Tập trung nguồn lực xây dựng huyện nông thôn mới

03/01/2023 - 15:43

BDK - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, huyện Mỏ Cày Bắc có nhiều nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng NTM. Đến nay, huyện đã gặt hái được những “trái ngọt”. Diện mạo kinh tế - xã hội đổi mới, làm động lực, tiền đề để hướng đến mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.

Người dân chăm sóc hoa kiểng vụ Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Phan Hân

Người dân chăm sóc hoa kiểng vụ Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Phan Hân

Huy động nguồn lực trong dân

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 10-11-2020 của Huyện ủy về xây dựng huyện Mỏ Cày Bắc đạt chuẩn NTM năm 2025, trong những năm qua, UBND huyện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và đời sống văn hóa huyện đã quán triệt thực hiện Nghị quyết Huyện ủy, tập trung xây dựng các xã đạt chuẩn xã NTM tiến tới xây dựng huyện NTM. Kết quả đến nay, trên địa bàn huyện có 7/13 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (NC). Trung bình các xã đạt trên 16 tiêu chí (TC).

Đối với đề án xây dựng huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã thông qua các ngành huyện, tỉnh lần 1 và các ngành huyện góp ý lần 2,  trên cơ sở TC mới huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025. Văn phòng Điều phối xây dựng NTM của huyện cập nhật, bổ sung trình xin ý kiến góp ý của các ngành tỉnh lần 2 trong tháng 11- 2022.

Tân Thành Bình được công nhận đạt chuẩn xã NTM từ cuối năm 2015. Đến đầu năm 2022, xã đã hoàn thành 15/15 TC, trở thành xã đầu tiên của huyện được công nhận là xã NTMNC. Chủ tịch UBND xã Tân Thành Bình Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Sau khi đạt chuẩn NTM, hàng năm, xã tập trung nâng chất các TC, thực hiện xây dựng NTMNC. Được sự đồng thuận cao về tư tưởng, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân đã góp phần quan trọng vào thành công của chương trình xây dựng NTMNC của xã”.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Tân Thành Bình đã huy động nguồn lực trong dân gần 1,5 tỷ đồng và góp công lao động, hiến đất để xây dựng đường giao thông. Giao thông thuận lợi, an ninh ổn định, đời sống tinh thần được chăm lo nên người dân có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Xã luôn chú trọng công tác lãnh đạo phát triển sản xuất, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Cùng với Tân Thành Bình, diện mạo nông thôn nhiều địa phương trong huyện “thay da đổi thịt”. Đây là tiền đề để Mỏ Cày Bắc hướng đến mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong thời gian tới. Nhờ tập trung cả hệ thống chính trị tham gia và sự hưởng ứng nhiệt tình, đồng thuận của nhân dân thực hiện phần việc của hộ gia đình, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động để thực hiện các công trình tại địa phương, huyện đạt được kết quả bước đầu trong xây dựng NTM. Ngay thời gian đầu, huyện đã có lộ trình xây dựng NTM cụ thể tại 6 xã chưa đạt chuẩn và xác định các công trình trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết đầu tư trước, đề xuất danh mục công trình để xin kinh phí từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, huyện  xây dựng kế hoạch vận động kinh phí đối ứng từ nguồn xã hội hóa.

Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho biết: “Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nông sản thấp ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng người dân trong huyện đã tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây dựng NTM. Qua 2 năm (2021-2022), ngoài ngân sách nhà nước đầu tư, huyện đã huy động hơn 15 tỷ đồng trong dân. Nhờ vậy, nhiều công trình được xây dựng hoàn thiện. Trong quá trình triển khai xây dựng công trình có sức đóng góp của dân và nguồn kinh phí xã hội hóa. Tất cả được công khai, minh bạch. Từ đó, tạo lòng tin cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch vận động và chia ra nhiều đợt để người dân có đủ khả năng đóng góp”.

Tận dụng nguồn lực ở cơ sở

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và đời sống văn hóa huyện, thời gian qua, các địa phương trong huyện đã tích cực, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, với tinh thần tập trung và trách nhiệm.

Bên cạnh các kết quả đạt được, huyện vẫn còn một số khó khăn. Các xã sau khi đạt chuẩn NTM còn nợ một số chỉ tiêu về giao thông. Một số xã đạt chuẩn chưa thực sự nổi bật, tiến độ xây dựng NTM còn chậm. Hầu hết các TC chưa hoàn thành đều cần nhiều vốn từ ngân sách nhà nước như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, nước sạch, là trở ngại trong hoàn thành xã NTM của huyện.

Thời gian tới, huyện Mỏ Cày Bắc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2023 - 2025. Năm 2023, huyện phấn đấu công nhận 3 xã đạt chuẩn NTM (lũy kế 10/13 xã), 1 xã NTMNC (2/13 xã); phê duyệt đề án huyện đạt chuẩn NTM (đạt 3/9 TC). Năm 2024, có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã NTMNC, thực hiện đạt 6/9 TC huyện NTM. Năm 2025 công nhận 1 xã NTMNC, nâng tổng số 4/13 xã NTMNC, thực hiện đạt 9/9 TC huyện NTM.

Để thực hiện chương trình xây dựng NTM theo đúng tiến độ đề ra, cả hệ thống chính trị của huyện tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia phong trào xây dựng NTM. Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Phạm Thanh Truyền cho biết: Huyện sẽ tận dụng tối đa nguồn lực ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện tốt các phần việc của hộ gia đình, tập trung phát triển kinh tế để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Từ đó, tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động.

Các xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các phần việc của hộ gia đình và phong trào Ngày Chủ nhật NTM. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Phát triển lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Các ngành huyện, địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để tạo việc làm cho lao động nông thôn, kết nối thị trường hàng hóa, lao động. Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp địa phương.

“Các địa phương phải thay đổi mạnh mẽ về tư duy, nhận thức một cách toàn diện về phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế nông nghiệp của địa phương. Tập trung xây dựng, nâng chất hệ thống cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất làm cơ sở để nâng cao thu nhập nhân dân, xây dựng cảnh quan môi trường các tuyến đường giao thông. Tiếp tục thực hiện các tiêu chí chưa đạt, nâng chất các tiêu chí đã đạt. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt chuẩn theo quy định”.

(Phó bí thư Huyện ủy -  Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền)

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN