Thầm lặng khoảng đường văn

03/04/2013 - 07:29
Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên.

Từ thành công của CHIM VỊT KÊU CHIỀU, những người siêng đọc cho rằng, bên cạnh việc tái hiện, sẻ chia thân phận con người (như một đòi hỏi cố hữu của văn chương), điều dễ nhận ra Nguyễn Thảo Nguyên trong số đông những người cầm bút Bến Tre là chất giọng thủ thỉ.

- Ừ, đúng vậy!

- Xứng đáng được như vậy!

-…

Đó là những câu trả lời khá phổ biến trong giới cầm bút Bến Tre mỗi khi đàm đạo có đề cập đến CHIM VỊT KÊU CHIỀU - Tập truyện ngắn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2011) của Nguyễn Thảo Nguyên vừa được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng thưởng (giải C) năm 2012.

Sự kiện này làm dấy lên hai luồng dư luận. Luồng thứ nhất, dư luận cho rằng đây là phần thưởng dành cho hoạt động “bàn tay trái” của thầy giáo, giảng viên Nguyễn Văn Sang (tên thật của nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên). Luồng thứ hai, dư luận cho rằng đây là phần thưởng song hành. Bạn đọc biết đến, mến mộ tài bút của nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên song hành với sự yêu kính của nhiều lớp thầy, cô giáo đang đứng trên bục giảng là học trò sư phạm của thầy Nguyễn Văn Sang. Tôi - người viết bài này - nghiêng về luồng thứ hai. Khác hơn (trong nhìn nhận của tôi), đây là kết quả của một quãng đường lao động thầm lặng.

Năm 1979, tốt nghiệp đại học (đậu thủ khoa) tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sang vừa tròn tuổi hai hai, chọn con đường về Bến Tre bắt đầu nghề dạy học. Những năm đầu làm công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, anh kết thân với nhiều đồng nghiệp, trong đó có giảng viên Dương Văn Kỳ - người Nghệ An (vào Nam, giảng dạy tại Khoa Sinh - Hóa của Trường từ năm 1978). Thầy Sang trở thành tác giả Nguyễn Thảo Nguyên với tác phẩm đầu tay: Truyện ngắn Huyền thoại về viên ngọc đất. Truyện vừa hoàn tất bản thảo (tháng 12-1990) đã được chọn in ngay trên Tạp chí Văn nghệ Bến Tre. Những tưởng với niềm khích lệ này, tuổi ba mươi đam mê và hừng hực lửa của Nguyễn Thảo Nguyên sẽ cho bạn đọc thưởng thức thêm nhiều tác phẩm trong những tháng tiếp theo. Nhưng do bận bịu với giảng dạy, với bộn bề lo toan trong cuộc sống thường nhật, mãi đến 22 tháng sau (tháng 10-1992), truyện ngắn thứ hai Truyện cổ làng tôi của anh mới được ra mắt bạn đọc. Rồi những năm 1993, 1994, 1996, các truyện Đôi gà che, Điều còn sót lại, Cao nguyên không yên tĩnh mới lần lượt ra đời.

Bảy năm liền, từ truyện ngắn Cao nguyên không yên tĩnh, người ta không thấy sự xuất hiện của Nguyễn Thảo Nguyên, dù trước đó với bạn đọc Văn nghệ Bến Tre, sự xuất hiện của anh cũng thảng hoặc. Dư luận e rằng, vắng lâu, Nguyễn Thảo Nguyên khó bề trở lại với trang viết hoặc trở lại chỉ ở tầm thấp hơn so với những thành công trước. Nhưng không, từ Chim én (viết tháng 11-2003), Một nửa lời nguyền (viết tháng 1-2004), Lão Thọt (viết tháng 9-2008) như một khởi động lại, Nguyễn Thảo Ngyên đã cho người đọc ngạc nhiên - vui với CHIM VỊT KÊU CHIỀU. Bởi ở đây, ngoài việc cảm thương thân phận nhân vật, bạn đọc bỗng nhận ra một Nguyễn Thảo Nguyên khác - Nguyễn Thảo Nguyên đang bước vào độ chín, tầm vóc hơn, vững chãi hơn! Một số người thông thuộc bảo trong truyện ấy có bóng dáng của cha ruột anh, mẹ ruột anh và hai người phụ nữ có liên quan, để rồi theo dòng thời gian trôi tuột, không bấu víu kịp nó trở thành nỗi niềm, thành cái khắc khoải theo cùng tiếng chim vịt mỗi chiều. Nguyễn Thảo Nguyên nhìn nhận điều này. Song, cái tài ở đây là từ những nguyên mẫu rất gần, rất thực, tác giả đã khéo làm cho nó đến với người đọc không phải chỉ dừng trên trang sách mà lay động ở ngay những thẳm sâu của lòng người.

Đầu thu năm Tân Mão (2011), Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tổ chức Trại sáng tác dành cho các cây bút văn xuôi (ký và truyện ngắn). Nguyễn Thảo Nguyên được mời dự và cùng doàn trại viên đi thực tế khu bảo tồn - rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Một ngày đi, một ngày ở, một ngày về, thật khó lòng cho những ai ham muốn dựỉng ngay một tác phẩm có tầm, gắn với con người và vùng đất mà người sáng tác chỉ mới lần đầu đặt chân tới. Ấy vậy mà Nguyễn Thảo Nguyên dám và có. Anh trình làng Nợ rừng với 32 trang sách đã làm cho không ít đồng nghiệp ngạc nhiên thốt lên: “Qua Trại này, Nguyễn Thảo Nguyên là một trong hai người gặt hái cao nhất”. Ban tổ chức, Ban thẩm định tác phẩm thừa nhận: Đúng vậy! Bởi bên cạnh việc hóa thân, nhập tâm vào trong từng nhân vật, khéo làm lay động người đọc, lần đầu tiên Nguyễn Thảo Nguyên “bạo tay” phối ngôi. Ba ngôi trên cùng một truyện ngắn. Và, điều đó đã đưa anh tới thành công. Hỏi vì sao vậy? Câu trả lời thật đơn giản, bởi từ sâu thẳm Nguyễn Thảo Nguyên là người rất yêu mến thiên nhiên, luôn gắn mình với thiên nhiên, luôn đặt ý niệm tồn tại của con người trong tồn tại của thiên nhiên. Còn hình hài, tính cách, tâm lý nhân vật không phải đợi khi anh bước chân đến cửa rừng mới có. Nó, từ lâu phôi thai, ấp ủ trong ý đồ sáng tác của tác giả, để khi hội đủ về không gian, môi trường, nó bỗng vụt lớn lên thành người, đi lại, hoạt động huyên náo trên tác phẩm. Nó cũng đòi hỏi tác giả phải lựa chọn, phải quyết định một hình thức phối ngôi. Không có phối ngôi, Nguyễn Thảo Nguyên không có được thành công như đã thấy.

Từ thành công của CHIM VỊT KÊU CHIỀU, những người siêng đọc cho rằng, bên cạnh việc tái hiện, sẻ chia thân phận con người (như một đòi hỏi cố hữu của văn chương), điều dễ nhận ra Nguyễn Thảo Nguyên trong số đông những người cầm bút Bến Tre là chất giọng thủ thỉ. Không chủ động khai thác kịch tính một cách triệt để như một số tác giả khác nhằm làm hấp dẫn người đọc, Nguyễn Thảo Nguyên chọn “cách nói” cho tác phẩm của mình bằng lối diễn đạt túc tắc, thư khoản, tự tin và điềm đạm như chính con người anh. Không ít người đọc theo thói quen rượt đuổi cốt chuyện đôi lúc muốn dừng đọc đã không thể dừng được bởi chất giọng thủ thỉ của anh. Đó là một trong những thành công, tạo nên dấu ấn riêng của anh. Nguyễn Thảo Nguyên nhìn nhận điều này và anh tâm sự:

“Quê của ba tôi ở Vĩnh Thành (Chợ Lách), còn mẹ tôi ở Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Chiến tranh rồi mưu sinh lưu lạc nên tôi được sinh ra ở Tân Thành - Hồng Ngự (Đồng Tháp), tại một vùng biên giới giáp Campuchia. Năm tôi sắp lên ba, ba tôi đưa cả nhà về định cư tại An Hội - Bến Tre. Ông đạp xe lôi nuôi sống gia đình, lo cho anh em tôi ăn học. Hòa bình 1975, tôi vào đại học, rồi tốt nghiệp ra trường. Làm việc trong môi trường giảng dạy, tôi có nhiều thân giao với đồng nghiệp, với học trò và phụ huynh, được đi đó đi đây tiếp xúc nhiều cảnh đời. Nó để lại trong tôi nhiều trăn trở và khao khát được sẻ chia, được nói ra. Và, tôi đến với sự sẻ chia ấy bằng những trang viết thầm lặng của mình”.

Ngạn Nam - Hàn Thế Nhân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN