Thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy 2018

29/11/2018 - 20:05

BDK - Tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, các đại biểu tham gia thảo luận tổ về báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết (NQ) Tỉnh ủy năm 2018, dự thảo phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của NQ năm 2019. Nhiều ý kiến đồng thuận đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện NQ Tỉnh ủy năm 2018; tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đề ra các giải pháp thực hiện.

* Công tác xây dựng Đảng

Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng: Ngay từ đầu năm, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức họp mặt khai việc đầu năm nhằm quán triệt tinh thần năm “tăng tốc”. Đây là động lực tạo sự quyết tâm ngay từ đầu năm, từ đó thúc đẩy sự chuyển biến tích cực về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, giữ vững đoàn kết nội bộ, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ điểm “nghẽn” về thông tin để trên dưới thống nhất đồng lòng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Công tác xây dựng Đảng được các cấp ủy triển khai đạt kết quả tốt, thể hiện ở số đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật giảm 12,9% (chỉ tiêu NQ giảm 2%). Cả hệ thống chính trị tập trung triển khai thực hiện NQ số 18, 19 của Trung ương về tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ đạt kết quả bước đầu là do có sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.

Ông Đặng Văn Thanh - Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, việc tổ chức sắp xếp bộ máy theo NQ số 18, 19 của Trung ương được đồng loạt triển khai thực hiện ở hầu hết các cấp, các ngành và địa phương, bước đầu có một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, do còn tư tưởng trông chờ cấp trên, trong đó có các văn bản hướng dẫn liên quan của Trung ương chậm ban hành. Việc thành lập cơ quan xây dựng Đảng cấp huyện, thành phố, các đơn vị còn chờ hướng dẫn. Việc triển khai NQ số 02 của Tỉnh ủy, trong đó có 8 mục tiêu, 7 nhiệm vụ, giải pháp còn chậm, nhiều nội dung chưa triển khai hoặc đang trong quá trình dự thảo. Các mô hình kiêm nhiệm ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là cấp cơ sở thực hiện cơ bản khá tốt với 413 mô hình. Công tác phát triển đảng viên chậm so với tiến độ trong những tháng đầu năm nhưng hiện nay đã cơ bản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, toàn tỉnh kết nạp được 1.805 đảng viên, đạt 98,8% chỉ tiêu NQ. Dự kiến đến ngày 7-12-2018 có 30 đảng viên nữa được kết nạp, sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, việc quản lý, giáo dục đảng viên chưa tốt. Đảng viên buông bỏ sinh hoạt, vi phạm tệ nạn xã hội bị xử lý kỷ luật, xin ra khỏi đảng còn nhiều, chủ yếu ở các đảng ủy cơ sở, chi bộ ấp, khu phố. Chi ủy, người đứng đầu quản lý tổ chức đảng, đảng viên có nơi còn lỏng lẻo, việc tự phê bình và phê bình chưa thực hiện nghiêm, còn né tránh, nể nang, ngại va chạm, nhất là các tổ chức đảng có nhiều đảng viên gia đình, thân tộc. Sắp tới, việc tập trung củng cố nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các tổ chức đảng, đảng viên phải làm thường xuyên, quyết liệt hơn.

Ông Huỳnh Thanh Hiếu - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy theo NQ số 02 của Tỉnh ủy gắn với các NQ của Trung ương thực hiện còn nhiều khó khăn do liên quan trực tiếp đến con người, đồng thời chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Việc triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy còn chậm, cần phải đánh giá nguyên nhân cho rõ hơn do bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời tham mưu thể chế hóa về mặt Nhà nước đối với chủ trương, NQ số 18, 19 của Đảng.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Trúc Hạnh phát biểu ý kiến tại tổ thảo luận số 3. Ảnh: Thanh Đồng

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Trúc Hạnh phát biểu ý kiến tại tổ thảo luận số 3. Ảnh: Thanh Đồng 

Bà Nguyễn Trúc Hạnh - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, tinh thần năm “tăng tốc” chưa thật sự đồng bộ, chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tháo gỡ được điểm “nghẽn” trong thông tin, tuyên truyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu chưa gương mẫu, chưa truyền được cảm hứng, sức lan tỏa trong hành động đến cấp dưới. Thời gian tới, cần nêu cao hơn nữa vai trò nêu gương, đặc biệt là người đứng đầu để tạo sự lan tỏa, chuyển biến hiệu quả trong công việc.

* Lĩnh vực kinh tế

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cho rằng, rất phấn khởi khi nhiều chỉ tiêu NQ năm 2018 hoàn thành đạt  và vượt kế hoạch đề ra, trên rất nhiều lĩnh vực. Với đà này, các chỉ tiêu NQ của cả nhiệm kỳ sẽ có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, đã tăng trưởng trên 4%, vượt chỉ tiêu NQ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Ba Tri đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2018. Theo đó, kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 7,05% (NQ 7%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng, chỉ tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2017. Đây là con số đáng lo. Bởi đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã xác định đến năm 2020 mức sống người dân tỉnh ngang bằng mức sống người dân các tỉnh trong khu vực. Với mục tiêu này, tỉnh cần có đánh giá xem mức sống người dân tỉnh hiện nay đang ở đâu. Trên cơ sở đó, cân nhắc các giải pháp cụ thể cho từng năm để đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt chỉ tiêu NQ đề ra.

Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải nêu ý kiến. Ảnh: PV

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Hoàng phát biểu ý kiến tại tổ. Ảnh: Phạm Tuyết

Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhận định: Kinh tế  của tỉnh năm 2018 tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cùng với đó là việc đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ. Các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước… hoàn thành đưa vào khai thác phát huy được hiệu quả, góp phần phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc tổ chức triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới (NTM) từng bước đi vào thực chất, phát huy hiệu quả. Từ đó, phong trào xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, tổ chức sản xuất có sự chuyển đổi, điều kiện sống của người dân nông thôn được cải thiện. Việc công bố chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh, bưởi da xanh bước đầu được phát huy.

Bàn về kinh tế hợp tác, ông Phan Chánh Thi - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) cho biết: Trong năm 2018, số lượng các HTX thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhưng hoạt động chưa thật sự tốt. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, cần tập trung các giải pháp nâng cao năng lực điều hành của đội ngũ quản lý, nâng cao nhận thức của các hội viên. Các cấp chính quyền và ngành chức năng chú trọng tăng cường tư vấn, hướng dẫn, giám sát hoạt động của HTX.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội

Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Sau kiểm tra việc xây dựng xã văn hóa ở các địa phương cho thấy, nhiều nơi đang có dấu hiệu xem nhẹ việc duy trì, củng cố xã văn hóa. Nhiều xã ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa chỉ họp 1 lần trong năm. Thời gian tới, cần quan tâm củng cố, nâng chất các tiêu chí văn hóa, trong đó chú trọng xây dựng yếu tố gia đình. Để việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Tỉnh ủy, cần đi từ cơ sở, đi vào những cá nhân, chủ thể từ trong dân, trong học sinh, trong nhà trường, trong xã hội.        

Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thảo luận tại cuộc họp tổ. Ảnh: P. Tuyết

Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thảo luận tại cuộc họp tổ. Ảnh: P. Tuyết

Việc phát triển du lịch xanh là nhu cầu tất yếu của các tỉnh nông nghiệp, đặc biệt là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bến Tre hiện có một số mô hình như Phú An Khang; mô hình tham quan vườn cây sạch tại các huyện Châu Thành; Chợ Lách, Thạnh Phú kết hợp làng nghề. Nhìn chung, tỉnh bước đầu có những mô hình du lịch nông nghiệp có hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của địa phương còn đơn điệu, chưa thu hút được du khách. Để du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân. Phát triển du lịch nông nghiệp cần gắn với xây dựng NTM.

* Tháo gỡ các điểm “nghẽn”

Bàn về tháo gỡ điểm “nghẽn”, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, thời gian qua, giá dừa, giá heo, một số mặt hàng nông sản xuống thấp, gây khó khăn cho người dân. Đó là bề nổi, còn nhìn một cách sâu xa hơn là giá trị của nhiều mặt hàng nông sản không thấp, do qua quá nhiều khâu trung gian.

Người nông dân bán dừa khô giá chỉ 30 ngàn đồng/chục nhưng sau khi đã qua chế biến các sản phẩm từ dừa thì giá trị tăng gấp chục lần. Một cơ sở làm mứt dừa ở Vang Quới Đông, huyện Bình Đại sau khi sản xuất chế biến tính ra một chục dừa bán tới gần 600 ngàn đồng (chưa tính chi phí). Vậy vì sao người nông dân bán thấp trong khi các cơ sở chế biến, thương lái thu mua thì bán ra giá rất cao, phải chăng người nông dân tự mình đứng một mình không tham gia chuỗi giá trị hay chúng ta để người nông dân tự bơi vì người nông dân không biết thị trường nhiều mà chủ yếu biết sản xuất. Phải chăng công tác thông tin, tuyên truyền chỉ dừng lại tại các cuộc hội họp, bàn thảo chứ chưa đến được từng nông dân. Đó chính là những điểm “nghẽn” cần nhìn thấy để tháo gỡ. Chúng ta để nghẽn quá lâu về lĩnh vực này, trong thực hiện chủ trương nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, trong năm 2018, Tỉnh ủy đã thấy và tập trung tháo gỡ các điểm “nghẽn” trong công tác tuyên truyền, vận động. Thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đều thể hiện tinh thần “tăng tốc” tháo gỡ điểm “nghẽn” nhưng chưa thật sự tác động, làm chuyển biến tình hình, cần tiếp tục tháo gỡ. Tháo gỡ điểm “nghẽn” không chỉ ở khâu thông tin, tuyên truyền mà cả trong công tác thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ.

* Xây dựng nông thôn mới

 Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhận xét: Tình hình xây dựng NTM của tỉnh đạt kết quả thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, các tiêu chí đạt được bình quân hàng năm có tăng nhưng không đáng kể.

Ông Nguyễn Quốc Bảo đồng tình ý kiến trên và cho rằng, đến nay, tỉnh mới chỉ có 27 xã đạt chuẩn NTM. Theo ông, trong khi năm 2019, để tập trung thực hiện 4 tiêu chí cứng, tỉnh có Đề án xây dựng giao thông nông thôn nhưng Đề án về bảo vệ môi trường thì mới triển khai, trong khi lĩnh vực môi trường cùng với giao thông đều khó thực hiện trong xây dựng NTM. Cần thực hiện Đề án bảo vệ môi trường song song với Đề án xây dựng giao thông nông thôn khi có nguồn lực.

Ông Võ Văn Phê - Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm cho rằng, cấp cơ sở, các địa phương cần phải làm tốt công tác tư tưởng cho nhân dân về xây dựng NTM. Hiện một bộ phận người dân, cả cấp cơ sở một số địa phương còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp. Nơi nào nhận thức về xây dựng NTM, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thì nơi đó phong trào được triển khai thực hiện tốt.

H. Hiệp - P. Tuyết - T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN