Anh Phạm Văn Hải (xã Châu Bình, Giồng Trôm) chăm sóc dưa lưới. ảnh: Thành Lập
Địa phương khởi nghiệp
Bí thư Tỉnh Ðoàn Hà Quốc Cường cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, tổ chức thành công Ngày hội Thanh niên Bến Tre KN; Ngày hội KN sáng tạo ABCD Mekong. Ðồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức truyền thông KN cho học sinh, sinh viên, 3 lần tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm YT, DA KN tỉnh với các chủ đề “Ðổi mới sáng tạo, kết nối tương lai”, “Ðổi mới sáng tạo, phát huy nguồn tài nguyên địa phương bằng ứng dụng công nghệ”… đã thật sự tạo sức lan tỏa, thu hút hàng ngàn YT, DA KN của các bạn trẻ là cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia tích cực. Trong đó, Tỉnh Ðoàn tập trung vào 3 nhóm chính như: nhóm thanh niên nông thôn, thanh niên sản xuất giỏi, nhóm thanh niên có YT, DA KN và nhóm học sinh, sinh viên - chủ yếu làm công tác truyền thông, bồi dưỡng YT về KN.
Có nhiều YT, DA của các bạn trẻ trở thành hiện thực và KN thành công, có chỗ đứng trên thị trường và cộng đồng DN trẻ của tỉnh bằng các sản phẩm KN từ thế mạnh của địa phương trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch... Anh Trần Phúc Hậu, huyện Bình Ðại với DA Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh. DA này đã được Chương trình Shark Tank Việt Nam đầu tư nguồn vốn 2 tỷ đồng. Hay như DA Phát triển du lịch từ tài nguyên bản địa của anh Võ Văn Phong (Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T, trụ sở tại TP. Bến Tre), DA Nuôi tôm thông minh của anh Ðào Phước Xoàn, huyện Thạnh Phú, DA Kinh doanh với người giữ rừng của chị Nguyễn Thị Ngọc Hiện ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Ðại…
Ðầu tháng 3-2018, sau khi ra mắt Câu lạc bộ KN tiên phong của tỉnh, đến nay, có 3 huyện Thạnh Phú, Chợ Lách và Mỏ Cày Nam thành lập câu lạc bộ KN tiên phong của huyện. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã kết nối thành công các YT, DA KN của các bạn trẻ với các doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Các cấp bộ Ðoàn cũng đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho 369 YT, DA KN; trong đó, có 221 YT, DA đã tạo ra sản phẩm cho thị trường. Thành lập được 243 doanh nghiệp KN từ việc hưởng ứng thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy, hỗ trợ cho 360 hộ thanh niên nghèo và người dân làm sinh kế; thành lập 138 tổ hợp tác kinh tế trong thanh niên cùng nhiều hoạt động hỗ trợ khác để giúp các bạn trẻ KN.
“Đi học nghề, về làm chủ”
“Chỉ thị số 22-CT/TU của Tỉnh ủy về XKLÐ theo tinh thần “Ði học nghề về làm chủ, XKLÐ là bắt đầu KN”, cùng với các Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 20 của HÐND tỉnh, Kế hoạch số 1071 của UBND tỉnh đã thật sự thổi “một làn gió mới”, tạo điều kiện để các bạn trẻ vùng nông thôn, nhất là thanh niên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ tham gia XKLÐ và KN thoát nghèo, làm giàu”, anh Phạm Quốc Toàn - Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Trôm cho biết.
Trong nhiều năm qua, Giồng Trôm và Ba Tri là 2 huyện dẫn đầu cả tỉnh trong công tác này (xã Thạnh Phú Ðông từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có hơn 500 lao động tham gia XKLÐ. Xã An Ngãi Trung có “làng đi Nhật Bản”). Anh Phạm Quốc Toàn cho biết: Trong năm 2019, huyện Giồng Trôm có 381 lao động XKLÐ (chỉ tiêu phấn đấu là 300 lao động), đặc biệt là có 52 lao động là thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và 25 lao động là bộ đội xuất ngũ.
Theo Bí thư Xã Ðoàn Thạnh Phú Ðông Nguyễn Minh Trung, công tác XKLÐ trên địa bàn xã trong những năm gần đây rất thuận lợi bởi trong một ấp, có cả dòng họ, bạn bè, người thân cùng tham gia. “Từ hiệu quả thiết thực để thoát nghèo bền vững và KN trong thanh niên, công tác XKLÐ của địa phương trong nhiều năm qua luôn được thanh niên tham gia tích cực. Nhiều em khi về nước đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh và KN thành công”, Phó chủ tịch UBND xã An Ngãi Trung Trương Văn Nghĩa cho biết.
“Hồi đó, gia đình em gặp rất nhiều khó khăn. Em đăng ký tham gia XKLÐ tại thị trường Nhật Bản. Sau 3 năm, nhờ có vốn nên em mới đầu tư sản xuất dưa lưới như hôm nay”, Phạm Văn Hải, ấp Bình An, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm kể. Gặp Hải trước thềm năm mới, em phấn khởi cho biết vừa mở thêm 1 nhà màng 800m2, nâng tổng số 2 nhà màng với diện tích 1.600m2, mỗi nhà màng trồng được 2.000 dây, bình quân mỗi nhà màng sau 2 tháng thu hoạch được 2,5 tấn, giá được bao tiêu gần 35 ngàn đồng/kg.
Ðinh Văn Kiệp, ấp Thanh Nam, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc cũng là một điển hình vươn lên khá giả chỉ sau 3 năm được hỗ trợ nguồn vốn làm ăn. Anh đã làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Anh vừa cất được căn nhà kiên cố, đang nuôi đàn dê 25 con và 2 con bò. Vợ Hiệp cũng có việc làm ổn định với nghề đan ghế dây nhựa và giúp nhiều chị em trong ấp có việc làm tăng thu nhập.
Bí thư Xã Ðoàn Thạnh Phú Ðông Nguyễn Minh Trung cho biết, đa phần thanh niên là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia XKLÐ về đều giúp gia đình thoát nghèo bền vững. Nhiều em KN thành công như em Hà Thanh Pháo với việc mở dịch vụ du lịch, đây là nghề em rất đam mê nhưng trước đó không có vốn thực hiện.
Vấn đề “tụt hậu” và vai trò, trách nhiệm của hế hệ trẻ tỉnh nhà trước nguy cơ này đã được lãnh đạo Tỉnh ủy đề cập nhiều trong các cuộc hội nghị, hội thảo. Và những gì tuổi trẻ tỉnh nhà đã và đang làm nhằm khẳng định mình trong thời đại công nghiệp 4.0, góp phần đưa tỉnh đi lên sánh vai cùng các tỉnh, thành trong khu vực.
Có 700 ý tưởng, dự án khởi nghiệp qua các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, cấp vùng và Trung ương; trong đó, có giải nhì cuộc thi khởi nghiệp cấp Quốc gia, giải nhất Hội thi dự án khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, giải ba Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long... |
Thành Lập