Tập trung xây dựng tiêu chí về giao thông nông thôn

28/11/2018 - 08:02

Theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, các xã cần phấn đấu đạt 4 tiêu chí (TC) “cứng” về giao thông, thu nhập, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, quốc phòng và an ninh trong xây dựng NTM. Với 4 TC trên, giao thông được xem là TC quan trọng hàng đầu đang được các địa phương tập trung thực hiện. Để việc xây dựng giao thông đạt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tỉnh đã ban hành Đề án số 3333 về xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2018 - 2020.

Lộ cây sung, xã Bình Phú, TP. Bến Tre là 1 trong 27 con lộ được bê-tông hóa thực hiện xây dựng xã nông thôn mới năm 2018. Ảnh: Thạch Thảo

Lộ cây sung, xã Bình Phú, TP. Bến Tre là 1 trong 27 con lộ được bê-tông hóa thực hiện xây dựng xã nông thôn mới năm 2018. Ảnh: Thạch Thảo

“Đột phá” khâu Tuyên truyền

Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Lê Văn Răng, nếu tập trung thực hiện tốt 4 TC “cứng” theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy thì sẽ là tiền đề thực hiện các TC còn lại. Nhưng để đạt 4 TC “cứng”, vấn đề quan trọng là xây dựng thành công giao thông. Bởi giao thông là mạch máu, điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Minh chứng, từ khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, kết nối cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, tỉnh nhà đã thêm điều kiện thuận lợi kết nối với khu vực.

Từ đây cho thấy, nếu huyện, xã đầu tư đường thông, hè thoáng thì đời sống kinh tế của người dân sẽ khá hơn. Bởi hàng hóa được vận chuyển dễ dàng, không qua trung gian, nông dân không bị tiểu thương ép giá. Đây là mục đích trong xây dựng NTM mà cả hệ thống chính trị cần nhận thức đầy đủ, để từ đó lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt vấn đề này.

Ông Võ Phú Lâm - Chủ tịch UBND xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú cho rằng: Trong xây dựng GTNT cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân từ tâm lý trông chờ chuyển sang chủ động tham gia là hết sức quan trọng. Muốn làm được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Từng cán bộ ấp, xã cần tuyên truyền để người dân đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hiến đất, hoa màu, ngày công, cùng chung sức thực hiện với chính quyền địa phương.

“Trong vận động hiến đất, hoa màu, ngày công, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu đi đầu. Mọi vấn đề cần được công khai để dân bàn thảo, đi đến thống nhất và triển khai thực hiện. Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài nên cần có bước đi, lộ trình thích hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương. Trong thực hiện cần đảm bảo nguyên tắc “TC dễ làm trước, TC khó làm sau”. Phải đi từ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đến nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần của người dân”, ông Võ Phú Lâm chia sẻ.

“Dân nói với dân”

Theo ông Lê Văn Răng, Đề án số 3333 về xây dựng GTNT từ nay đến 2020 phải được thực hiện bằng tinh thần cộng đồng, trên dưới đều thực hiện, không nên trông chờ sự đầu tư của Nhà nước.

Xây dựng thành công tiêu chí giao thông sẽ là tiền đề để xây dựng các tiêu chí khác. Ảnh: Phạm Tuyết

Xây dựng thành công tiêu chí giao thông sẽ là tiền đề để xây dựng các tiêu chí khác. Ảnh: Phạm Tuyết

“Đây được xem như phong trào “Đồng khởi mới” trong xây dựng GTNT mà tỉnh đang thực hiện. Thực hiện Đề án số 3333 của UBND tỉnh, Bình Đại đã tổ chức triển khai tại các xã và rút kinh nghiệm tổ chức cấp huyện. Đã khảo sát và chọn 3 công trình đường cấp B gồm xã Phú Long, Định Trung và Thạnh Trị với khoảng 3,3km. Tuyến đường ngắn, dễ triển khai giúp người dân thấy ngay hiệu quả sau khi công trình được xây dựng xong. Từ đây tạo sự lan tỏa trong dân. Chúng ta nên vận dụng phương châm “Dân nói với dân”, tập hợp những người nói dân nghe, làm dân tin đứng ra kêu gọi bà con cùng thực hiện với chính quyền địa phương. Hay cùng các chức sắc, tín đồ trong họ đạo để quy tụ tín đồ của họ cùng hưởng ứng tham gia thực hiện xây dựng GTNT”, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Lê Văn Răng bày tỏ. 

Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Thị Huỳnh Nga cho rằng, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GTNT cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội. Bởi đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động. Cùng với đó là sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đối với các xã, nhất là các xã được lựa chọn xây dựng NTM phải có nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển GTNT. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp chính quyền phải xây dựng các cơ chế, chính sách và hình thức huy động linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

“Theo chỉ tiêu Nghị quyết số 03, từ nay đến năm 2020, các xã phải thực hiện đạt 4 TC “cứng” và mỗi xã thực hiện đạt từ 10 TC trở lên. Do đó, tôi đề nghị các đồng chí là người đứng đầu địa phương xem lại kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu để có kế hoạch tổ chức thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong 4 TC trên, giao thông là TC khó thực hiện nhất. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 3333. Với đề án này, đề nghị các địa phương cần huy động sức dân trong giải phóng mặt bằng để tập trung thực hiện hoàn thành TC quan trọng nhất là giao thông rồi đến thu nhập, môi trường và an ninh trật tự”.

(Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo bàn về giải pháp xây dựng 4 TC “cứng” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức)

Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích