Tăng cường thông tin hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: thực hiện giãn cách, đảm bảo phòng, chống dịch trong sinh hoạt hàng ngày, tự theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà; các kỹ năng bảo vệ sức khỏe sau dịch bệnh.
Tập trung thông tin những nỗ lực trong công tác điều trị và kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước; tiến độ tiếp nhận, phân phối, sử dụng và tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch, miễn phí; tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.
Duy trì lượng thông tin phù hợp về hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, công nghệ, đầu tư, xuất nhập khẩu.
Tăng cường thông tin phổ biến kiến thức hữu ích phục vụ độc giả, khán thính giả, giúp họ định hướng cuộc sống và công việc. Tăng cường đấu tranh phản bác các hành vi đưa tin sai lệch, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.
Các mạng xã hội trong nước, trang điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan tỏa các thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả, biết cách làm cụ thể để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tăng cường hỗ trợ sử dụng các nền tảng ứng dụng Zalo, Viber…thông báo rộng rãi, ngắn gọn các chính sách để người dân yên tâm thực hiện.
Có giải pháp huy động các “KOLs” - người dẫn dắt tư tưởng. Đặc biệt, những tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng tốt trong giới báo chí, truyền thông cùng tham gia chia sẻ những quan điểm, góc nhìn, cách làm có tác động tích cực đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống dịch.
Dùng những cơ chế phối hợp đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, gồm cả các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả, tin xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, phương pháp chống dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, ổn định xã hội.
Minh Triều