Hàng năm, cứ gần Tết, làng nghề truyền thống nổi tiếng “Bánh tráng Mỹ Lồng” ở xã Mỹ Thạnh và “Bánh phồng Sơn Đốc” ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm lại nhộn nhịp hẳn.
Theo các bậc cao niên kể, hai nghề nói trên
đã xuất hiện tại địa phương khoảng 100 năm qua, điểm ngon đặc biệt của những
chiếc bánh là nhờ nguyên liệu nước cốt dừa đậm đặc.
Món bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng bởi khi nướng, bánh nở gấp
3 - 4 lần (dân gian gọi là bánh phồng chuồi), bánh vừa thơm vừa xốp rất ngon miệng.
Nếp dùng làm bánh nhất thiết phải là nếp hảo hạng, còn dừa lấy nước cốt chỉ chọn
loại dừa mới khô, bàn tay khéo léo của người trở bột lúc quết đều, nhanh và
liên tục cho bột nhuyễn, bánh khi nướng sẽ nổi, xốp. Một số hộ tiêu biểu ở làng
nghề Bánh phồng Sơn Đốc được nhiều người biết đến như hộ ông Phạm Văn Hát ở Ấp
1, ông Võ Văn Thành ở Ấp 2, xã Hưng Nhượng.
Món bánh tráng Mỹ Lồng, nguyên liệu đối với bánh tráng
béo là gạo, dừa, đường, muối; còn bánh tráng ngọt là gạo, dừa, đường, mè. Quy
trình thực hiện bánh tráng gồm ngâm gạo, dừa vắt lấy nước cốt thắng chín, xay bột
gạo, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh. Một số hộ tiêu biểu ở làng nghề Bánh
tráng Mỹ Lồng được biết đến như hộ bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, hộ ông Trần Văn Xem
ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn chỉnh hồ
sơ lý lịch di sản Nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc” đề
nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể
cấp quốc gia.