa phương. Tạo mọi điều kiện, tăng tốc triển khai đối với các dự án điện gió đã được Trung ương đưa vào quy hoạch (tổng hơn 1.000MW). Hai lĩnh vực phát triển đô thị và năng lượng đều là đầu tư ngoài ngân sách sẽ là động lực thúc đẩy mạnh tăng trưởng, không chỉ cho trước mắt mà còn tác động phát triển lâu dài của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh kiên trì thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại để xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển địa phương. Nếu làm đồng bộ, tỉnh hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng GRDP như kỳ vọng trong năm 2022 và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ trong các năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.

Từng cấp, từng ngành phải thật sự hành động, hành động với quyết tâm cao vì sự phát triển của tỉnh. Từng cán bộ, công chức phải thấm nhuần phương châm “chủ động thích ứng, phục hồi phát triển” của Chính phủ và “phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh. Các dự án cam kết của các nhà đầu tư phải được xem xét thấu đáo, xúc tiến nhanh thủ tục, rút ngắn thời gian, không dừng lại trên giấy. Nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ cũng do sự chậm trễ của địa phương và sự vào cuộc không quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành.

Nguyễn Trúc Sơn

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN