Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: H. Hiệp
Phục hồi kinh tế nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Ngành nông nghiệp cần có giải pháp cụ thể ngay bây giờ cho cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó là kích cầu tiêu dùng trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch. Có dự báo xa hơn về hạn mặn để người dân biết, chủ động phòng chống. Có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước không chỉ cho sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng mà còn cả các cơ sở sản xuất, chế biến, công nghiệp, du lịch, tạo niềm tin để thu hút đầu tư, khách du lịch, khẳng định Bến Tre đảm bảo tốt về nguồn nước.
Theo đại biểu Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở đã nghiên cứu các giải pháp về khoa học công nghệ để hỗ trợ người dân khắc phục bằng kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi khi bị hạn mặn. Trước mắt, sở sẽ khảo sát, tổ chức đánh giá lại một cách toàn diện hơn về trữ lượng nước, hiệu quả xử lý nước mặn, các thiết bị dự báo mặn. Tập trung sản xuất các sản phẩm thương hiệu OCOP, hướng dẫn người dân cải tạo vùng bị hạn mặn. Hỗ trợ người dân các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình hạn mặn.
Đại biểu Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành nắm diện tích cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng, triển khai lực lượng cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống cơ sở hỗ trợ nông dân; khẩn trương nghiên cứu, xác định lại các vùng trồng phù hợp. Tăng cường các giải pháp thủy lợi nội đồng, tập sống chung với hạn mặn trong khi chờ các công trình lớn hoàn chỉnh. Về lâu dài, ngành tính toán, dự báo tình hình để có giải pháp phòng, chống hiệu quả khi biến đổi khí hậu khó lường.
Xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Nguyễn Minh Triều - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu: Về 4 tiêu chí (TC) “cứng” xã nông thôn mới (NTM) có 63 xã đạt TC số 2 - giao thông; 112 xã đạt TC số 10 - thu nhập; 69 xã đạt TC số 17 - môi trường; 113 xã đạt TC số 19 - an ninh trật tự và hệ thống chính trị. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là những TC các địa phương tự đánh giá. Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh chỉ có 49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 20 xã đạt từ 15 - 18 TC, 17 xã đạt từ 8 - 9 TC. Riêng 17 xã này cũng không đạt mục tiêu nhiệm kỳ theo Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh là phấn đấu đến cuối năm 2020, tất cả các xã đạt 10 TC NTM, trong đó, đạt 4 TC “cứng”, đây lại là những TC rất khó. Đại biểu Nguyễn Minh Triều cho rằng, từ nay đến cuối năm 2020, thật khó để các địa phương thực hiện đạt các TC NTM như chỉ tiêu đã đề ra, do các địa phương phải tập trung cho công tác Đại hội Đảng các cấp.
Theo đại biểu Trần Văn Đém - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách: 6 tháng cuối năm, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Tổ chức lại “Ngày Chủ nhật NTM” thực chất hơn. Cần có sự quan tâm hơn nữa đối với 2 đơn vị là huyện Chợ Lách (đạt 9/9 TC huyện NTM) và TP. Bến Tre hoàn thành cơ bản NTM, đang chờ thẩm định; hỗ trợ các địa phương đạt NTM tiến lên xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho rằng: 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp. Sau đại hội cơ sở, nhiều địa phương có sự thay đổi về nhân sự, cần tập trung củng cố Ban Chỉ đạo các xã. Riêng Ban Chỉ đạo huyện, cần xác định lại các địa phương nào đã thật sự “chín muồi” để tập trung. Các huyện cũng nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch đăng ký xây dựng NTM cho nhiệm kỳ tới. Theo chỉ tiêu phải đạt 6 xã NTM từ nay đến cuối năm 2020, các địa phương quyết liệt hơn nữa…
An ninh trật tự, quản lý hành chính
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an tỉnh đã thực hiện 369 quyết định trưng cầu giám định, với 2.111 nội dung cần giám định. Lực lượng công an toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 128 vụ, 256 đối tượng khai thác cát trái phép. Trong đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 122 vụ, 246 đối tượng, với tổng số tiền trên 2,8 tỷ đồng; tịch thu 1 phương tiện (tàu sắt) và trên 1.000m3 cát; khởi tố điều tra 6 vụ, 10 đối tượng.
Đại biểu Lê Văn Hòa - Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết: Các công cụ, phương tiện phục vụ công tác giám định của Công an tỉnh không còn đảm bảo để phục vụ nhiệm vụ; Sở Tài chính chưa chứng thực chữ ký giám định viên nên kết quả giám định không đảm bảo tính pháp lý; chưa có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ giám định vàng nên các trường hợp cần thiết đều trưng cầu trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở TP. Hồ Chí Minh, vừa mất thời gian vừa tốn chi phí cao.
Việc giữ các phương tiện khai thác cát trái phép, các huyện và thành phố chưa có bến tạm giữ theo quy định tại Nghị định số 115, Nghị định số 31 của Chính phủ; chưa có hướng dẫn về kinh phí bảo đảm công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Phó giám đốc Công an tỉnh đề nghị: Các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác tiếp nhận, bảo quản, giám định trên một số lĩnh vực đặc thù. Khẩn trương cho xây dựng các bến thủy để giữ các phương tiện khai khác cát trái phép…
Vấn để quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, đại biểu Lê Văn Gặp - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, công tác quản lý đất đai còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là quản lý quy hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất; việc nuôi tôm nước mặt trong vùng quy hoạch nước ngọt làm ảnh hưởng đến cây trồng, phá vỡ vùng quy hoạch ngọt hóa của địa phương.
Đại biểu Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Công tác quy hoạch đất được sở tham mưu UBND và trình HĐND tỉnh thông qua, giai đoạn quy hoạch 5 năm. Trên cơ sở đó, ngành và địa phương cùng có trách nhiệm quản lý quy hoạch sử dụng đất. Trong quá trình đưa vào thực hiện, ngành xem xét việc quy hoạch có phù hợp hay không để lấy ý kiến điều chỉnh lại. Việc nuôi tôm và làm phá vỡ vùng quy hoạch của địa phương cần có chế tài và giải pháp mạnh hơn để răn đe.
Nhóm PV