Thạnh Phong phát triển nông nghiệp sạch gắn du lịch sinh thái cộng đồng

23/04/2018 - 06:41

BDK - Thạnh Phong là một trong hai xã của huyện Thạnh Phú tiếp giáp biển. Nơi đây đang vươn mình thức giấc với mô hình làm nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Làm du lịch sinh thái cộng đồng dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Cẩm Trúc

Làm du lịch sinh thái cộng đồng dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Cẩm Trúc

Chuyển mình nơi đầu sóng ngọn gió

Trong lịch sử cách mạng của tỉnh, Thạnh Phong được biết đến là căn cứ cách mạng trọng yếu, là đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam. Vùng đất này trở nên trơ trụi, xơ xác bởi sự hủy diệt gần như hoàn toàn của hàng loạt vũ khí, hóa chất độc hại của giặc. Thế nhưng với sức sống mãnh liệt của đất và con người nơi đây, vùng đất anh hùng Thạnh Phong đang trở mình, thay da đổi thịt từng ngày. Sau 43 năm giải phóng, hôm nay trở lại, Thạnh Phong đã bừng thức giấc.

Nhớ lại khoảng thời gian cách đây hơn 5 năm, hầu hết diện tích đất giồng cát chỉ được người dân ven biển tận dụng để trồng sắn, đậu phộng, khoai lang hay dưa hấu là chủ yếu. Thu nhập 50 triệu đồng trên mỗi héc-ta là một ước mơ của các hộ dân. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá” và “mất mùa được giá” luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Nỗi cơ cực, nghèo khó đeo bám họ quanh năm.

Thế nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, hơn 90% diện tích đất giồng trồng màu của xã này đã phủ khắp màu xanh của giống cây mới trên đất giồng cát ven biển, đó là xoài tứ quý. Xoài tứ quý có đặc điểm là có độ giòn khái, vị chua chua, ngọt ngọt vừa phải nên nếu dùng để ăn sống rất ngon. Hiện nay, trái xoài tứ quý được xuất bán ở nhiều tỉnh, thành trong nước và đã được doanh nghiệp chào hàng tại thị trường nước ngoài. Cây xoài cũng có đặc tính chịu hạn, mặn và thời tiết gay gắt của vùng ven biển nên đã chứng minh được sức sống mãnh liệt, gan lỳ so với nhiều giống cây màu trên đất biển, đặc biệt là trước ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu. Giá trị kinh tế của cây xoài cũng cao gấp nhiều lần và ổn định hơn nên những năm qua diện tích trồng tập trung, phủ khắp, dần thay thế các loại cây màu khác.

Trường hợp của bà Võ Thị Bỉ là một điển hình. Với 6,1 công đất trồng xoài, bà rất phấn khởi vì thu nhập ổn định và cao hơn trồng sắn, khoai lang. “Trồng xoài giúp tôi thu nhập từ 150 đến hơn 170 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 4 lần so với trồng giồng. Ở đây chưa có cây trồng nào qua xoài. Ưu điểm của nó là chịu đựng được khô hạn trong suốt mùa nắng, chịu được sức gió biển và ít bị ảnh hưởng khi bị ngập vào mùa mưa”, bà Bỉ phấn khởi nói.

Theo chủ trương của huyện, cây xoài sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hay tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Gắn với đó là phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu. Khi đó, trái xoài đạt tiêu chuẩn sạch và các loại thủy sản trong thiên nhiên sẽ là những đặc sản hấp dẫn riêng của vùng để phục vụ hài lòng du khách thập phương.

Ông Võ Văn Hoàng, ấp Thạnh Lộc cũng bày tỏ mong muốn được phát triển mô hình trồng xoài sạch, gắn với du lịch. Ông cho biết, ở ấp này, diện tích trồng xoài hơn 80%. Cây xoài 5 năm tuổi, cho thu hoạch 1 tấn/công. Giá trung bình 12 ngàn đồng/kg, có thời điểm 17 - 18 ngàn đồng/kg. Một năm thu 3 đợt. Nếu chăm sóc tốt hơn thì năng suất đạt cao hơn. Thực hiện theo quy trình hữu cơ, bà con sử dụng phân chuồng ủ, nấm vi sinh tricodecma, kết hợp kỹ thuật tỉa cành. “Nông dân rất mong muốn được sản xuất theo mô hình sạch phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Xoài sạch để bán cho khách du lịch thì giá trị cao hơn so với bán cho thương lái. Khách du lịch có thể tham quan, mua sắm, hái xoài, thưởng thức các món ăn được chế biến từ xoài, đặc sản biển… Cách làm này tin rằng sẽ giúp phát triển bền vững du lịch biển” - ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, con tôm, con nghêu cũng là những sản phẩm chủ lực. Ông “vua tôm” tỉnh Bến Tre được vinh danh năm 2017 là người con của vùng đất này. Mới đây, nhiều hộ đang dần chuyển từ mô hình nuôi truyền thống sang nuôi theo công nghệ hai giai đoạn đang cho hiệu quả cao gấp 4 lần. Con tôm nuôi hai giai đoạn cũng được các nhà máy chế biến đánh giá chất lượng cao hơn vì nuôi theo tiêu chuẩn an toàn.

Bước đầu làm du lịch cộng đồng

Vào sâu hơn nữa là đất rừng ngập mặn. Những người giữ rừng nơi đây đã hàng chục năm gắn bó và khai thác nguồn lợi thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng dưới tán rừng ngập mặn như tôm, cua, cá, ba khía, rươi. Để nâng cao giá trị sản phẩm dưới tán rừng, cũng như đa dạng chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch, người dân đã tập tành làm du lịch, đón khách và phục vụ ẩm thực theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Cách làm du lịch này giúp du khách vừa được trải nghiệm cuộc sống bình dị, dân dã nơi vùng đất còn hoang sơ cùng với người dân nơi đây với nhiều món ẩm thực đặc trưng, nhưng mặt khác là có thể hòa mình cùng người dân để hiểu và có cảm nhận sâu sắc hơn về đất và con người nơi đây.

Ông Lương Giang Sơn có khoảng 20 năm sống gắn bó nơi đất rừng ngập mặn và thu nhập nhờ vào khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng cho biết: “Cuộc sống ở đây khỏe. Mới sáng này vừa quăng chài được chục ký cá nâu, bán được với giá 60 ngàn đồng/kg”. Ông Sơn có tổng số đất thuê của Huyện đội là 12,8ha, đất của gia đình là 3ha. Dưới tán rừng bần, mắm, ông nuôi tôm sú, thẻ, cua luôn cho hiệu quả cao.

Gần đây, ông Sơn đã tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm, ăn uống cùng với gia đình. Tất cả thức ăn được chế biến từ thiên nhiên. “Thấy làm du lịch cũng vui lắm, giúp phát triển kinh tế biển bền vững hơn và nâng cao hiệu quả kinh tế thủy sản” - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Trương Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã, thế mạnh của xã Thạnh Phong là mô hình lúa - tôm, chăn nuôi và đặc biệt là cây xoài trên đất giồng cát ven biển. Hiện các ngành chức năng phối hợp hỗ trợ xã các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con trồng xoài trên đất giồng cát. Bà con tích cực tham gia sản xuất theo hướng được các ngành chuyển giao. Cây xoài dần nâng cao năng suất và được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Hiện nay, xã được huyện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu xoài tứ quý Thạnh Phú, đang chuyển giao mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên cây xoài. Xã đã mời gọi các đơn vị, công ty thực hiện bao tiêu theo hướng chuỗi giá trị xoài sạch để xuất khẩu.

Cũng theo ông Hải, du lịch là thế mạnh của xã ven biển, trong đó đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng dân cư ở Thạnh Phong. Qua đây tạo điều kiện cho khách tham quan và khai thác giá trị nông nghiệp trên địa bàn. Tới đây, xã sẽ nhân rộng, phát triển mô hình, mở rộng các tổ liên kết sản xuất nông nghiệp và tổ du lịch cộng đồng để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển tiềm năng du lịch biển Thạnh Phong.

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú cho hay, huyện cũng đang từng bước hướng dẫn người dân sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp thông qua kinh tế hợp tác, đồng thời quan tâm kết nối sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, tạo giá trị tăng thêm và giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Thạnh Phú đang tổ chức kết nối các điểm du lịch cồn Bửng với các làng nghề, vùng sản xuất tập trung - những nơi được xem là hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp sẽ gắn vào du lịch.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN