Tập trung thảo luận các giải pháp phát triển nông nghiệp, đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển doanh nghiệp

07/12/2022 - 20:29

BDK.VN - Chiều 7-12-2022, kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 7, khóa X tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Các đại biểu tập trung bàn giải pháp tăng trưởng của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo cùng một số nội dung khác.

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Phát biểu của Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Động lực tăng trưởng kinh tế

Đại biểu HĐND tỉnh, Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn đặt vấn đề, Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 -  2025 xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cải thiện vị trí thứ hạng của tỉnh từ thứ 12/13 tính theo tổng GRDP và thứ 13/13 theo tiêu chí bình quân đầu người vươn lên top khá (6/13) so với khu vực.

Để đạt mục tiêu trên, NQ cũng đặt ra mức tăng trưởng kinh tế phải đạt từ 8,5 - 9,5%, theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng xác định mục tiêu như trên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của một địa phương dựa vào 4 yếu tố chính đó là vốn, tài nguyên, lao động, khoa học công nghệ.

Nhưng đối với tỉnh trong giai đoạn hiện nay, nguồn tài nguyên đất đai rất hạn chế; nguồn lao động chất lượng cao còn ít, năng suất lao động còn rất thấp; khoa học công nghệ tác động nâng cao hiệu quả quá trình sử dụng tài nguyên vào nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng, năng suất lao động chưa nhiều. Trong điều kiện đó, yếu tố mang tính động lực, quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà trong năm 2023 và các năm tiếp theo vẫn là yếu tố vốn, do vậy việc thực hiện chỉ tiêu “huy động vốn đầu tư toàn xã hội” có đạt hay không sẽ quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà trong thời gian tới.

NQ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 26.000 đến 28.000 tỷ đồng/ năm; Quy hoạch chung tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đề ra mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2025 phải đạt từ 40.000 đến 42.000 tỷ đồng/ năm để đạt mức tăng trưởng 8,5% đến 9,5%.

Thực tế qua 2 năm thực hiện NQ Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 kết quả như sau: Về tăng trưởng năm 2021 1,53%; năm 2022 7,33%. Thấp hơn mục tiêu NQ 8,5% - 9,5%. Về huy động vốn đầu tư toàn xã hội, năm 2021: 20.000 tỷ đồng; năm 2022: 23.000 tỷ đồng. Thấp hơn mục tiêu NQ từ 26 - 28 ngàn tỷ đồng và rất thấp so mục tiêu quy hoạch 40 - 42 ngàn tỷ theo quy hoạch chung của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu NQ cải thiện được vị trí thứ hạng của tỉnh so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long là phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao thuộc top đầu khu vực (top 1 đến 5), thời gian dài đây là thách thức lớn. Muốn duy trì mức tăng trưởng cao 8,5% - 9,5% như mục tiêu NQ thì vấn đề đặt ra là phải có giải pháp hiệu quả để khai thông nguồn vốn huy động đạt mục tiêu NQ là 26 -28 ngàn tỷ đồng hay cao hơn là mục tiêu quy hoạch của tỉnh 40 - 42 ngàn tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Đây là những vấn đề cần có kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể và phải làm thật sự quyết tâm, quyết liệt mới mong đạt được mục tiêu NQ đã đề ra.

Phát biểu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh. Ảnh: Hữu Hiệp

Phát biểu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho rằng: Đối với lĩnh vực trồng trọt, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia và của tỉnh gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có điều kiện và khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như: Bò thịt, heo, gia cầm. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị đánh bắt, chế biến, bảo quản trên tàu nhằm tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển, chế biến thủy sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi.

Phát biểu của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc. Ảnh: Hữu Hiệp

Phát biểu của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc. Ảnh: Hữu Hiệp

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc: Tăng trưởng của tỉnh năm 2022 là 7,33%, hiện nay chúng ta đang đứng thứ 9 của đồng bằng sông Cửu Long. Đó cũng là sự nỗ lực cố gắng lớn, trong việc cải thiện chỉ số nói chung, để góp phần tăng trưởng kinh tế. Trong cả năm 2021, 2022, với sự lãnh đạo tập trung quyết liệt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), tăng trưởng kinh tế của tỉnh đang đi cùng với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Một tín hiệu thứ hai nữa là đó là cơ cấu tỷ trọng tăng trưởng kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giảm dần tỷ trọng khu vực I, tăng dần tỷ trọng khu vực II, đúng định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Vậy giải pháp nào để thực hiện ở các khu vực kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Tuấn liên quan đến các yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh của tỉnh yếu tố đầu tiên vẫn là liên quan đến nguồn vốn. Vậy từng khu vực có giải pháp như thế nào, đối với các khu vực I, II, III, khu vực I cái chúng ta còn dư địa mà có thể tập trung lãnh đạo để phát triển khu vực này được là phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, giải quyết việc làm cho trên 70% dân số của tỉnh. Khu vực II sẽ có chế biến tốt tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao. Tập trung hoàn thiện các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, thông qua các mô hình sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Cụ thể là chuỗi dừa và bưởi da xanh (BDX).

Khu vực II liên quan đến lĩnh vực xây dựng và công nghiệp, trong đó cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, Khu công nghiệp Phú Thuận, đảm bảo thu hút đầu tư. Mời gọi các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có qũy đất sạch, trong đó có 500ha phát triển đô thị. Khu vực thương mại, dịch vụ, nếu khu vực I, II tốt thì khu vực III sẽ phát triển mạnh, trong đó có yếu tố phát triển công nghệ. Năm 2023, ngoài 21 chỉ tiêu, 6 nhiệm vụ giải pháp thì tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Xây dựng, phát triển nông nghiệp bền vững

Đại biểu Nguyễn Thanh Hậu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh  đơn vị huyện Ba Tri đặt vấn đề cần có “Giải pháp khắc phục khó khăn và xây dựng, phát triển nông nghiệp bền vững”. Đại biểu cho rằng, thời gian qua nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, đã có những thành tựu to lớn, toàn diện và rất ấn tượng như: Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và một số chuỗi giá trị nông sản, hình thành cơ bản dừa, bưởi da xanh, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, cấp mã số vùng trồng; tăng cường liên kết giữa DN, HTX và nông dân.

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Thanh Hậu. Ảnh: Hữu Hiệp

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Thanh Hậu. Ảnh: Hữu Hiệp

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, diện tích còn quá nhỏ so với tổng diện tích sản xuất, các địa phương phát triển không đồng đều và chưa bền vững. Chưa đổi mới, đột phá trong tổ chức sản xuất: Việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa phù hợp; việc tổ chức sản xuất, khâu liên kết còn yếu kém, rời rạc; Chủ yếu nông nghiệp vẫn sản xuất nhỏ lẻ. Việc sản xuất còn theo kinh nghiệm, chưa sản xuất theo nhu cầu thị trường. Quy trình sản xuất chưa chủ động, phụ thuộc đầu vào và đầu ra.

Mối liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa DN và người dân nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa bền vững và thực chất, chưa thể hiện rõ hiệu quả. Hầu hết các DN thu mua, đa số chế biến hàng nông sản trong chuỗi đều thuộc dạng vừa và nhỏ chưa có thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng, dễ bị tác động bởi các yếu tố khác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hậu đề xuất một số giải pháp mang tính chất khắc phục khó khăn và xiệc xây dựng, phát triển nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Ngăn chặn tăng giá bất hợp lý. Có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trợ giá nông sản, nhất là những cây, con chủ lực của tỉnh như: Cây dừa, cây lúa, con bò. Đối với giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, trong đó phát huy vai trò định hướng, tăng cường công tác dự báo, khuyến cáo để giúp nông dân chủ động. Chi ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp: tăng cường hiệu lực, hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn. Tạo chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm. Gắn sản xuất nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch tỉnh nhà.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: Để khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt; duy tu, sửa chữa, thực hiện tốt công tác vận hành các công trình thủy lợi hiện có. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục tổ chức lại sản xuất trên cơ sở định hướng của tỉnh, có sự điều chỉnh linh hoạt dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản hình thành các vùng sản xuất tập trung góp phần tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Mở rộng và kết nối thị trường. Rà soát lại các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Xây dựng vùng sản xuất bưởi da xanh đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Đối với nội dung xây dựng vùng sản xuất BDX đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đại biểu Nguyễn Trúc Hạnh - đơn vị huyện Giồng Trôm nhận định: Hiện nay việc xây dựng vùng sản xuất BDX tập trung gắn với chuỗi giá trị đã đạt được kết quả bước đầu. Diện tích BDX tham gia chuỗi khoảng 374ha, chiếm tỷ lệ 3,96% tổng diện tích bưởi toàn tỉnh. Trong đó, diện tích bưởi tham gia sản xuất theo chuẩn VietGAP 330,98ha, chiếm tỷ lệ 88,49% tổng diện tích bưởi tham gia liên kết; sản lượng BDX tham gia chuỗi 1.200 tấn, chiếm tỷ lệ 1,33% tổng sản lượng BDX toàn tỉnh, đặc biệt đã xây dựng được 157ha BDX đáp ứng tiêu chuẩn thị trường ngoài nước. Việc tuyển chọn sản phẩm BDX để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng đòi hỏi nhiều quy chuẩn nghiêm ngặt.

Đại biểu Nguyễn Trúc Hạnh - đơn vị huyện Giồng Trôm phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Đại biểu Nguyễn Trúc Hạnh - đơn vị huyện Giồng Trôm phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Để có thể xây dựng, mở rộng vùng sản xuất BDX đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường Mỹ và các thị trường khác, đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền; tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ; quy hoạch, định hướng sản xuất, phát triển cây giống; phát triển mở rộng thị trường và giải pháp về cơ chế, chính sách.

Theo đó chú trọng định hướng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tạo mọi điều kiện cho các hộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết ngang phát triển, mở rộng diện tích sản xuất tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị nguồn sản phẩm “BDX Bến Tre” sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của trái “BDX Bến Tre” trên thị trường Mỹ và các nước.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Tại phiên thảo luận, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Đối với vùng sản xuất tập trung BDX, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị và người dân cần vào cuộc, tiếp tục đẩy mạnh gắn kết giữa nông nghiệp và người dân, đảm bảo lợi ích người dân và DN. Đồng thời hồi phục các vùng sản xuất, đảm bảo chất lượng vùng nguyên liệu xuất khẩu. Cần có sự liên kết vùng sản xuất BDX trong tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, liên kết các HTX để đủ năng lực thực hiện. Cũng như chuyển giao kỹ thuật, quy trình kiểm định, áp dụng giải pháp cải tiến mẫu mã để không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ mà còn nhiều thị trường khác đầy tiềm năng cho nông sản Bến Tre.

Đại biểu Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Lô BDX đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện đã được đón nhận, mang lại giá trị cao. Số lượng bưởi này đều được cung cấp từ các hợp tác xã (trong đó HTX bưởi da xanh VietGAP Giao Long 12 tấn, HTX bưởi da xanh Quới Sơn 2 tấn, HTX bưởi da xanh Bến Tre 500kg). Điều này cho thấy việc hình thành HTX để triển khai vùng sản xuất tập trung là tất yếu cần toàn hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và người dân cộng đồng trách nhiệm triển khai thực hiện, xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nhất là với cây bưởi.

Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải

Đối với vấn đề về xử lý chất thải rắn ở các địa phương, đại biểu Bùi Thị Huyền Trang - Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Bình Đại cho rằng: Ý thức của người dân trong đăng ký thu gom rác, để rác đúng nơi quy định chưa cao, đơn vị thu gom chưa quan tâm vệ sinh tại các điểm tập kết rác, hầu hết chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển chưa được đầu tư đồng bộ cũng như thiếu công nghệ xử lý rác, tình trạng các bãi tập kết rác quá tải…

Đại biểu Bùi Thị Huyền Trang - tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Bình Đại phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Đại biểu Bùi Thị Huyền Trang - tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Bình Đại phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Cùng chủ đề này, đại biểu Đặng Hải Đăng - Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Chợ Lách cũng có ý kiến về thực trạng thu gom rác và vấn đề môi trường trên địa bàn huyện Chợ Lách. Các đại biểu nêu giải pháp cần quan tâm thực hiện như: Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về thu gom, phân loại rác; nâng cao hiệu quả hoạt động của DN dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn; ưu tiên lựa chọn đầu tư phương thức xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Đồng

Đại biểu Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đối với quy trình phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần có hành lang cơ sở pháp lý cũng như ý thức hợp tác của người dân, cùng với đó là nguồn lực đầu tư, quỹ đất và công nghệ phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ngành tài nguyên môi trường đang nghiên cứu tham mưu giải pháp phù hợp để xử lý cũng như mời gọi nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Phát triển các khu đô thị mới với tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy - Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Châu Thành cho rằng: Căn cứ NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 triển khai ít nhất 500ha các dự án đô thị TP. Bến Tre, các huyện và NQ số 06/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển đô thị, theo đó chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2025 đạt ít nhất 27%, đến năm 2030 đạt ít nhất 45%.

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: Hữu Hiệp

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: Hữu Hiệp

Thực trạng, hệ thống đô thị trên toàn tỉnh hiện nay gồm 24 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại II (TP. Bến Tre); 3 đô thị loại IV (thị trấn mở rộng: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam); 20 đô thị loại V (4 thị trấn huyện lỵ: Giồng Trôm. Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách và 16 đô thị được hình thành từ các xã). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 23%.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 37 dự án đầu tư xây dựng và phát triển khu đô thị mới, trong đó TP. Bến Tre có khoảng 20 dự án. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan cần làm rõ một số nội dung để góp phần định hướng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh: Việc xây dựng và phát triển các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh hiện nay có đáp ứng nhu cầu tốc độ đô thị hóa hay không?

Theo đó, chỉ tiêu phân bổ đất dành cho TP. Bến Tre đến năm 2030 đối với khu đô thị diện tích là 1.825ha. Hiện nay, trên địa bàn TP. Bến Tre, có khoảng 20 dự án phát triển đô thị với tổng diện tích đã lên đến 2062,797ha, vượt chỉ tiêu đất phân bổ khu đô thị đến năm 2030. Như vậy, các chỉ tiêu phân bổ đất đô thị trên địa bàn TP. Bến Tre đã vượt chỉ tiêu phân bổ. Việc phát triển quá nhiều khu đô thị mới trên một đơn vị hành chính TP. Bến Tre đơn vị có đánh giá được tác động của đô thị đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, người dân, đánh giá cung cầu của thị trường hay chưa? Cần làm rõ hơn việc xây dựng và phát triển các khu đô thị mới thì tính như thế nào đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2025 đạt ít nhất 27%. Trong khi đó NQ số 06 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị để đạt 27% đến năm 2025 đưa ra chỉ tiêu về nâng cấp đô thị và chỉ tiêu về phát triển đơn vị hành chính đô thị.

Để giải quyết các vấn đề trên góp phần định hướng, xây dựng và phát triển các khu đô thị mới phù hợp với tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy đề xuất một số giải pháp sau: Trước mắt phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị, có kế hoạch phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch; bám sát thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển đô thị. Phải xem phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, mà của cả hệ thống chính trị. Bởi vì đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng. Ảnh: Hữu Hiệp

Phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn công Dũng: Đồng tình cao với các giải pháp đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy đề xuất. Phát triển đô thị đang được tỉnh quan tâm, đã ban hành NQ và chương trình hành động. Năm 2025 đạt 27%, năm 2030 trên 30%, năm 2045 đạt 65%. Trong đó, năm 2025 ít nhất có 500ha đô thị.

Hiện toàn tỉnh có 2.500ha, đang cố gắng triển khai. Như vậy, nhu cầu sử dụng đất phải hết sức thận trọng. Năm 2030 phải đạt 3.000ha, hiện chỉ đạt 23% đô thị hóa. Một số người dân sống trong đô thị nhưng chưa đảm bảo hạ tầng giao thông, điện, nước. Chất lượng cuộc sống người dân chưa tốt. Hiện tỉnh có 300 ngàn người dân sống trong các khu đô thị, còn phải có 535 ngàn người nữa sẽ tiếp tục vào đô thị trong những năm tới. Mặt khác, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn rất hạn chế chỉ có giải pháp kêu gọi đầu tư, gồm đất đai, vốn. Ông Đoàn Công Dũng đề xuất, cần xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, có phân kỳ cụ thể nhưng không làm tác động lớn đến sản xuất, đời sống người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho mọi người thấy được lợi ích lâu dài cho tỉnh, người dân. Điều chỉnh đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp trong năm 2023

Đại biểu Vũ Thanh Hải, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Mỏ Cày Nam nêu vấn đề: Về kế hoạch phát triển 5.000 DN và 100 DN dẫn đầu, trong NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 thì việc phát triển 5000 DN và 100 DN dẫn đầu là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm mà NQ đề ra. Ngày 30-12-2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phát triển mới 5.000 DN và xây dựng 100 DN dẫn đầu trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nêu ra 1 số mục tiêu, giải pháp và tiêu chí cho việc xây dựng 100 DN dẫn đầu.

Phát biểu của Giám đốc BIDV Vũ Thanh Hải. Ảnh: Hữu Hiệp

Phát biểu của Giám đốc BIDV Vũ Thanh Hải. Ảnh: Hữu Hiệp

Mục tiêu phát triển 5.000 DN (trong đó có 1.500 DN chuyển từ hộ kinh doanh; 600 DN khởi nghiệp; 15 DN khoa học công nghệ; 20 DN có vốn đầu tư nước ngoài; 50 DN có ứng dụng công nghệ số). Trong KH của UBND tỉnh, đưa ra rất nhiều giải pháp, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, đến ngày 30-11-2022, 945/5.000 DN thành lập mới đạt 18,9% chỉ tiêu theo giai đoạn; 71/1.50 hộ kinh doanh chuyển lên DN đạt 4,73% chỉ tiêu theo giai đoạn;

Mục tiêu phát triển 100 DN dẫn đầu, theo kế hoạch 8725 của UBND tỉnh đã ban hành 1 số tiêu chí để xếp loại, đánh giá DN dẫn đầu. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai đến nay vẫn chưa xét chọn được DN nào, do các tiêu chí không phù hợp với thực tế tình hình DN tại Bến Tre. Các tiêu chí chồng chéo vào nhau rất khó chấm điểm và xếp loại. Điểm quan trọng là mục đích xây dựng 100 DN dẫn đầu chưa được nêu rõ ràng trong kế hoạch, và các tiêu chí chấm điểm xếp loại theo đó cũng không thực sự được xây dựng theo mục đích mà NQ đã đề ra.

Hiện tại, đã hết năm 2022 mà vẫn chưa thành lập được DN dẫn đầu nào, thì chỉ tiêu đạt 100 DN dẫn đầu vào cuối nhiệm kỳ liệu có khả thi không, và để đạt được số lượng đó thì cần có những biện pháp cụ thể nào?

Theo đại biểu Vũ Thanh Hải, giải pháp phát triển DN và DN dẫn đầu, ngoài các chính sách, giải pháp đã có, đại biểu đề xuất UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, DN nhất là DN dẫn đầu, không cần hỗ trợ kinh phí, mà cần được ủng hộ về chủ trương, tạo điều kiện thông thoáng và nhanh chóng về mặt thủ tục. Nhất là hiện nay, tình hình kinh tế khủng hoảng, ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của DN, những chính sách của tỉnh ban hành nhưng lại không có kinh phí để hỗ trợ, DN chẳng nhận được lợi ích thực tế từ chính sách ban hành thì cũng mang tính hình thức và không mang lại hiệu quả.

Giải trình về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc khẳng định: Việc xây dựng kế hoạch là cách UBND tỉnh triển khai tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XI. Năm 2015 tỉnh chỉ có 2.900 DN, sau đó 5 năm thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp thì tỉnh phát triển 5.400 DN. NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra phát triển 5.000 DN và xây dựng phát triển 100 DN dẫn đầu. Nay đã tròn 1 năm, nhưng nguyên nhân khách quan vẫn là ảnh hưởng của dịch.

Tỉnh cũng đang có trên 1.500 DN đang chờ giải tán, cho nên vận động hộ lên DN vô cùng khó khăn. Dẫn đến tỷ lệ hộ lên DN cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, tỉnh đã quyết tâm làm thường xuyên liên tục, đang triển khai đạt chỉ tiêu cao nhất. DN dẫn đầu chưa có DN nào, quá trình làm còn nhiều vướng mắc. Đã rà soát được trên 200 DN dẫn đầu các chuỗi để hướng đến mục tiêu cuối nhiệm kỳ sẽ có được 100 DN. Hiện tỉnh có 60 DN doanh thu trên 200 tỷ đồng, 143 DN doanh thu 50 -200 tỷ đồng. Có 38 DN nộp ngân sách trên 5 tỷ đồng/năm.

Thu Huyền - Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích