Đoàn chuyên gia tham quan một số mô hình nông nghiệp tại huyện Thạnh Phú.
Hiện đại hóa nông nghiệp
GS.TS. Trần Hồng Quân cho rằng, xu hướng của thế giới phát triển mạnh mẽ hợp tác hóa nông nghiệp, với mô hình hợp tác xã (HTX). Khi vào HTX, người dân sẽ tập trung diện tích đất đai tương đối lớn hơn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất tốt hơn; tập trung được sản lượng, chất lượng sản phẩm đồng đều. Tuy nhiên, không nên thành lập đối với những HTX chưa thật sự chín muồi. Vì nếu như thế sẽ không phát huy hiệu quả sản xuất thật sự mà chỉ dừng lại ở tác động quan hệ sản xuất.
Cần thống kê tỷ lệ lao động từ tỉnh đến các địa phương khác và ngược lại. Nguồn nhân lực của một tỉnh không thể không quan tâm đến nguồn nhân lực của cả nước, trong khi việc dịch chuyển lao động hiện nay rất lớn. Đặc biệt, những năm gần đây, lao động nông thôn dịch chuyển đi các tỉnh, thành phố lớn rất nhiều, nên lao động nông thôn rất thiếu. Cũng có nguyên nhân là không hiện đại hóa nông nghiệp, lao động nông thôn thu nhập rất thấp.
Khi quy hoạch phát triển địa phương, mô hình chung các nơi là quan tâm đến công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp thì coi như đây là điều tích cực. Tuy nhiên, theo GS.TS. Trần Hồng Quân, điều này không đúng hết cho tất cả các tỉnh. Vì đối với Bến Tre là địa phương có nền tảng từ nông nghiệp. Mặt khác, đối với thế giới, kinh tế nông nghiệp đang rất “sáng sủa”. Sản phẩm công nghệ đang dần bão hòa, còn nhu cầu ăn uống đảm bảo sạch và dinh dưỡng cho sức khỏe hàng ngày thì đang ngày càng tăng lên. Thực tế, nhiều nước thuần nông trên thế giới vẫn rất giàu có nhờ vào nông nghiệp. Muốn vậy, Bến Tre nên sớm hiện đại hóa nông nghiệp, đẩy mạnh việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chế biến nông sản. Có sự dịch chuyển lao động hợp lý, hài hòa.
Đối với việc quan tâm thu hút nhân tài từ các tỉnh khác về phục vụ cho phát triển, giữ chân được nhân tài tại địa phương, trước hết cần tạo điều kiện đủ để người lao động làm việc và phát triển; có chính sách phù hợp và thật sự khuyến tài, giữ được nhân tài từ nhỏ. Theo GS.TS. Trần Hồng Quân, hiện nay, có đến 65% các nghề không còn nữa và thay đổi bằng các nghề mới. Do đó, các cơ sở đào tạo, trường nghề tại tỉnh cũng phải sớm linh hoạt thay đổi, thích ứng xu thế mới.
Du lịch cần sự khác biệt
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đột phá của địa phương là lấy cơ chế, chính sách đặc thù riêng biệt mới có thể thu hút đầu tư phát triển hướng Đông, trong đó có du lịch. Tỉnh cần có quy hoạch về phát triển du lịch địa phương, tour, tuyến, điểm đến, định hướng thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, sản phẩm du lịch ĐBSCL là khá giống nhau như khai thác lịch sử văn hóa và đặc điểm miệt vườn sông nước. Đối với Bến Tre, cần khai thác phát triển mạnh sinh thái miệt vườn riêng có của tỉnh là cây dừa. Bởi khách du lịch trên thế giới, nhất là khách châu Âu rất quan tâm yêu thích cây dừa và những sản phẩm từ cây dừa. Thực tế nhiều năm qua, riêng về du lịch dừa của Bến Tre chưa có nhiều chuyển biến, thay đổi mới. Thời gian tới, tỉnh cần phát huy thế mạnh về cây dừa.
Về văn hóa, ngoài những đặc điểm văn hóa chung của vùng sông nước Nam Bộ, Bến Tre có nét riêng là con người chân chất, hiền hòa, mến khách, kiên cường, bất khuất. Trong đó, ấn tượng nhất là hình ảnh về người con gái Bến Tre xinh đẹp, giỏi giang đã đi vào các sáng tác thơ ca, như bài “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Đã có rất nhiều người phụ nữ Bến Tre đã đi vào lịch sử, huyền thoại của đất nước.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, hướng tới cần đẩy mạnh xây dựng, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch và có sự chăm chút, trau chuốt cho các sản phẩm đó. Các sản phẩm này cần có tại các điểm du lịch của tỉnh. Điển hình như sản phẩm du lịch xứ Dừa, sản phẩm đặc trưng quê hương Đồng Khởi… Cùng với phát triển mạnh sản phẩm du lịch sinh thái địa phương đáp ứng thị hiếu khách du lịch thì Bến Tre cần có kế hoạch cụ thể để thu hút khách du lịch trong nước và khách quốc tế.
Phát triển toàn diện
Mục tiêu phát triển Bến Tre về hướng Đông là phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trong đó kinh tế biển là trọng tâm, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực qua tuyến động lực ven biển, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng.
Hình thành khu kinh tế ven biển với những ngành, lĩnh vực đột phá như năng lượng sạch, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp giá trị gia tăng cao, cảng biển - logistics, khu đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với sự tập trung lãnh đạo, quán triệt và nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư để tạo ra sự phát triển vượt bậc, rõ nét của tỉnh nhà trong giai đoạn tới.
Do đó, ý kiến gợi mở, đề xuất của đoàn chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các viện, trường có giá trị quý báu đối với tỉnh trong quá trình xây dựng quy hoạch và triển khai chiến lược phát triển kinh tế hướng Đông.
GS.TS. Trần Hồng Quân cho biết, ông rất ấn tượng giải pháp thực hiện chiến lược phát triển của Bến Tre về hướng Đông. Đồng thời lưu ý các mục tiêu, giải pháp phát triển Bến Tre về hướng Đông cần đặt trong bối cảnh của tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nhanh và ngày càng gay gắt. Tất cả những kế hoạch, giải pháp đều phải có tính toán đến kịch bản ứng phó tác động của nó.
Theo GS.TS. Trần Hồng Quân, một trong những tác động của biến đổi khí hậu đến Bến Tre như sông Cửu Long bây giờ khác xưa rất nhiều, phù sa đổ về ngày càng ít đi. Nước ngọt cũng là vấn đề cần quan tâm đầu tiên khi có vị trí ở hạ lưu sông Mekong và nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng ít đi.
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc