BDK.VN - Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26-10-2024, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ. Đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương trong quyết sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, kết quả đã đạt được những thành tựu lớn thể hiện qua Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ.
Đại biểu Đặng Thuần Phong tham gia thảo luận tại Tổ sáng ngày 26-10-2024.
Cả nước đã thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%). Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI là hai “điểm nhấn”, đạt cao hơn nhiều năm qua.
Công tác xây dựng thể chế có nhiều tiến bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông và các hạ tầng khác phục vụ cho phát triển kinh tế được tập trung đầu tư, nhiều “đại công trường” đang diễn ra trên cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo, lao động, việc làm, tiền lương, chăm lo đời sống của Nhân dân, khắc phục hậu quả bão lũ, xóa nhà tạm, nhà dột nát và các vấn đề chính sách khác cũng được xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế, đối với 3 “điểm nghẽn” về hạ tầng, về cơ chế và về nhân lực, theo đại biểu, vấn đề hạ tầng hiện nay Chính phủ đang tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ; về cơ chế, thời gian qua Quốc hội và Chính phủ có sự phối hợp, nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo.
Riêng vấn đề nguồn nhân lực vẫn còn “tắc”, chưa đồng bộ nên chưa thể tăng năng suất lao động. Do đó, thời gian tới cần hết sức tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực.
Ngoài ra, còn có “điểm nghẽn” về quy hoạch cần phải tháo gỡ, Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quy hoạch về năng lượng, Quy hoạch về khai thác và sử dụng không gian biển, Quy hoạch sử dụng và khai thác tài nguyên, khoáng sản…nhiều quy hoạch đã, đang được xây dựng, phê duyệt nhưng còn thiếu tính kết nối…các vấn đề trọng điểm từ các quy hoạch này để giải phóng được nguồn nhân lực, giải phóng lực lượng sản xuất thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại biểu cho đây là vấn đề cần phải nhận diện và xử lý thấu đáo.
Ngoài ra, các vấn đề gắn với đời sống người dân, cử tri phản ánh nhiều như: Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…đã phát hiện nhiều nhưng xử lý chưa nghiêm, chưa hiệu quả mặc dù có Quỹ chống hàng giả, Hiệp hội chống hàng giả…Cần đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện và xử lý để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Về vấn đề lao động phi chính thức, nước ta có trên 55 triệu lao động, trong đó có khoảng 18 triệu lao động có quan hệ lao động và 37 triệu lao động không có quan hệ lao động, là nguồn lực lao động rất lớn nhưng hiện nay chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả để quản lý, thu hút, sử dụng…lực lượng lao động phi chính thức để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của quốc gia. Đây là vấn đề lớn cần nghiên cứu khi sửa đổi Luật Việc làm.
Tình hình tội phạm và trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề đáng lo, cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm quyết liệt hơn nữa.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, báo cáo của Chính phủ đề ra 11 nhóm giải pháp, Ủy ban Kinh tế qua thẩm tra đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ, đại biểu tán thành các nhiệm vụ, giải pháp này.
Đại biểu đề nghị cần tập trung, thứ nhất, phải ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công và đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời phải bồi dưỡng nguồn thu, tạo không gian cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.
Thứ hai, cần có lộ trình, giải pháp đồng bộ để tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” về cơ chế, về hạ tầng và về nguồn nhân lực.
Thứ ba, phải khơi thông các thị trường, quản lý linh hoạt để các thị trường phát triển ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chú ý các giải pháp để phát triển thị trường tài chính, tiền tệ lành mạnh, ổn định; thị trường bất động sản phải thể hiện được vai trò trong tăng trưởng, trong đầu tư và trong an sinh xã hội; thị trường vàng đúng theo vòng quay của quốc tế, có cạnh tranh và không bị thao túng, độc quyền.
Vấn đề kích cầu tiêu dùng phải tập trung để kích thích tăng trưởng. Có chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hấp thu được dòng vốn, sử dụng lao động, ứng dụng công nghệ, nhất là các chính sách ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, công nghiệp phụ trợ…
Thứ tư, con người là nhân tố quyết định, quan điểm của Chính phủ hiện nay trong chỉ đạo, điều hành là “bàn làm, không bàn lùi’ cho nên đội ngũ cán bộ, công chức đòi hỏi phải có trách nhiệm, trung thực, không vụ lợi, không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, phải kiểm soát tốt quyền lực, tuyệt đối tránh tình trạng các chính trị gia có các doanh nghiệp cánh hậu phía sau dẫn đến sai phạm bị xử lý như thời gian qua…
Về thực hiện ngân sách nhà nước, năm 2024 thu ngân sách nhà nước đến thời điểm này đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so dự toán Quốc hội giao, tăng 6,8% so với năm 2023, đây là điều rất đáng mừng trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế trên các lĩnh vực để phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, về thu nội địa đạt được 1.572,7 nghìn tỷ, tăng 8,9% so dự toán Quốc hội giao nhưng có 11 địa phương thu không đạt dự toán, cần làm rõ nguyên nhân do thiên tai, bão lũ hay do dự toán không sát.
Thu tiền sử dụng đất năm nay cũng không đạt, nguyên nhân do pháp luật đất đai ban hành chưa đầy đủ, các địa phương chưa ban hành được bảng giá đất nên làm đình trệ các giao dịch bất động sản, làm mất đi nguồn thu khá lớn từ đất đai.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 theo thẩm quyền để làm cơ sở cho các địa phương ban hành văn bản ở cấp mình và triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.