
Thực hiện mô hình kiêm nhiệm giúp cho việc triển khai thực hiện chủ trương cấp trên nhanh chóng, hiệu quả.
100 mô hình kiêm nhiệm
Trước khi có NQ số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh đã ban hành NQ số 02. Huyện Thạnh Phú được xem là địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình kiêm nhiệm theo tinh thần NQ số 02. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, Đảng bộ huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã quán triệt tinh thần sắp xếp bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và tránh sự chồng chéo. Trước hết, lãnh đạo huyện tập trung công tác tư tưởng, do việc sắp xếp liên quan đến con người và khi sắp xếp sẽ dôi dư, phải bố trí sang công việc khác. Huyện nghiên cứu tham mưu, thực hiện đầy đủ, đúng quy định về chế độ, chính sách cho cán bộ thuộc đối tượng này. Từ đó, tạo sự an tâm cho cán bộ dù không đủ tuổi nhưng đồng tình nghỉ để anh em khác kiêm nhiệm làm việc hiệu quả hơn. Trong thực hiện luôn cẩn trọng, cân nhắc toàn diện, làm đến đâu chắc đến đó.
Ông Đặng Văn Liệt trước đây thấy bản thân đảm bảo điều kiện làm việc nên xin vào xã làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Giờ công việc đòi hỏi cao, ông lại không có chuyên môn, nghiệp vụ, vậy là đang trong giai đoạn thực hiện kiêm nhiệm, ông Liệt xin nghỉ việc. “Mình nghỉ được hưởng chế độ 1 lần, có được ít tiền đầu tư làm việc khác tại gia đình”, ông Liệt nói.
Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Thanh Nghị, thực hiện NQ số 02 của Tỉnh ủy, NQ số 18, 19 và 39 của Trung ương, đối với cấp huyện, Thạnh Phú thực hiện mô hình Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ. Đối với cấp xã, huyện có 12/18 mô hình Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND xã không là người địa phương; 11/18 Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND; 7/18 Phó bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND; 3 địa phương thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện 90 mô hình hoạt động không chuyên trách theo NQ số 02. Trong đó, có cán bộ, công chức kiêm không chuyên trách cấp xã 11; người hoạt động không chuyên trách kiêm người hoạt động không chuyên trách cấp xã 43; người hoạt động không chuyên trách kiêm bí thư chi bộ ấp 3; cán bộ không chuyên trách cấp xã kiêm chủ tịch Mặt trận 9; bí thư chi bộ ấp kiêm trưởng ấp 24.
Hiệu quả đạt được
Đảm nhận Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh từ cuối năm 2018, chia sẻ thuận lợi khi thực hiện đồng thời hai chức danh, ông Huỳnh Văn Thép cho rằng, mô hình này có hiệu quả. “Khi thực hiện mô hình này, mọi chủ trương của Đảng khi triển khai sẽ được thống nhất kịp thời. Các kiến nghị, đề xuất của người dân được cơ sở ghi nhận và có chỉ đạo giải quyết nhanh chóng. Trong thực hiện nhiệm vụ nếu có sai sót hay công việc bê trễ so với yêu cầu thì sẽ không đùn đẩy trách nhiệm. Nếu hai người như trước đây thì sẽ có người cho rằng nguyên nhân từ công tác chỉ đạo, người cho rằng chậm là do quá trình tổ chức thực hiện. Nếu một người vừa chỉ đạo vừa thực hiện sẽ không đổ lỗi được cho ai, một người chịu hoàn toàn trách nhiệm” - ông Huỳnh Văn Thép nói.
Nhờ có sự chỉ đạo điều hành nhất quán, nhanh chóng, từ đó đưa kinh tế - xã hội Giao Thạnh phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Đến nay, thu nhập của người dân Giao Thạnh đạt trên 45 triệu đồng/người/năm. Xã tự đánh giá đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới và từ nay đến cuối năm 2019, phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí để sẵn sàng về đích xã nông thôn mới vào đầu năm 2020.
Tân Phong là địa phương thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp ở 5/5 ấp. “Hiệu quả của mô hình là việc triển khai, thực hiện chủ trương của cấp trên nhanh chóng. Khi tiếp nhận chỉ đạo, chi ủy bàn bạc đưa ý kiến và triển khai thực hiện ngay. Cùng với chỉ đạo và triển khai thực hiện, bí thư chi bộ sẽ chịu trách nhiệm giám sát công việc. Trách nhiệm của người đứng đầu được thể hiện rõ ràng và tiếng nói của bí thư đồng thời là trưởng ấp được nâng lên, hiệu quả công việc cũng tăng lên bội lần, tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân” - Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong Phan Văn Phước cho biết.
“Thực hiện đồng thời hai chức danh khối lượng công việc nhiều hơn nên khi thực hiện mô hình này, yếu tố quan trọng là con người. Cần chọn cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Cùng với đó là ban hành quy chế làm việc phù hợp. Từng lúc, từng thời điểm nên có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện tốt hơn”.
(Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Thanh Nghị)
|
Bài, ảnh: P.Tuyết