Thảo luận các giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết HĐND tỉnh

02/07/2019 - 21:33

BDK - Ngày 2-7-2019, HĐND tỉnh đã khai mạc Kỳ họp thứ 11, khóa IX. Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm và đề ra nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2019. Dưới đây là ý kiến của các đại biểu.

Ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: T. Đồng

Ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: T. Đồng

Xuất khẩu nông sản

Ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đặt vấn đề về các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh chưa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong khi đường tiểu ngạch bị siết chặt, chúng ta trở bộ với việc này như thế nào?

Theo đó, đến nay, tỉnh có các sản phẩm được nằm trong danh sách xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là chôm chôm, mít, hiện đang xem xét đối với trái măng cụt. UBND tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm còn lại, đặc biệt là dừa, bưởi da xanh. Nhưng đến nay chậm có kết quả.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Triển vọng phát triển nông nghiệp của Bến Tre về lâu dài phải khai thác tài nguyên bản địa, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn là giải pháp khai thác phát triển nông nghiệp tuyệt vời. Tỉnh cần quan tâm thúc đẩy giải pháp này hơn. Thực hành nông nghiệp tốt gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và quảng bá các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý tốt.

Ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đối với ngành, giải pháp đầu tiên là phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại: các hội chợ trong nước, OCOP, hội chợ quốc tế… tạo điều kiện các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã tham gia hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại.

Xử lý dịch tả heo Châu Phi

Đến thời điểm này, Bến Tre là tỉnh cuối cùng của đồng bằng sông Cửu Long xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi. Các đại biểu cũng đã thảo luận, nêu giải pháp bao vây, xử lý. Theo ông Nguyễn Văn Niệm - Phó giám đốc Sở Công Thương, giải pháp hướng tới ngoài mức chi hỗ trợ cho đàn đã bị dịch bệnh thì nên có hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng; theo dõi sát giá cả để bình ổn thị trường; nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong ngăn ngừa, cách ly dịch bệnh, kiến nghị nâng cao chi phí hỗ trợ về lâu dài; thực hiện tốt quy hoạch chăn nuôi.

 “Dịch tả heo Châu Phi tàn phá ghê gớm về mặt kinh tế. Mặc dù dịch xảy ra nhưng vẫn khuyến khích tiêu thụ thịt heo bình thường, để góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Bởi, dịch bệnh không lây qua người. Nếu vì nghe heo bệnh mà tẩy chay không ăn sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế chăn nuôi, cũng như ảnh hưởng đến kinh tế địa phương”  - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng nhấn mạnh.

Khai thác thủy sản

Thủy sản là một trong hai lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh, giải pháp nâng cao giá trị thủy sản, khắc phục tình trạng đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài là vấn đề đặt ra thảo luận tại kỳ họp. Đại tá Võ Văn Ngon - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất một số giải pháp: Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, tuyên truyền đến từng đối tượng tham gia đánh bắt xa bờ ở ngư trường vùng biển giáp ranh với các nước. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến; các đồn biên phòng xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu cá không chấp hành hoặc ghi không đầy đủ sổ nhật ký, truy xuất thủy sản theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để góp phần kéo giảm số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ vi phạm vùng biển nước ngoài thì tỉnh xác định cần nâng cao nhận thức và ý thức của ngư dân và để làm được điều này thì tăng cường công tác tuyên truyền. Trong công tác tuyên truyền chú trọng đến việc xác định đối tượng và phân loại đối tượng, từ đó có phương pháp thích hợp và hiệu quả.

Phát triển doanh nghiệp

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Mãi nêu: phát triển DN 6 tháng đầu năm có khởi sắc. Giải pháp tới là việc tập trung quan tâm phát triển DN của các cấp, các ngành; xây dựng đội ngũ DN vững mạnh, tự tin và thật chuyên nghiệp. Chuyển dần từ chính sách phát triển DN mới sang chính sách phát triển DN dẫn đầu để DN trở thành đầu kéo phát triển DN toàn tỉnh. Nếu có sự đầu tư đúng mức thì kinh tế sẽ phát triển.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới nêu: toàn tỉnh có 4.263 doanh nghiệp, chủ yếu vừa và nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, khả năng đàm phán với ngân hàng hạn chế, chiến lược phát triển kinh doanh kém, khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu. Để phát triển DN cần có giải pháp đột phá trong thực hiện Chương trình 10 của Tỉnh ủy, kiến tạo môi trường phát triển, cơ chế vốn, chính sách tín dụng, đối xử công bằng, cải cách hành chính, giúp tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Châu Văn Bình nhận định: tốc độ phát triển DN của tỉnh xếp trong “top” đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long (sau Tiền Giang). Tuy nhiên, quy mô DN còn thấp, tỉnh chỉ có khoảng 47 DN quy mô trên 100 tỷ đồng. Để thu hút DN quy mô lớn, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thành lập tổ dịch vụ công rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN. Tiếp tục duy trì cà phê DN, họp mặt đối thoại định kỳ.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre Lê Công Thành cho biết thêm: Đối với DN khởi nghiệp, ngân hàng cũng giảm lãi suất, tạo thuận lợi cho DN vay.

Văn hóa - xã hội

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu cũng nêu ý kiến, thảo luận về công tác bảo vệ trẻ em thời gian qua còn chưa kịp thời, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 10 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đại biểu nêu ý kiến đề nghị xử lý nghiêm minh, chặt chẽ đối với các vụ việc, các ngành chức năng chung tay vào cuộc, có giải pháp làm sao đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Theo Phó giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Hòa, thời gian qua, đối với việc xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, vấn đề hạn chế chủ yếu là công tác thu thập chứng cứ còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc tố giác chậm, thời gian diễn ra đã lâu nên trở ngại trong thu thập chứng cứ.

Đối với vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Mãi lưu ý: “Đây là vấn đề mà xã hội quan tâm, lên án. Trong quá trình xử lý cần căn cứ theo đúng quy định pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội. Trong trường hợp không đủ chứng cứ thì cần phải thông tin cho dư luận biết...”. Hướng tới, ngành lao động phối hợp với ngành giáo dục, đoàn thanh niên cần có chương trình giáo dục, quản lý trẻ phù hợp, cho các em tiếp cận và được trang bị kiến thức tự bảo vệ mình.

Về việc tăng cường đảm bảo an ninh nông thôn, phòng chống ma túy, đại biểu Huỳnh Thị Hạnh - đơn vị huyện Mỏ Cày Nam cho rằng: Cần tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm, nhất là tệ nạn ma túy. Chính quyền địa phương, gia đình, xã hội cần có sự phối hợp trong công tác phòng, chống ma túy. Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Đối với tín dụng đen, đại biểu Huỳnh Thị Hạnh đề xuất ngân hàng triển khai các chương trình cho vay nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cấp bách của người dân; cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thủ tục vay; các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền trong hội viên về các chương trình vay của ngân hàng.

Trên lĩnh vực hoạt động du lịch, đại biểu Lê Thị Hoàng Oanh, đơn vị huyện Chợ Lách đã phản ánh tình trạng dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên cồn Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách bị chậm tiến độ, hiện tại chỉ mới triển khai được 7,7/20ha dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng thông tin, UBND tỉnh đã tiến hành rút giấy phép đầu tư của đơn vị và chuyển cho doanh nghiệp khác đầu tư theo quy định.

C. Trúc - Q. Hùng - T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN