Đại biểu dự hội nghị.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Văn Bé Năm, Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương cùng các phó chủ tịch UBND huyện đến dự.
Tính đến ngày 10-3-2020, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng về sinh hoạt, sản xuất của người dân, làm thiệt hại đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Với 3.200 ha thả giống tôm càng xanh, đến nay đã thiệt hại gần 1.000ha, tỷ lệ chết hơn 30%. Nghêu chết tại Hợp tác xã Thạnh Lợi, sản lượng thiệt hại ước khoảng 750 tấn, thiệt hại hơn 17 tỷ đồng.
Hạn mặn cũng gây thiếu nước ngọt sinh hoạt của người dân. Hiện nay, người dân phải đổi nước ngọt phục vụ sinh hoạt với giá dao động từ 100 - 180 ngàn đồng/m3.
Gần đây, huyện Thạnh Phú đã tiếp nhận nhiều nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống hạn mặn với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng.
Về công tác thu hồi nguồn kinh phí đã chi hỗ trợ cho người trồng lúa chi sai nội dung theo hướng dẫn của Nghị định số 35 năm 2015 của Chính phủ, đến nay huyện đã thu hồi được hơn 1,6 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 31% so với tổng số tiền phải thu hồi. Tiến độ thu hồi của các xã, thị trấn còn chậm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương yêu cầu: Các xã, thị trấn rà soát lại các nguồn nước ngọt trên địa bàn để phục vụ cho người dân. Các xã có nguồn nước ngầm huyện cho chủ trương khai thác để phục vụ cho người dân. Các giếng nước công cộng vận động nạo vét, mua bồn trữ nước cho người dân sử dụng.
Các ngành huyện tập trung công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống hạn mặn; tăng cường công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cấp, thoát nước; hướng dẫn lịch thời vụ, cải tạo môi trường đất, nước; tăng cường công tác kiểm tra về rác thải môi trường; kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu…
Các xã, thị trấn cần tăng cường việc vận động thu hồi nguồn kinh phí đã chi hỗ trợ cho người trồng lúa sai nội dung theo hướng dẫn của Nghị định số 35 năm 2015 của Chính phủ, quyết tâm đến hết quý II năm 2020 phải thu hồi đạt 50%.
Tin, ảnh: Minh Mừng