Thạnh Phú khai thác giá trị di tích trong phát triển du lịch

28/02/2024 - 05:38

BDK - Là một trong 3 huyện duyên hải và nằm ở cuối dải cù lao Minh, Thạnh Phú có 26km bờ biển tiếp giáp Biển Đông, với nhiều sông rạch, cồn bãi; hai bên là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên phù sa bồi đắp. Cùng bề dày lịch sử khẩn hoang vùng đất Tây Nam Bộ và trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có nhiều di tích, chứng tích lịch sử để lại, với các công trình mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa. Do đó, ngoài thế mạnh về phát triển du lịch (DL) biển, DL sinh thái… còn có thế mạnh khác là DL văn hóa - lịch sử - tâm linh - tín ngưỡng dân gian.

Di tích cấp quốc gia Kiến trúc Nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch.  Ảnh: Minh Mừng

Di tích cấp quốc gia Kiến trúc Nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch.  Ảnh: Minh Mừng

Cùng với xu hướng phát triển DL của tỉnh, DL huyện có bước phát triển vượt bậc; lượng du khách, doanh thu từ hoạt động DL tăng theo từng năm. Từ năm 2016 đến nay, huyện đón trên 2 triệu lượt khách, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân địa phương.

Nhiều di tích trên địa bàn huyện đã phát huy tốt các giá trị lịch sử văn hóa phục vụ tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu cho các thế hệ. Công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện được ngành chức năng và các địa phương quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả các di tích.

Một số di tích được khai thác thường xuyên, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, cũng như giáo viên, học sinh, đoàn viên, thanh niên tổ chức về nguồn, làm điểm tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa như: Nhà cổ Huỳnh Phủ, Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam… Ngoài ra có Miễu Bà Chúa Xứ, Lăng Ông Nam Hải, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải được tổ chức vào Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm cũng thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Xã Thạnh Phong cũng có nhiều di tích, tiềm năng cho phát triển DL. Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phong Nguyễn Thị Kiều Tiên cho biết: Thạnh Phong có các di tích lịch sử Quốc gia Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam Bến A101 - Bến Tre tại ấp Thạnh Hòa; Bia tưởng niệm 21 thường dân vô tội bị quân đội Mỹ thảm sát vào năm 1969 tại ấp Thạnh Hòa. Thời gian tới, ngoài việc làm tốt công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, xã sẽ nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh hoạt động DL tại các điểm di tích để khai thác hiệu quả, phát huy tốt các giá trị lịch sử văn hóa phục vụ khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và giáo dục cho thế hệ trẻ”.

Hướng dẫn viên tại các điểm của Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam Nguyễn Trương Khánh Như chia sẻ: “Tôi đảm nhận việc thuyết minh cho du khách tại Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam khoảng 3 năm rồi. Tôi yêu thích công việc này, bản thân tiếp tục rèn luyện để ngày càng tự tin hơn, tìm hiểu thêm các thông tin về các di tích để giới thiệu cho du khách, nhằm phục vụ tốt nhất và đem đến sự hài lòng cho du khách”.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạnh Phú Nguyễn Văn Tưởng cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có 12 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia. Thời gian qua, các ngành, các xã, thị trấn đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn, phát huy có hiệu quả các di tích; gắn khai thác di tích lịch sử, văn hóa với phát triển DL. Thời gian tới, huyện sẽ tham mưu cho các cấp lãnh đạo để có kế hoạch, lộ trình, tiếp tục đầu tư, trùng tu nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa đã xuống cấp, gắn với đó là khai thác, phát triển DL trên địa bàn huyện, góp phần phát triển DL huyện Thạnh Phú đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn”.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Phú khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến năm 2025, DL sẽ là ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện. Để đạt mục tiêu trên, huyện quan tâm mời gọi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ DL, đa dạng hóa các sản phẩm DL gắn với khai thác, phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh của địa phương.

Văn Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN