Tập trung triển khai xây dựng Đề án Làng Văn hóa du lịch

14/10/2020 - 22:31

BDK - Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng khu vực và địa phương. Trong 2 nhiệm kỳ qua, Huyện ủy Chợ Lách luôn quan tâm chỉ đạo triển khai các đề án phát triển du lịch trên địa bàn, với mong muốn và kỳ vọng du lịch sẽ góp phần làm cho Chợ Lách phát triển toàn diện và bền vững trên nền tảng tiềm năng và thế mạnh vốn có của mình.

Làm kiểng thú ở Vĩnh Thành (Chợ Lách).  Ảnh: Nguyễn Hải

Làm kiểng thú ở Vĩnh Thành (Chợ Lách).  Ảnh: Nguyễn Hải

Tiềm năng thế mạnh

Chợ Lách được thiên nhiên ưu đãi, với thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái đặc sản trứ danh như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh… Danh xưng “Vương quốc cây giống, hoa kiểng Cái Mơn” cũng đã gắn liền với Chợ Lách từ nhiều đời nay. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Chợ Lách là nơi cung cấp giống cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam.

Nét văn hóa đặc sắc khác của Chợ Lách là địa phương sở hữu đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh phong phú và hòa hợp với nhiều tôn giáo. Các công trình kiến trúc tôn giáo lâu đời; hoạt động tín ngưỡng, văn hóa dân gian hiện diện nơi đây tạo nên điểm nhấn cho du lịch tâm linh của Chợ Lách.

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Chợ Lách giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn 2020, qua gần 5 năm triển khai thực hiện, du lịch huyện có bước khởi sắc, toàn huyện hình thành 1 điểm dừng chân và 12 điểm tham quan du lịch.

Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có chuyển biến. Các điểm kinh doanh du lịch có nhiều cố gắng đầu tư và quan tâm đến chất lượng sản phẩm du lịch. Chất lượng phục vụ du lịch từng bước được nâng lên. Hoạt động thông tin xúc tiến, tuyên truyền quảng bá về du lịch được quan tâm đổi mới về hình thức cũng như nội dung. Hình ảnh du lịch Chợ Lách được cải thiện. Hiện nay, có nhiều công ty du lịch, lữ hành quan tâm tìm hiểu, xây dựng tour để chào bán, đưa khách về trải nghiệm. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đón trên 242 ngàn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 22 ngàn lượt. Số lượng du khách tăng bình quân hàng năm trên 15%. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 150 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm gần 26%, giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 200 lao động.

Trên nền tảng thành quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, huyện đã khẳng định là trụ cột vững chắc bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội huyện. Đời sống tinh thần nhân dân được nâng lên. Nhân dân có sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Các giá trị văn hóa tốt được giữ gìn và phát huy. Hiện toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt danh hiệu “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn Chợ Lách đạt chuẩn văn minh đô thị”. 100% ấp, khu phố đạt chuẩn “Ấp, khu phố văn hóa”. 97,5% số hộ dân được công nhận “Gia đình văn hóa”. 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Tất cả những yếu tố đó tạo nên một tiềm năng, thế mạnh cho Chợ Lách phát triển du lịch theo loại hình sinh thái miệt vườn, trải nghiệm, văn hóa tâm linh.

Chương trình hành động số 02 về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút được trên 669 ngàn lượt khách, tăng bình quân hàng năm 15%, trong đó khách quốc tế 66,9 ngàn lượt, khách nội địa 602,1 ngàn lượt. Tổng thu từ khách du lịch 697 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm 25%, tạo việc làm cho 1.000 lao động địa phương. Xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách đáp ứng được bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm du lịch trong bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.

Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách

Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong thực hiện Chương trình hành động số 22 của Tỉnh ủy, cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Chợ Lách quyết tâm triển khai thực hiện đề án Làng Văn hóa du lịch. Đề án xây dựng hoàn thành là từ sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp sức của các sở, ngành tỉnh. Đây được xem là điểm nhấn của tỉnh nói chung và huyện Chợ Lách nói riêng trong việc phát triển và đưa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Chợ Lách quyết tâm xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, là mô hình làng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bến Tre là địa phương có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Việc chuyển tải các giá trị văn hóa vào sản phẩm du lịch theo định hướng sản phẩm du lịch thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP để phục vụ cho việc phát triển du lịch là cách thức hữu hiệu, vừa “đa dạng hóa” vừa “đặc thù hóa” sản phẩm du lịch cho địa phương.

Mâm trái cây đặc sản tại vòng xoay ngã 5 Hòa Nghĩa mang hình ảnh quê hương. Ảnh: T. Đồng

Mâm trái cây đặc sản tại vòng xoay ngã 5 Hòa Nghĩa mang hình ảnh quê hương. Ảnh: T. Đồng

Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách khi được xây dựng và phát triển, góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa bản địa, tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của du khách, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải tạo môi trường sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Chợ Lách.

Làng Văn hóa du lịch là một sản phẩm của Chương trình OCOP. Đây sẽ là biểu trưng cho tính đặc thù của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển. Làng có sự liên kết tương hỗ trong du lịch và nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông thôn, đưa những giá trị nông nghiệp, nông thôn ra bên ngoài qua kênh quảng bá từ du khách để làm tăng giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển chương trình nông thôn mới và sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh đó, Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được xây dựng và phát triển theo hướng bền vững hướng đến các giá trị xanh (gồm tăng trưởng, môi trường, văn hóa) hay nói cách khác phát triển du lịch không làm tổn hại đến môi trường, tạo “lá phổi xanh” cho địa phương. Làng sẽ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, kiến trúc, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống, lối sống của người dân địa phương, được xây dựng trên cơ sở phát triển hài hòa giữa nội sinh và ngoại sinh (giữa cảnh quan, cộng đồng (nội sinh) với du khách (ngoại sinh) ). Sự phát triển hài hòa này còn thể hiện qua quan hệ cộng sinh giữa các chủ thể trong hoạt động du lịch, cụ thể qua sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng.

Với việc xây dựng theo hình thức hài hòa giữa cấu trúc cuộc sống cộng đồng với việc bố trí các dịch vụ của du lịch, Làng Văng hóa du lịch Chợ Lách hướng tới mục tiêu tạo các trải nghiệm ấn tượng cho du khách, hài hòa với thiên nhiên mà không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống người dân địa phương. Qua đó, tạo nên sự hài hòa lợi ích của người dân giữa tham gia hoạt động du lịch và kinh doanh cây giống, hoa kiểng, nhằm đảm bảo việc sản xuất cây giống, hoa kiểng truyền thống của hộ dân, góp phần đa dạng hóa các hoạt động du lịch.

Giải pháp thực hiện

Việc triển khai Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được thực hiện theo các giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 2020 - 2021, huyện sẽ triển khai các hoạt động khởi động đề án, với các nội dung: tổ chức các hoạt động truyền thông trong dân để họ hiểu và đăng ký tham gia; phân tích và quy hoạch chi tiết làng văn hóa du lịch; hoàn thiện cơ chế quản lý, bộ máy quản lý của làng và đào tạo nguồn nhân lực; triển khai phương án hạ tầng, cảnh quan và các công trình trong làng văn hóa du lịch; tổ chức các hoạt động truyền thông và xúc tiến thương mại.

Cơ sở sản xuất cây giống sầu riêng ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách. Ảnh: T. Đồng

Cơ sở sản xuất cây giống sầu riêng ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách. Ảnh: T. Đồng

Giai đoạn 2022 - 2025, tiếp tục triển khai phương án hạ tầng, cảnh quan và công trình. Đáng chú ý, thúc đẩy xây dựng khu resort ở cồn Cái Gà với diện tích 20ha. Tổ chức đào tạo, tập huấn, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, các hoạt động quảng bá và tổ chức lễ hội kết nối du khách.

Huyện xác định 8 giải pháp để thực hiện đề án. Đó là: Công bố Quy hoạch định hướng đề án và giao đất cho nhà đầu tư. Tuyên truyền vận động trong dân cư nơi triển khai đề án để tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; đồng thời, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho làng văn hóa du lịch. Xây dựng, tôn tạo giá trị văn hóa truyền thống, phục dựng và phát triển làng nghề. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng, chỉnh trang hệ thống hạ tầng. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để phục vụ sản xuất và du lịch. Phát triển sản xuất, trong đó xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, ưu tiên khuyến khích phát triển các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Liên kết, gắn kết du lịch địa phương với du lịch vùng, gắn kết hoạt động du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Huy động nguồn lực đầu tư, nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh.

Mô hình Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách là sản phẩm OCOP trọng điểm của tỉnh theo quan điểm liên kết tương hỗ giữa du lịch và nông nghiệp, tiến đến phát triển bền vững mô hình du lịch nông thôn.

Để Làng Văn hóa du lịch được triển khai thuận lợi và sớm đi vào hoạt động hiệu quả, trở thành điển nhấn du lịch quan trọng của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học.

Xây dựng Làng Văn hóa du lịch là mô hình mới, chưa có tiền lệ ở tỉnh. Huyện Chợ Lách sẽ luôn luôn nỗ lực với quyết tâm cao nhất, để thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ song song mang tính đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chợ Lách lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Quyết tâm xây dựng thành công Làng Văn hóa du lịch và huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được thiết kế là một trong những làng văn hóa du lịch có quy mô lớn nhất cả nước, với tổng diện tích lên đến 1.490ha, bao trùm trên 4 xã: Vĩnh Thành, Long Thới, Vĩnh Hòa và Phú Sơn. Trong đó, có 534ha thuộc ấp An Hòa (Long Thới), Lân Đông (Phú Sơn), Đông Kinh (Vĩnh Hòa) và Vĩnh Nam (Vĩnh Thành) được chọn quy hoạch chi tiết. Trung tâm điều hành của làng được đặt tại xã Vĩnh Thành, với diện tích 2,5ha, khu lưu niệm Nhà bác học Trương Vĩnh Ký và Nhà thờ Cái Mơn cổ kính được xây dựng từ năm 1872. Từ đây, du khách có thể tham quan các điểm du lịch của địa phương, vườn cây ăn trái, làng hoa giấy, vườn sản xuất cây giống, hoa kiểng…

Tuyến đường đi xuyên 4 ấp Làng Văn hóa du lịch với cảnh quan hiện hữu và đời sống người dân địa phương tạo thành tuyến đường xanh, rực rỡ sắc hoa trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nguyễn Văn Đảm -  Bí thư Huyện ủy Chợ Lách

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích