Thạnh Phú tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững

20/11/2023 - 05:42

BDK - Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Thạnh Phú đã tập trung chỉ đạo phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan triển khai xây dựng và nâng chất 6 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững, với 3 cây, 3 con như cây lúa, cây dừa, cây xoài tứ quý, con bò, gia cầm và con tôm biển.

Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Chuỗi giá trị hình thành rõ nét

Trong năm 2023, huyện Thạnh Phú đã tổ chức sản xuất tập trung, liên kết hợp tác sản xuất trong nông dân thông qua việc hình thành các hợp tác xã (HTX) kết nối với các doanh nghiệp (DN) cung cấp nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Hiện nay, chuỗi giá trị cây dừa, lúa, xoài và con tôm biển dần hoàn thiện và phát triển; chuỗi giá trị con bò và gia cầm đang từng bước hình thành.

Cụ thể, cây dừa có diện tích 8.125ha, trong đó có hơn 752ha trồng theo mô hình hữu cơ. Nếu so với năm 2020, huyện không có diện tích trồng dừa hữu cơ thì hiện nay huyện đang dồn sức tập trung cho vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, tại các xã Thới Thạnh, Đại Điền, Phú Khánh, Tân Phong, Hòa Lợi… Các HTX nông nghiệp đang gắn kết tiêu thụ dừa trái và sản phẩm qua sơ chế với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre. Bên cạnh liên kết đảm bảo tiêu thụ dừa ổn định hơn so với bên ngoài thị trường, các DN này còn hướng dẫn cho hộ từng bước sản xuất theo hướng hữu cơ, triển khai các chính sách cho nhà vườn tham gia liên kết.

Đối với cây lúa, huyện đang tiếp tục triển khai mô hình tôm - lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng các giống mới, phù hợp thổ nhưỡng đất đai, thời tiết... Đồng thời liên kết tiêu thụ thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa với các công ty (tập trung ở các xã An Nhơn, An Qui, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Điền và Mỹ An). Hiện huyện đang tập trung phát huy nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú” và phối hợp triển khai chỉ dẫn địa lý “Lúa sạch Thạnh Phú”. Riêng năm 2023, huyện hỗ trợ cho các xã An Thuận, An Qui, An Điền, An Thạnh và Mỹ An triển khai 135ha trồng lúa mô hình theo hướng hữu cơ, gắn kết với các DN liên kết đầu vào, đầu ra và xây dựng mã số vùng trồng trên 250ha; trong đó, Công ty cổ phần Nông sản Hoa Nắng xây dựng trên 115ha đạt chuẩn Organic xuất khẩu.

Cây xoài đang có nhiều triển vọng tại các xã ven biển của huyện, vùng trồng tập trung ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, với diện tích trên 480ha, sản lượng hàng năm khoảng 7.000 tấn. HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong đã ký kết hợp đồng với DN tiêu thụ xoài trái. Trái xoài tứ quý được công nhận và công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”; được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ xây dựng mô hình vườn xoài hữu cơ theo tiêu chuẩn và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, mã số vùng trồng 120ha ở xã Thạnh Phong, Thạnh Hải từ nguồn kinh phí Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế cho người dân khu vực Bắc Thạnh Phú nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (Tiểu dự án 5, thuộc Hợp phần III, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long, vay vốn WB). Thông qua đó, người trồng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị cây xoài như mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây xoài, giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Bên cạnh phát triển đàn bò giống, bò thương phẩm, huyện đã thí điểm xây dựng mô hình Tổ hợp tác Nuôi bò sữa xã Mỹ Hưng đem lại hiệu quả, đàn bò sữa phát triển tốt. Hiện tổng đàn bò sữa là 131 con, trong đó có khoảng 50 con đang cho sữa, sản lượng sữa từ 500 - 600kg/ngày, giá bán sữa ổn định và cho thu nhập khá.

Đặc biệt, chuỗi giá trị tôm biển phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Diện tích nuôi thủy sản 8.672ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ thâm canh 3.000ha. Mô hình nuôi tôm thâm canh 2, 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao đạt 1.247ha (kế hoạch đến năm 2025 là 1.500ha). Mô hình này đem lại hiệu quả cao, rủi ro thấp. Ngoài ra, nuôi tôm theo mô hình tôm - lúa và các mô hình nuôi xen đạt 5.030ha, mô hình tôm - rừng 798ha… Bước đầu, huyện phối hợp với Tập đoàn Minh Phú, Chi cục Thủy sản hỗ trợ các khu nuôi có diện tích lớn xây dựng tiêu chuẩn BAT với mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh ứng dụng công nghệ cao và bao tiêu đầu ra phục vụ xuất khẩu, bước đầu đã có 17 hộ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn BAT.

Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Theo Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương, hướng tới huyện tiếp tục ưu tiên các khu vực có điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, ưu tiên chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh, biến đổi khí hậu và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của huyện, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo chỉ tiêu, nhiệm vụ đề án.

Cụ thể, huyện xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ đến năm 2025 đạt 1.500ha; năm 2030 đạt 2.500ha trên địa bàn các xã trong vùng ngọt hóa dự án 418; xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đến năm 2025 đạt 200ha, năm 2030 đạt 300ha trên địa bàn huyện; xây dựng vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đến năm 2025 đạt 2ha, năm 2030 đạt 3ha trên địa bàn xã Bình Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải; xây dựng vùng sản xuất tôm rừng đạt tiêu chuẩn EU Organic đến năm 2025 đạt diện tích 300ha, đến năm 2030 đạt diện tích 1.800ha; xây dựng vùng sản xuất tôm - lúa đạt tiêu chuẩn ASC đến năm 2025 đạt diện tích 2.000ha, đến năm 2030 đạt 6.000ha trên địa bàn các xã Tiểu vùng 2 và 3…

Đồng thời, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ, như xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa các DN, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại huyện, tạo ra hàng hóa lớn đối với các sản phẩm chủ lực: cây dừa, cây lúa, con tôm biển. Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm phân hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương cho biết: Huyện quan tâm ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ như nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại, phân hữu cơ sinh học vào sản xuất, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi; các chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Bảo tồn, phục tráng, khai thác, phát triển và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao.

“Huyện xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo quy định. Khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như phân chuồng, rơm, rạ, tấm, cám, sắn, khoai... các phụ phẩm nông nghiệp khác nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh”.

(Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN