Lãnh đạo điều hành Tổ thảo luận số 3. Ảnh: Trần Quốc
Thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm đảng viên vi phạm kỷ luật
Các đại biểu tham gia tổ thảo luận đã thống nhất với dự thảo báo cáo. Đồng thời, có ý kiến tập trung: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là Chương trình số 13-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm đảng viên vi phạm kỷ luật. Chủ động nắm tình hình, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Vẫn còn trường hợp đảng viên vay mượn nợ ngoài hệ thống ngân hàng và các quỹ tín dụng đen, không có khả năng chi trả, gây mất uy tín cơ quan, đơn vị. Đối với những chi bộ để xảy ra tình trạng đảng viên vay mượn nợ không có khả năng chi trả thì cấp ủy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, lãnh đạo cấp trên.
Tỷ lệ đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật tăng. Có hai vi phạm đáng quan tâm là sử dụng chứng chỉ, văn bằng bất hợp pháp, vi phạm chính sách dân số. Nguyên nhân do một số tổ chức đảng thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, sự rèn luyện của chính đảng viên; công tác tự kiểm tra, giám sát chưa kịp thời. Hướng tới, Tỉnh uỷ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, tỉnh; chủ động nắm tình hình để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát.
Phát biểu của Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Tính Kiệp. Ảnh: P. Tuyết
Đề xuất giải pháp tới, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Tính Kiệp cho rằng: Cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023; sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU về tăng cường công tác phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỳ luật của Đảng. Tổ chức Hội nghị tọa đàm chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng. hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng”. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là Kế hoạch số 260-KH/TU ngày 22-5-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khắc phục vi phạm, khuyết điểm theo Thông báo số 429-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Chủ động nắm tình hình gắn với thực hiện giám sát thường xuyên để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và cơ quan quản lý nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát.
Tiếp tục theo dõi đôn đốc thực hiện hoàn thành 3 chuyên đề kiểm tra, giám sát theo chương trình của Tỉnh ủy. Phối hợp tham mưu để báo cáo kiểm tra, giám sát năm 2023, chương trình kiểm tra, giám sát theo hướng căn cứ vào chương trình toàn khóa vừa được điều chỉnh tích hợp nội dung các ban đảng, ban cán sự đảng, Đảng đoàn, ban chỉ đạo vào chương trình kiểm tra giám sát của Tỉnh ủy để giảm bớt chuyên đề kiểm tra của các ban nhưng phải đảm bảo đúng theo quy định của Trung ương và của Tỉnh về chức năng nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của các ban tham mưu.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu theo NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm đảng viên vi phạm. Tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện đồng bộ thúc đẩy hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của nhiệm kỳ đặc biệt là phòng ngừa tốt các vi phạm mới làm cho tổ chức đảng, đảng viên ít vi phạm và dẫn đến không vi phạm.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn phát biểu. Ảnh: Cẩm Trúc
Đại biểu các huyện Châu Thành, Thạnh Phú, Giồng Trôm nêu các vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng. Hầu hết các địa phương có chỉ tiêu phát triển đảng viên đạt và vượt. Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thái Bình cho rằng: Chỉ tiêu kéo giảm đảng viên vi phạm không đạt do số lượng đảng viên vi phạm tăng. Khó nhất của Giồng Trôm là xây dựng nông thôn mới (NTM), do xuất phát điểm thấp, khó đăng ký xây dựng NTM. Tỷ lệ NTM năm 2023, huyện đăng ký 2 xã NTM và 1 xã NTM nâng cao nhưng khả năng cũng không đạt, nguyên nhân do vướng ở tiêu chuẩn cán bộ không đạt (theo quy định mới).
Về tình hình đảng viên vi phạm đại biểu một số huyện nêu tỷ lệ đảng viên vi phạm tăng. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Võ Văn Kiệt cho hay: Năm nay Đảng bộ Khối xử lý cán bộ đảng viên vi phạm có giảm so với năm 2022. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phúc Linh cho rằng: Hướng tới cần quan tâm việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng trong doanh nghiệp. Tỉnh ủy nên có sự quan tâm chỉ đạo về vấn đề này. Đồng thời có chính sách để kêu gọi, thu hút người lao động có tay nghề kinh nghiệm về làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tập trung phát triển kinh tế đạt theo nghị quyết đề ra
Tập trung tuyên tuyền về quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm mọi người dân hiểu rõ và tuân thủ. Đồng thời, kiến nghị Trung ương nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai liên quan cơ chế chống đầu cơ bất động sản. Nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển xanh trong sản xuất để nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm. Đưa các mỏ cát vào khai thác để phục vụ các công trình, dự án. Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết, 9 tháng đầu năm 2023 huyện triển khai thực hiện quyết liệt các phần việc của năm 2023. Hiện có 18/22 chỉ tiêu đạt và vượt tiến độ đề ra, 3 chỉ tiêu còn lại được đánh giá vào cuối năm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở 3 khu vực trên 70%, cuối năm đạt kế hoạch đề ra. Khu vực 1, có sản phẩm nuôi tôm công nghệ cao đạt sản lượng cao. 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm đạt bằng cả năm 2022, 3 tháng còn lại nếu tiếp tục quản lý tốt dịch bệnh, giá cả tăng thì kết quả khả quan. Diện tích đất trồng dừa tăng, chỉ quan tâm giá cả đầu ra. Vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tiêu đề ra là 5.300 tỷ đồng, hiện đạt 77%. Thu ngân sách đạt 86%, cuối năm sẽ đạt và vượt. Huyện đã giải ngân hơn 80% vốn trung ương và tỉnh đầu tư.
Bình Đại kiến nghị, ngành hữu quan tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh lĩnh vực thuỷ sản, hạn chế tối đa xảy ra dịch bệnh để không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Xây dựng huyện NTM, các tiêu chí do huyện, xã và nhân dân thực hiện sẽ đạt. Huyện gặp khó khăn trong nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá cần tỉnh hỗ trợ. Tỉnh quan tâm bổ sung vốn để địa phương triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM. Dự báo tình hình thiên tai, hạn mặn sẽ diễn biến phức tạp. Tỉnh chỉ đạo tăng cường phối hợp hoàn thành các công trình cống ngăn mặn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Hướng tới, cần dồn sức phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều dự án liên quan giải toả đền bù cần sự phối hợp để đảm bảo tiến độ. Tập trung các công trình dự án mới. Nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển xanh trong sản xuất để nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2023 chưa cao, chưa như kỳ vọng. Trong khi đó, tỉnh đưa ra chỉ tiêu cao để kéo các năm trước. Hiện tăng trưởng kinh tế nằm tóp dưới (11/13) các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đứng 46/63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, hiện có tín hiệu khả quan. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,36% tương đồng tăng trưởng bình quân cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực 1 giảm và tăng dần khu vực 2 và 3. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều giải pháp đặt ra. Trong đó, có giải pháp hàng đầu là giải ngân vốn đầu tư công trên 54% cao hơn cả nước, góp phần quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế. Hiện vướng mắt lớn nhất vẫn là đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình dự án. Cần hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cưỡng chế, có mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư, đơn vị thi công.
9 tháng qua, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 50% chỉ tiêu NQ năm 2023. Trong đó, có vốn đầu tư ngoài nhà nước còn thấp, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế. Các dự án đầu tư ngoài ngân sách gặp nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Cần tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích sản xuất để huy động vốn đầu tư toàn xã hội.
Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình phát biểu. Ảnh: Cẩm Trúc
Bí thư Huyện ủy Châu Văn Bình cho hay, nuôi tôm công nghệ cao (CNC) gặp khó do giá giảm quá sâu, người dân lỗ nặng, khả năng phát triển nuôi tôm CNC trên địa bàn chậm lại. Huyện quyết tâm đến 2024 là hoàn thành 100% xã NTM. Hiện nay, huyện gặp nhiều khó khăn trong vận hành điện gió trên bờ. Tình hình vỡ nợ, vỡ hụi với quy mô hàng chục tỷ xảy ra trên địa bàn huyện rất nhiều.
Về đích trong xây dựng nông thôn mới theo nghị quyết
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã công nhận 11 xã NTM, 5 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), 11 xã đạt 15-18 tiêu chí, 37 xã đạt 10-14 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Phong trào “Ngày Chủ nhật NTM” tiếp tục được triển khai, thu hút được 175.211 người tham gia (trong đó người dân chiếm 58,7%); tổng kinh phí huy động để thực hiện “Ngày Chủ nhật NTM” khoảng 11,2 tỷ đồng.
Phát biểu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh. Ảnh: P. Tuyết
Để thực hiện đạt chỉ tiêu NQ về xây dựng NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh đề xuất, năm 2024, tỉnh cần bố trí vốn thực hiện đạt 17 xã NTM, phấn đấu đạt 80% xã NTM, tập trung thực hiện tiêu chí huyện NTM (Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Thạnh Phú,) và huyện NTM nâng cao Chợ Lách nhằm hướng đến thực hiện đạt chỉ tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Cùng với xây dựng NTM, thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh về 11 công trình dự án, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện 4.000ha nuôi tôm CNC. Theo NQ năm 2023, tỉnh thực hiện 500ha đến thời điểm này đã thực hiện đạt 489ha, con 11ha sẽ đạt theo chỉ tiêu NQ năm 2023. Hiện toàn tỉnh có 3.065ha, mỗi năm thực hiện 500ha, mục tiêu 4.000ha nuôi tôm CNC đạt theo chỉ tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trung tâm Cây giống hoa kiểng Chợ Lách đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đã có sản phẩm cụ thể. Để đề án thực hiện đúng theo kế hoạch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, sự đầu tư của các doanh nghiệp.
“Trong 3 tháng còn lại năm 2023, ngoài các nhiệm vụ chung của ngành, cần tập trung quyết liệt trong phòng chống ứng phó hạn mặn. Theo nhận định từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Trung ương, độ mặn mùa khô 2023-2024 gay gắt, khốc liệt hơn mùa khô năm 2015-2016. Đề nghị các địa phương, ban ngành, đoàn thể tỉnh quan tâm tập trung cho công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp cùng tham gia trong công tác ứng phó hạn mặn” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh lưu ý.
Việc thực hiện Chương trình 30-CTr/TU ngày 8-11-2022 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em cho rằng: Người nông dân hiện nay còn mang tư tưởng tiểu nông. Tư tưởng này được thể hiện ở việc duy trì tập quán sản xuất; ngại tiếp cận cái mới; sản xuất còn mang tính riêng lẻ dẫn đến việc tuyên truyền vận động nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể còn hạn chế.
Trong giải tới, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em đề xuất tiếp tục kiên trì tác động, định hướng để thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cho nông dân ở nông thôn. Tiếp tục có cơ chế khuyến khích phát triển nhanh về giao thông nông thôn. Đối với kết quả 1 năm triển khai thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 19-10-2022 thực hiện NQ số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em đề xuất cần quan tâm cho tổ chức bộ máy. Thời gian qua, việc tiếp cận thông tin và kết nối thị trường các hợp tác xã còn hạn chế. Do vậy để kinh tế tập thể phát triển đúng tầm cần quan tâm đầu tư việc xây dựng đội ngũ làm kinh tế hợp tác.
Nhân viên y tế xin nghỉ việc, đâu là nguyên nhân và giải pháp
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh bày tỏ bức xúc, từ năm 2020 đến nay, có 274 nhân viên y tế xin nghỉ việc, gồm: 96 bác sĩ, 24 dược sĩ, 63 điều dưỡng, 15 kỹ thuật viên, 15 hộ sinh, 61 các chuyên ngành khác. Trong đó, có bác sĩ, dược sĩ, cử nhân đào tạo theo đặt hàng xin bồi hoàn kinh phí để chuyển sang nơi khác công tác. Nguyên nhân nghỉ việc do thu nhập thấp, chưa tương xứng chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Thu nhập có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực y tế tư nhân và công lập. Nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp, không đủ chi phí cho các khoản thu nhập tăng thêm cho cán bộ y tế. Chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh hoặc còn thiếu cơ chế. Môi trường làm việc chưa hấp dẫn, áp lực công việc cao, môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao đã ám ảnh đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế…
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng phấn khởi cho biết: Đến thời điểm này đạt 106,5%, tỷ lệ lao động việc làm vượt chỉ tiêu NQ đặt ra. Tỷ lệ lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài đạt 96%, trong đó tập trung tại Ba Tri và Giồng Trôm. Đề nghị các huyện còn lại cần tập trung. “Hiện ngành cũng đang thực hiện tổng điều tra về thị trường lao động, các huyện cần quan tâm trong công tác phối hợp để quy hoạch thực hiện chiến lược phát triển nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh…” - Phạm Thanh Hùng nêu.
An ninh trật tự được giữ vững
Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ổn định; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế đến thăm, làm việc tại địa phương, các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trên địa bàn tỉnh.... Hoàn thành công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2023 với 1.302 công dân, đạt 100% kế hoạch; tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên bảo đảm đúng, đủ theo quy định; tổ chức tập huấn, huấn luyện bảo đảm theo kế hoạch. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ 3 huyện (Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú) đạt mục đích yêu cầu đề ra; Ban Chỉ đạo diễn tập cấp huyện tổ chức diễn tập cấp xã theo kế hoạch.
Phát biểu của Giám đốc Công an tỉnh Trương Sơn Lâm. Ảnh: P. Tuyết
Theo Giám đốc Công an tỉnh Trương Sơn Lâm, trong tháng 9-2023, tình hình tội phạm nhất là tội phạm trên không gian mạng hết sức phức tạp, tình xử lý tin báo tố giác tội phạm chưa đạt theo yêu cầu. Giải pháp cho thời gian tới, ngành công an tập trung chỉ đạo quyết liệt yêu cầu tất cả các tin báo tố giác tội phạm phải được đưa vào xử lý và theo dõi bằng phần mềm và báo cáo kết quả xử lý kịp thời. Công an tỉnh đang mở 3 đợt tấn công trấn áp tội phạm về tín dụng đen, ma túy, đảm bảo các ngày lễ, Tết dịp cuối năm. Đại tá Trương Sơn Lâm đề nghị các cơ quan, tổ chức tăng cường phối hợp với lực lượng công an trong tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm hiện nay, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Trần Quốc-Phạm Tuyết-Cẩm Trúc