Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm

14/08/2024 - 05:26

BDK - Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm. Để người lao động (NLĐ) có tay nghề và việc làm phù hợp, tỉnh đã nhận diện những khó khăn và kiến nghị với Quốc hội một số chính sách cần chỉnh sửa, bổ sung.

Học sinh Trường Trung cấp công nghệ Bến Tre học sửa chữa ô tô.

Tình hình lao động

Lực lượng lao động (LĐ) của tỉnh khá dồi dào. Hàng năm, bình quân số LĐ bước vào độ tuổi LĐ khoảng 18 - 20 ngàn LĐ. Kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, theo đó là sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2020 đến tháng 8-2024, tại tỉnh, số LĐ từ 15 tuổi trở lên đang tham gia hoạt động kinh tế 823.720 người. Số LĐ hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản 304.776 người, chiếm khoảng 37% trong số LĐ đang tham gia hoạt động kinh tế. Số LĐ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng 222.404 người, chiếm khoảng 27% trong số LĐ đang tham gia hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, số LĐ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ 296,539 người, chiếm khoảng 36% trong số LĐ đang tham gia hoạt động kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 2% so với số người trong độ tuổi LĐ.

Qua số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp (DN), số đăng ký tuyển dụng LĐ qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre từ năm 2020 đến nay là 1.147 lượt DN, với số LĐ cần tuyển 62.668 người. Kết quả từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 95.442 NLĐ (nữ là 42.069 người). Trong đó, giải quyết việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre 9.378 NLĐ, số còn lại thông qua các lớp đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, các lớp đào tạo nghề gắn với các DN hoặc NLĐ tự tìm kiếm việc làm sau khi đã qua các lớp đào tạo nghề tại các địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 KCN và 4 CCN đã đi vào hoạt động. Trên địa bàn tỉnh, các KCN có 46 DN đang hoạt động, với 41.695 LĐ; 3 CCN có 15 DN đang hoạt động, với khoảng 9.453 LĐ. Mức thu nhập bình quân của NLĐ trên địa bàn tỉnh từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giám đốc điều hành, chuyên gia có mức lương từ 40 - 50 triệu đồng/người/tháng. LĐ quản lý có mức lương từ 20 - 25 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, hiện có từ 35 - 40% LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, số còn lại là LĐ phổ thông, LĐ có tay nghề, chủ yếu làm việc trong các ngành may mặc, điện - điện tử, chế biến thủy sản, các sản phẩm từ dừa. Bên cạnh đó, còn có khoảng 90% LĐ trong KCN, CCN là người địa phương. 

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại tỉnh, Sở LĐTB&XH đã có những kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung. Cụ thể, nghiên cứu bổ sung đơn vị Trung tâm dịch vụ việc làm vào Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 để thống nhất với Luật Việc làm năm 2013 về chức năng đào tạo của Trung tâm dịch vụ việc làm, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm được tham gia đào tạo nghề kịp thời. Qua đó, giúp NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp sớm quay lại thị trường LĐ. Hiện nay, trong Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa quy định Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị có chức năng đào tạo.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm nhóm đối tượng học sinh đang theo học các lớp nghề ở trình độ trung cấp có độ tuổi từ 15 - 18 tuổi được tham gia làm việc theo hình thức thực hành, thực tập vào Bộ luật Lao động. Hiện số học sinh này trong quá trình tham gia học nghề có quy định thời gian thực hành, thực tập tại DN. Tuy nhiên, khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) liên hệ với DN đến thực hành, thực tập thì DN từ chối, với lý do là học sinh chưa đủ tuổi làm việc (đủ 18 tuổi) theo quy định của Bộ luật LĐ. Đây cũng là vấn đề khó cho các cơ sở GDNN khi triển khai việc thực hành, thực tập cho học sinh học nghề tại các DN. Trong khi đó, số học sinh có xu hướng học nghề ở trình độ trung cấp ngày càng tăng.

Thêm vào đó, tỉnh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ LĐTB&XH sớm có hướng dẫn việc triển khai thực hiện đối với việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để các địa phương triển khai thực hiện. Vì đối với các em tốt nghiệp THCS khi tốt nghiệp trình độ trung cấp vẫn chưa đủ tuổi để ký hợp đồng LĐ làm việc tại các DN. Do đó, cần có kiến thức văn hóa để học lên trình độ cao đẳng.

“Hàng năm, mỗi huyện có khoảng 400 học sinh không vào được các trường THPT. Số học sinh không trúng tuyển vào THPT (học sinh vào lớp 10) phải vào các trường nghề, vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong khi quản lý nhà nước của các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên đều thuộc cấp huyện quản lý. Việc đầu tư về cơ sở vật chất, giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội để đào tạo số 30% học sinh hàng năm (khoảng 3.600 học sinh) không vào được lớp 10 tại các trường THPT”.

(Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN