Thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

30/11/2021 - 19:32

BDK - Ngày 30-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Tỉnh ủy nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2021, thảo luận các giải pháp năm 2022. Trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Dưới đây là ý kiến của một số đại biểu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc Hùng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc Hùng

Tình hình phát triển kinh tế và công tác phòng chống dịch Covid-19

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng, đã giải quyết việc làm cho 19.789 lao động, đạt tỷ lệ 98,95% so với chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021, tỷ lệ này nếu cộng dồn thêm số lượng lao động có thời hạn ở nước ngoài nữa đạt 100,07%. Năm 2021, số lượng đăng ký đi lao động có thời hạn ở nước ngoài đạt 1.270 lao động, trong đó trúng tuyển 1.038 lao động, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên số lao động trúng tuyển chưa thể đi được và chỉ tiêu đặt ra không thể đạt. Đối với công tác giảm nghèo, thống nhất chỉ tiêu của Tỉnh ủy là hàng năm giảm 1,5% hộ nghèo và con số này rất khả quan để đạt được.

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê cho rằng, trong năm 2021, ngoài việc bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, người dân còn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên đàn bò, sâu đầu đen trên cây dừa…, cần có biện pháp phòng chống hữu hiệu. 

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: T. Lập

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: T. Lập

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê cho biết, trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần thay đổi kịch bản theo tình hình thực tiễn nhằm mang tính khả thi cao; đồng thời đổi mới giải pháp thực hiện, góp phần thực hiện đạt mục tiêu đặt ra. Cần đánh giá lại chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới trong tình hình hiện nay để có bước đi phù hợp.

Theo Bí thư Huyện ủy Châu Thành Phan Song Toàn, cần có đánh giá về công tác phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, sau khi áp dụng Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân còn chủ quan, nhất là cấp ủy ở cơ sở. Qua thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, cho thấy sự quá tải ở y tế cơ sở, cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực để đáp ứng với tình hình hiện nay và trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới, phải xác định hướng đột phá, trong các công trình, dự án đột phá hay nói cách khác là chọn đột phá trong đột phá. Do đó, có thể chọn phát triển chế biến ngành dừa; phát triển chế biến thủy sản, đặc biệt là con tôm. Sớm đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại), Khu công nghiệp An Nhơn (Thạnh Phú), Làng dừa (Mỏ Cày Nam) và các công trình, dự án khác… Hiện toàn tỉnh đã có 97MW điện gió hòa lưới điện quốc gia, đến cuối năm sẽ có thêm 100MW, tạo đột phá về nguồn thu. Phấn đấu về đích 1.500MW điện gió vào năm 2024, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội đề ra.

Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới cho rằng, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động đến đời sống của người dân, sản xuất bị đình trệ, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển chậm, nhiều chỉ tiêu đặt ra đạt thấp hoặc khó thực hiện được. Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 là cần quan tâm hàng đầu đến công tác phòng chống và kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả. Đẩy mạnh và đảm bảo phủ kín vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân dân, nhất là lứa tuổi từ 12 - 17.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phúc Linh đề xuất, thời gian tới,  trong phòng chống dịch Covid-19 cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là nâng cao vai trò cũng như có sự đầu tư cơ sở vật chất trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, cần quan tâm và đồng hành cùng với doanh nghiệp trong phòng chống dịch để tránh bị “đứt gãy” trong hoạt động sản xuất; xem xét và có giải pháp đồng bộ trong giải quyết chế độ, chính sách đối với lao động bị nhiễm Covid-19.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Lập

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Lập

Thảo luận các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung cho rằng, chỉ tiêu 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2022 là cao. Trong khi tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, chỉ tiêu này nên xem xét lại cùng với các giải pháp sát thực tế. Việc giải quyết việc làm trong thời gian tới cũng sẽ đặt ra cho tỉnh nhiều khó khăn do số lượng lớn người lao động trở về tỉnh. Ngoài ra, cần quan tâm công tác bình ổn giá, bởi các mặt hàng nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi thì tăng cao. Quan tâm kiểm soát tốt hơn tình hình ma túy và “tín dụng đen”. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, mạng lưới y tế cơ sở đã quá tải, cần được quan tâm đầu tư.

Đề xuất phục hồi và phát triển kinh tế

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nhận định, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, đúng với định hướng và mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và làm cho tất cả bị lúng túng, bất ngờ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, tỉnh ta kiểm soát dịch khá tốt. Công tác an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả. Các công trình, dự án được triển khai, xúc tiến đúng tiến độ. Trong năm 2022, cần bổ sung vào giải pháp phục hồi sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã bị đình trệ, chưa phục hồi được. Để bù đắp những thiệt hại và đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra, việc kích cầu đầu tư - xuất nhập khẩu - kích thích tiêu dùng là 3 động lực quan trọng để kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 thật sự phát triển.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân thảo luận tại tổ. Ảnh:  Quốc Hùng

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân thảo luận tại tổ. Ảnh: Quốc Hùng

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân đề xuất giải pháp thực hiện chỉ tiêu phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao trong dự thảo Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh ủy đề ra. Tỉnh và ngành phải làm việc cụ thể với doanh nghiệp, với các hộ nuôi định hướng chuyển từ vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh lên công nghệ cao; ngành ngân hàng vào cuộc, tư vấn hộ nuôi, doanh nghiệp; số hóa 2.000ha hiện có và quy hoạch 2.000ha còn lại, đặc biệt là cần đầu tư một mô hình chuẩn để nhân rộng.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Tiến Dũng cho biết, việc phát triển doanh nghiệp, đến tháng 11-2021, toàn tỉnh phát triển mới 399 doanh nghiệp, tuy nhiên giải thể 300 doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp đến năm 2025 là rất khó. Kết quả sơ bộ của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GRDP của tỉnh được 0,52%, là 1 trong 7 tỉnh tăng trưởng dương của đồng bằng sông Cửu Long, xếp hàng thứ 7 trong khu vực. Nếu so với nhận định tăng trên 4% năm 2021 là không quả quan. Chiều ngày 30-11-2021, Tổng cục Thống kê sẽ có công bố chính thức về kết quả này.

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng thông tin, đến nay, có 4 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư với 164ha. Các dự án đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Công tác phát triển đô thị hiện nay gặp nhiều khó khăn, hiện có 7 dự án quy mô dưới 20ha đang vướng Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Ngoài ra còn 14 dự án khác đang được triển khai.

Liên quan đến chỉ tiêu dân số để phát triển đô thị, đến năm 2030, tỉnh đạt hơn 1,7 - 1,8 triệu dân. Đây là tỷ lệ chưa có tính đột phá. Giải pháp để phát triển dân số đô thị là giữ chân người lao động, thu hút lao động từ nơi khác về bằng cách phát triển khu, cụm công nghiệp...

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng phát biểu thảo luận. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng phát biểu thảo luận. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng khẳng định, định hướng mở rộng không gian phát triển kinh tế biển là rất cần thiết, nhưng rất cần đến sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cũng như nhiều cán bộ có kỹ năng trong công tác tuyên truyền, tạo sự quan tâm đồng thuận, thống nhất trong triển khai các công trình, dự án phát triển trọng điểm theo chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông.

Mặc dù tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm 2021, kinh tế tỉnh nhà có sự phục hồi và đạt được một số kết quả nhất định, thu ngân sách đạt khá, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt tương đương so với cùng kỳ. Các giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, các chương trình tín dụng chính sách, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được thực hiện khá tốt để chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Kết quả thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2021 có 13/24 chỉ tiêu thực hiện ước đạt và vượt, 3/24 chỉ tiêu xấp xỉ đạt; 2/24 ước đạt trên 80%; các chỉ tiêu còn lại ước đạt từ 50 - 80%.

Nhóm PV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN