Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X

Thảo luận các giải pháp thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế -xã hội năm 2024

04/12/2023 - 05:12

BDK - Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X sẽ tổ chức trong 4 ngày: ngày 24-11-2023 (các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành họp thảo luận tài liệu kỳ họp); ngày 6, 7 và 8-12-2023 (họp tại hội trường). Tại kỳ họp, đại biểu sẽ tập trung thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết (NQ) HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 cùng nhiều nội dung khác. HĐND tỉnh cũng sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu; dự kiến thông qua 27 dự thảo NQ. Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê về nội dung trên.

Các đại biểu HĐND tỉnh họp tổ thảo luận tài liệu Kỳ họp thứ 11 tại huyện Ba Tri. Ảnh: CTV

Các đại biểu HĐND tỉnh họp tổ thảo luận tài liệu Kỳ họp thứ 11 tại huyện Ba Tri. Ảnh: CTV

* Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023?

- Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê: Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 trong điều kiện có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp chưa có sự phục hồi đáng kể, thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh và sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn của chính quyền các cấp, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, tình hình KT-XH của tỉnh năm 2023 tiếp tục trên đà phục hồi và phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tính đạt 5,44% (NQ 9,3%); trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,65% (NQ 3,9%), khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,90% (NQ 19,46%), khu vực dịch vụ tăng 6,88% (NQ 8,5%); thuế sản phẩm 1,93% (NQ 12,5%); cơ cấu kinh tế: Khu vực I: 34,56% (NQ 33%); khu vực II: 20,75% (NQ 22,3%); khu vực III: 41,41% (NQ 41,24%); thuế sản phẩm: 3,28% (NQ 3,46%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.530 triệu USD (NQ 1.700 triệu USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,1 triệu đồng/người (NQ 53,9 triệu đồng/người); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.560 tỷ đồng, đạt 103,19% dự toán Trung ương giao và đạt 100,04% dự toán địa phương phấn đấu, bằng 98,67% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 5.430 tỷ đồng, đạt 103,27% chỉ tiêu Trung ương giao và đạt 100,04% chỉ tiêu địa phương phấn đấu, bằng 98,28% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 130 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao và địa phương phấn đấu, tăng 18,41% so với cùng kỳ…

Các công trình, dự án, chương trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến nay, một số công trình, dự án đạt một số kết quả khả quan như: Dự án cầu Rạch Miễu 2; hệ thống thủy lợi, cấp nước; phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; Dự án Khu công nghiệp Phú Thuận...

Giá trị sản xuất các khu vực kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ. Tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn ngành dừa và giá dừa đã tăng trở lại. Thu ngân sách đạt khá. Hoạt động du lịch phục hồi tốt, lượng khách và doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tập trung ngay từ đầu năm; việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tập trung chỉ đạo thực hiện để tạo lợi thế thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Sản xuất nông - ngư nghiệp tương đối thuận lợi; diện tích và sản lượng dừa tăng nhẹ, giá dừa khô giảm mạnh những tháng đầu năm nhưng hiện đã tăng trở lại, bình quân 70 - 80 ngàn đồng/chục; sản lượng cây kiểng, hoa kiểng cung ứng phục vụ Tết Nguyên đán năm 2023 khoảng 9,5 triệu sản phẩm, tăng 18,8% so với cùng kỳ; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tổng đàn bò tăng 11,98%, đàn heo tăng 7,53% và đàn gia cầm tăng 11,20%; sản lượng đánh bắt thủy sản tăng 1,26% so với cùng kỳ; công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng được tập trung thực hiện; tổng diện tích sản xuất muối niên vụ 2022 - 2023 đạt 1.173,49ha, sản lượng khoảng 52.950 tấn. Toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 71 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan.

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tăng trưởng so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp được duy trì. Các dự án đầu tư Khu công nghiệp Phú Thuận và tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ.

Hoạt động du lịch phục hồi tốt, lượng khách và doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tập trung ngay từ đầu năm.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung thực hiện tốt; chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng và các hộ nghèo được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và phát triển. Tổ chức thành công các hoạt động, lễ kỷ niệm cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại và liên kết hợp tác vùng, tiểu vùng được triển khai thực hiện tốt.

* Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X có những nội dung chính nào?

- Dự kiến tại kỳ họp, đại biểu sẽ tập trung thảo luận tình hình thực hiện NQ HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Nghe báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về kết quả xây dựng chính quyền năm 2023; UBND tỉnh báo cáo giải trình các ý kiến, kiến nghị được nhiều cử tri quan tâm qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Dự kiến tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua 27 NQ do UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh trình. Kỳ họp sẽ dành một buổi để thảo luận, một buổi để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, HĐND tỉnh sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu theo NQ số 96/2023/QH15 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

* Những điểm mới ở kỳ họp này và hoạt động chất vấn sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào, thưa ông?

- Chủ trương của Thường trực HĐND tỉnh là kể từ kỳ họp này trở về sau các đại biểu HĐND tỉnh không gửi trước câu hỏi thảo luận về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Từng đại biểu căn cứ vào NQ của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH và các báo cáo của UBND tỉnh chủ động phát biểu tham luận tại hội trường theo sự điều hành của chủ tọa kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp sẽ chủ động đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường. Đó là điểm mới ở kỳ họp này.

Về vấn đề chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp tại kỳ họp, là quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND trước những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri. Thường trực HĐND tỉnh không giới hạn nội dung chất vấn. Qua theo dõi, giám sát tình hình thực tế của địa phương, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh có thể lựa chọn những vấn đề quan trọng, bức xúc hoặc những “điểm nghẽn” trong phát triển KT-XH để chất vấn.

* Xin cảm ơn Phó chủ tịch HĐND tỉnh!

“Đến thời điểm hiện tại, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 4 câu hỏi chất vấn của 4 đại biểu về các nội dung: Vai trò quản lý nhà nước về hoạt động công chứng; vai trò quản lý nhà nước về hụi trong thời gian qua; trách nhiệm của các sở, ngành trong việc trùng tu, sửa chữa, phát huy giá trị của các công trình, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm của Sở Tư pháp đối với những hạn chế của một số ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh chưa tốt, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới”.

(Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê)

 Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN