
Dọn dẹp cảnh quan ở lộ kênh 19-5 xã Sơn Đông.
Xây dựng giao thông
Ấp 3, xã Sơn Đông nhiều năm nay được xem là một khu vực trẻo so với các ấp khác trong địa bàn xã. Ấp không có đường lớn thông thương với các khu vực khác, kinh tế phát triển chậm.
Một người dân ở Ấp 3 kể, năm 1978, kênh 19-5 được đào, dẫn nước rửa phèn cho khu vực ấp. Sau nhiều năm trồng lúa, người dân dần chuyển sang làm vườn; hơn chục năm nay, diện tích dừa và bưởi ở xã ngày càng phát triển. Nhưng Ấp 3 vẫn là vùng trũng của xã vì không có đường giao thông lớn vận chuyển nông sản. “Từ khi lộ kênh 19-5 đưa vào sử dụng năm 2019, lộ trở thành đường “xương sống” của ấp. Lộ kênh 19-5 có chiều rộng đạt chuẩn đường cấp B, thông thương với đường ĐH.173, mở ra cơ hội mua bán nông sản cho người dân Ấp 3, xã Sơn Đông” - ông Hà Thanh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông cho biết.
Xác định GTNT là một trong những TC quan trọng trong xây dựng NTM để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các TC khác, thời gian qua, thành phố đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và nguồn lực trong nhân dân để xây dựng hạ tầng GTNT. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng mới 49,417km đường GTNT đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải với tổng kinh phí 125,5 tỷ đồng.
Trong đó, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường thành phố gồm 38 tuyến, chiều dài 57,6km được nhựa hóa và bê-tông hóa đạt chuẩn theo cấp Kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện, đạt 100%. Đường trục ấp, liên ấp gồm 55 tuyến, chiều dài 61,9km đã được nhựa hóa, bê-tông hóa đạt chuẩn 48/55 tuyến, với tổng chiều dài 47,7km, đạt 77%. Đường ngõ xóm không quy hoạch xây dựng gồm 277 tuyến, tổng chiều dài 87,8km, sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%, đã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt chuẩn 239/277 tuyến, với tổng chiều dài 73,3km, đạt 83,4%.
Hạ tầng nông thôn phát triển
Thành phố hiện có 6/6 xã có chợ, đạt TC chợ nông thôn; trong đó, có 2 chợ do tư nhân đầu tư. Về mô hình quản lý chợ, có 2 chợ do UBND xã quản lý và 2 chợ do Ban Quản lý chợ thành phố quản lý, 2 chợ giao cho tư nhân quản lý. Từ năm 2011 đến nay, đã đầu tư cải tạo xây dựng mới chợ nông thôn với tổng kinh phí 8,2 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 7 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 8 chợ truyền thống tại các phường, 1 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 1 phố ẩm thực du lịch đêm và nhiều cửa hàng tiện ích… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Diện mạo nông thôn ngày càng hoàn chỉnh hơn nhờ người dân quan tâm xây dựng nhà ở. Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn thành phố có 6/6 xã đều không đạt TC nhà ở dân cư. Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực vận động người dân chủ động xây dựng, chỉnh trang nhà cửa và các công trình phụ đảm bảo vệ sinh, gọn gàng, sạch đẹp.
Trong 10 năm qua, thông qua các cuộc vận động đã hỗ trợ xây mới và nâng cấp sửa chữa cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được 247 căn nhà, tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng. Đến nay, 6/6 xã NTM không còn nhà tạm, dột nát. Có 16.029/18.645 căn nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, đạt 85,97%.
Thời gian tới, TP. Bến Tre đưa ra mục tiêu tiếp tục giữ vững, nâng chất các TC xây dựng NTM, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025 có 4 xã: Phú Nhuận, Nhơn Thạnh, Sơn Đông và Phú Hưng đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 2 xã Phú Nhuận và Nhơn Thạnh đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Bình Phú và Mỹ Thạnh An định hướng phát triển theo hướng đô thị.
Bài, ảnh: Thạch Thảo