Tập trung triển khai, quán triệt sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng đi vào cuộc sống

18/11/2020 - 06:48

BDK - Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết (NQ) của Đảng sau mỗi kỳ đại hội (ĐH) là rất quan trọng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận trong hành động, đưa NQ sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xung quanh nội dung này, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến cho biết:

Quang cảnh Hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng ủy Khối và Bộ Chính trị. Ảnh: Quốc Hùng

Quang cảnh Hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng ủy Khối và Bộ Chính trị. Ảnh: Quốc Hùng

- Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai, quán triệt NQ ĐH với tinh thần chung là sẽ triển khai sớm, đồng bộ dự kiến trong tháng 12-2020, chậm nhất là đến giữa cuối tháng 1-2021 hoàn thành để tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện.

Nội dung quán triệt, thảo luận gồm NQ ĐH XI Đảng bộ tỉnh và 18 văn bản cụ thể hóa thực hiện NQ ĐH (6 NQ, 6 đề án, 4 chương trình và 2 chỉ thị). Việc tổ chức quán triệt theo từng nhóm đối tượng cụ thể như sau:  

Đối tượng 1: Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh; các đồng chí nguyên Bí thư, Phó bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Tỉnh ủy viên qua các thời kỳ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp báo cáo, thời gian 1 buổi.

 Đối tượng 2: Tỉnh ủy viên khóa XI; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; trưởng, phó các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các phó chủ tịch UBND tỉnh; chủ tịch các Hội cấp tỉnh; trưởng, phó các ban và Chánh, phó Văn phòng HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy và Phó các Ban đảng tỉnh; Phó hiệu trưởng và giảng viên Trường Chính trị tỉnh; báo cáo viên cấp tỉnh; ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; bí thư, chủ tịch xã, phường, thị trấn. Đối tượng này học tập trung tại tỉnh, thời gian khoảng 3 ngày. Thường trực Tỉnh ủy và một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp quán triệt.

Đối tượng 3: Trưởng, phó phòng sở, ngành tỉnh, huyện, cấp xã và đảng viên. Đối tượng này giao các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt. Do Thường trực và các đồng chí ủy viên ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, bí thư các xã, phường, thị trấn thực hiện (cần thiết có thể mời báo cáo viên cấp tỉnh hỗ trợ). Đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách dự chỉ đạo.

Đối tượng 4: Đảng ủy Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng. Do Thường trực Đảng ủy Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng triển khai. Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo.

Đối tượng 5: Trí thức, văn nghệ sĩ trong tỉnh, do đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo.  

Đối tượng 6: Chức sắc các tôn giáo, đoàn viên, hội viên và nhân dân, do lãnh đạo MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện.

* Sự đổi mới trong triển khai, quán triệt NQ lần này?

- Để nâng cao hiệu quả quán triệt NQ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất ban hành Kế hoạch quán triệt NQ ĐH Đảng bộ tỉnh, trong đó có nhiều đổi mới:

Thứ nhất, việc triển khai NQ ĐH đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chuẩn bị rất sớm, từ trước khi ĐH diễn ra với mong muốn đưa NQ vào cuộc sống sớm nhất.

Thứ hai, về cách thức tổ chức: Căn cứ đặc điểm tình hình và chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân, chia thành các nhóm đối tượng khác nhau để quán triệt sâu và có chỉ đạo cụ thể, quyết liệt hơn. Đối với cán bộ chủ chốt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lớp tập trung tại tỉnh để nghe quán triệt trực tiếp diễn ra trong 3 ngày, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện sẽ dự chỉ đạo hội nghị học tập, quán triệt cho cán bộ chủ chốt ở cấp huyện và tương đương.

Thứ ba, về nội dung: Bên cạnh quán triệt tinh thần NQ ĐH, còn quán triệt sâu những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các NQ, đề án, chương trình, chỉ thị cụ thể hóa thực hiện NQ ĐH. Đặc biệt là chú trọng việc thảo luận, bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi NQ.

Thứ tư, về báo cáo viên: Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp báo cáo các chuyên đề theo phân công, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đồng chí. Để đảm bảo chất lượng triển khai, quán triệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ góp ý đề cương gồm: Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Các đồng chí báo cáo viên phải biên soạn đề cương báo cáo và thông qua Tổ góp ý đề cương.

Thứ năm, về tài liệu học tập: Ngoài quyển Văn kiện ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo in tài liệu các văn bản cụ thể hóa NQ ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và tài liệu Hỏi - đáp về ĐH để phục vụ cho việc quán triệt và suốt quá trình thực hiện NQ ĐH.

Các lớp dành cho các đối tượng 2, 3, 4, 5, sau quán triệt đều tổ chức thảo luận. Cán bộ chủ chốt các cấp viết thu hoạch gửi về thường trực cấp ủy cấp mình, các đối tượng còn lại tham gia học tập nghiêm túc, không viết thu hoạch cá nhân.

* Để việc tổ chức triển khai, quán triệt NQ có hiệu quả, đồng chí lưu ý những vấn đề gì?

- Các cấp ủy, lãnh đạo các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc quán triệt NQ lần này vì chúng ta đã đặt ra nhiều mục tiêu mang tính phấn đấu cao trong điều kiện thuận lợi và thách thức đan xen. Đây không phải là hoạt động “đến hẹn lại lên”, mà thông qua công tác triển khai, quán triệt để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, tất cả các cấp, các ngành và nhân dân cùng một lòng quyết tâm và nỗ lực để thực hiện thắng lợi NQ.

Từng cấp ủy, địa phương có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc công tác triển khai, học tập quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là phương châm “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”; quan tâm đổi mới hình thức triển khai, tập trung nội dung trọng tâm phù hợp với từng đối tượng; tổ chức thảo luận, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện NQ sát tình hình, phù hợp chức năng nhiệm vụ của ngành, đơn vị.

Cần có sự phân công rõ trách nhiệm trong việc triển khai và cụ thể hóa các nội dung của NQ ĐH đảng bộ tỉnh liên quan đến ngành, địa phương mình theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”.

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ban thường vụ, thường trực và cấp ủy viên các cấp trong việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện NQ ĐH XI Đảng bộ tỉnh; mỗi cán bộ, đảng viên phải là một báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực triển khai NQ đến nhân dân để nhân dân giám sát việc thực hiện NQ.

Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền  NQ và các NQ, đề án, chương trình, chỉ thị cụ thể hóa NQ ĐH trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, các cơ quan báo, đài, hệ thống truyền thanh huyện, xã.

Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện NQ ở các chi bộ, đảng bộ trực thuộc; phát huy vai trò đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương và các ngành trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

* Xin cảm ơn đồng chí Phó thư thư Thường trực Tỉnh ủy!

Căn cứ Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và kết quả quán triệt, từng cấp ủy và ban lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình hành động chung cho các nội dung liên quan; trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân công, bố trí nguồn lực, lộ trình, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện; nội dung nào đã có thì nêu đầu việc thực hiện. Đối với các nội dung quan trọng có thể xây dựng kế hoạch riêng.

Thu Huyền (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN