
Các đại biểu tại lễ xuất quân “Hành trình theo bước chân Cụ Đồ”. Ảnh: Thanh Đồng
Nơi an nghỉ của danh nhân
Ngày 6-6-2022, từ rất sớm, các thành viên đã tập trung tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu để làm lễ xuất quân, chuẩn bị cho hành trình theo bước chân Cụ Đồ. Từng nén hương được thắp lên cụ Đồ Chiểu với lòng thành kính: Hôm nay cho chúng con theo bước chân của cụ! Nắng lên vàng ruộm như lời chúc cho chuyến đi thành công tốt đẹp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nói: “Bến Tre, Nam Kỳ và cả nước ta vô cùng yêu kính và rất mực tự hào về tấm gương nhân hậu cả đời vì nước, vì dân, kiên cường vượt lên hoàn cảnh của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Bến Tre không phải nơi cụ Đồ Chiểu sinh ra, nhưng là nơi được ông chọn để sống, dạy học, chữa bệnh, viết những dòng thơ chống giặc suốt 26 năm và mãi mãi nằm lại tại vùng đất Ba Tri hiền hòa này”.
Đây là hành trình mà chúng tôi sẽ tìm về hơi ấm từ bước chân của một con người vĩ đại, nhân nghĩa với nhân cách sáng ngời đã thắp sáng hào khí dân tộc. Lịch trình qua 4 địa phương được thiết kế chặt chẽ và kết nối với nhau bởi một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, chính là giá trị di sản văn hóa của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, thông qua các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm được tổ chức tại mỗi điểm đến. Suốt hành trình, tại mỗi nơi đến, đoàn đều tặng quà cho những hậu duệ trong gia đình cụ và trao học bổng cho học sinh ở những ngôi trường mang tên Nguyễn Đình Chiểu. Chút tấm lòng trao gửi đi, đoàn đều mong mỏi có thể lan tỏa và nhân rộng tâm hồn cao đẹp đầy nhân nghĩa của Cụ Đồ.
Tại không gian đặc biệt hôm ấy, chúng tôi đã được nghe một đoạn diễn xướng Nói thơ Vân Tiên, cảnh Lục Vân Tiên tạ từ ân sư. Âm điệu trầm bổng của người nghệ sĩ diễn xướng càng đưa lời thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu đến gần hơn với công chúng. Trích đoạn giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần lôi cuốn như tái hiện trước mắt chúng tôi hình ảnh chàng Lục Vân Tiên mang trong tim hoài bão lớn, bái biệt ân sư để lên kinh ứng thí. Cũng giống như hình ảnh một Nguyễn Đình Chiểu thuở trẻ đầy chí lớn, chuẩn bị hành trình ra Huế thực hiện lý tưởng của người làm trai trong thời kỳ đất nước đầy biến động, đau thương. Từ đây, Lục Vân Tiên đã bắt đầu câu chuyện vượt bao chông gai của mình.Nguyễn Đình Chiểu, tuy con đường khoa cử dở dang, nhưng cụ cũng đã đi tiếp hành trình của bậc vĩ nhân, một tâm hồn nhân nghĩa, một tấm gương kiên trung, bất khuất, một người thầy giáo,thầy thuốc, nhà văn, nhà thơ với nhân cách sáng ngời, xứng đáng được tôn vinh, lan tỏa.
Hào khí người nghĩa sĩ nông dân
Làng Thanh Ba, Cần Giuộc, Long An vốn là quê nhà của bà Lê Thị Điền - người vợ tào khang của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Mối duyên của hai ông bà được kết nối từ chính tài đức của cụ. Vì rất mến phục và thông cảm sâu sắc với cảnh ngộ của thầy Đồ Chiểu, nên học trò tên Lê Tăng Quýnh đã xin với gia đình gả em gái thứ năm là bà Lê Thị Điền cho thầy của mình. Năm 1859, sau khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê vợ tại làng Thanh Ba và mái chùa Tôn Thạnh là nơi cụ tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong làng. Cũng nơi mái chùa ấy, người chí sĩ yêu nước đã kết nối mối thâm tình gắn bó với nghĩa quân địa phương, cụ thường xuyên thư từ liên lạc với những người lãnh đạo nghĩa quân. Thông qua lớp học của mình, cụ lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc Pháp xâm lược đến người dân Cần Giuộc.

Tham quan góc trưng bày về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Đồng
Dưới ngọn cờ của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định, đốc binh Bùi Quang Diệu đã cùng nghĩa quân nông dân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Trận công đồn diễn ra vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, tức ngày 16-12-1861, nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương Đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính Mã tà, Ma ní. Giặc Pháp phải dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn, phía nghĩa quân hy sinh 15 người (có tài liệu ghi là 27 người). Cảm kích trước tinh thần quả cảm của những người “dân ấp dân lân” trong trận đánh này, bằng ngòi bút và tâm hồn trung nghĩa, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để truy điệu các nghĩa sĩ hy sinh.
Vượt lên trên tính chất của một bài văn tế thông thường, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trở thành một tác phẩm văn học độc đáo, là bản anh hùng ca của người nông dân Nam Bộ, khích lệ cao độ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân ta trong hoàn cảnh bị thực dân xâm lược lúc bấy giờ. Những câu thơ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã đi vào lịch sử:
“Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.
Đồn Lang Sa một khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.
Tại Cần Giuộc, ngoài chùa Tôn Thạnh, hình ảnh của cụ Đồ Chiểu còn được lưu giữ tại phòng trưng bày của tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Chúng tôi đều ấn tượng bởi bức tranh khổ lớn phác họa lại cảnh cụ Đồ Chiểu đang sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc dưới mái chùa Tôn Thạnh. Đặc biệt là biết thêm thông tin, tư liệu quý như: hình ảnh nền nhà cũ của bà Lê Thị Điền, chân dung ông Lê Công Cẩn, người sao chép, ghi chép các bài văn thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu để lưu giữ cho hậu thế đến ngày nay.
Triển lãm về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến TP. Hồ Chí Minh, thành Gia Định xưa vốn là quê mẹ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Lần giở lại lịch sử thân thế, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sinh vào ngày 1-7-1822 (tức ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ), tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ông là con trưởng trong một gia đình nhà nho. Sau biến cố mẹ mất (năm 1848) và bị mù, công danh dang dở, hôn thê bội ước, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học ở Bình Vi (Gia Định), tiếp tục nghiên cứu nghề làm thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu sáng tác thơ văn và tiếng thơ của ông vang khắp lục tỉnh với truyện thơ Lục Vân Tiên nổi tiếng - một tác phẩm mang tính chất tự truyện của tác giả.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn đã tham dự lễ khai mạc triển lãm “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - cuộc đời và sự nghiệp”. Triển lãm diễn ra từ ngày 7 đến 17-6-2022, trưng bày, giới thiệu 95 hình ảnh và tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Các hình ảnh được sắp xếp theo từng chủ đề như: quê hương, gia đình, cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu; thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; các hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Đình Chiểu sống mãi.
Chia sẻ tại buổi triển lãm, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam nhấn mạnh: “Cụ Nguyễn Đình Chiểu là người thầy thuốc mẫu mực, đức độ. Với cụ, “y dân” cũng là “y quốc”, có nghĩa vừa chữa bệnh cứu người, đồng thời thay đổi đời sống của dân, vận mệnh của đất nước mà tác phẩm “Ngư tiều y thuật vấn đáp” của ông là một minh chứng nói lên tâm sự của mình với nghề y, thổ lộ tình yêu quê hương, đất nước”.
Tham quan khu trưng bày triển lãm, người xem được tận mắt thấy được những hình ảnh về quê hương, gia đình, cuộc đời của cụ Đồ Chiểu, một số tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Thơ văn yêu nước, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Từ biệt cố nhân… Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu các loại hình văn học nghệ thuật, các tác phẩm nghệ thuật sáng tác trên nền tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu như: Nói thơ Vân Tiên, đờn ca tài tử, sân khấu cải lương với vở tuồng “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga”, vở nhạc kịch Tiên - Nga, phim điện ảnh Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên.
Tại đây, người xem còn được tìm hiểu các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu, các hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; hình ảnh các công trình trường học, tên đường, bệnh viện, thư viện… gắn liền với tên cụ. Đồng thời, một số bản dịch Lục Vân Tiên bằng nhiều thứ tiếng cũng được sưu tầm trưng bày để người dân đến tham quan, nghiên cứu.
Thăm mộ cụ Nguyễn Đình Huy
Điểm cuối của hành trình, chúng tôi đặt chân đến Huế, đoàn theo xe về huyện Phong Điền, là quê cha của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Nơi đây vẫn còn Từ đường họ Nguyễn Đình và mộ cụ Nguyễn Đình Huy - thân sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tại xã Phong An, huyện Phong Điền.

Đoàn công tác đến Từ đường họ tộc Nguyễn Đình (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: CTV
Cụ Nguyễn Đình Huy vốn là thư lại ở Văn hàn ty của Tả quân Lê Văn Duyệt. Ở quê nhà Huế, cụ Nguyễn Đình Huy đã lập gia đình với bà Phan Thị Hữu, sinh được 1 người con trai và 2 người con gái. Khi vào Gia Định một thời gian, cụ kết duyên cùng bà Trương Thị Thiệt, sinh được 4 người con trai và 3 người con gái. Nguyễn Đình Chiểu là con trai đầu lòng. Cụ Nguyễn Đình Huy mất ở làng Bồ Điền (không rõ năm nào). Hai lần về sống và học tập ở quê cha Thừa Thiên - Huế với thời gian hơn 10 năm, Nguyễn Đình Chiểu đã thấm nhuần một phần văn hóa của quê hương nguồn cội. Có thể nói rằng, văn hóa Huế cũng đã góp phần hình thành nên nhân cách một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam.
Kết thúc hành trình theo bước chân Cụ Đồ, chúng tôi tạm biệt cố đô Huế để về lại Bến Tre, trong lòng dạt dào cảm xúc về câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân. Với quốc tế, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là một nhà văn hóa lớn. Với dân tộc, cụ mãi là một nhà thơ yêu nước, khí khái, quyết liệt. Còn trong tâm khảm những người con Bến Tre, cùng với tầm vóc to lớn đó, cụ vẫn luôn là cụ Đồ Chiểu gần gũi, vẹn tình trọn nghĩa với đồng bào.
Bên cạnh ý nghĩa lan tỏa giá trị văn hóa của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hành trình theo bước chân Cụ Đồ còn là hành trình gắn kết các địa phương trong phát triển du lịch. Tại Huế, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch của Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh và Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác trong xúc tiến du lịch.
Qua chương trình tọa đàm, sự hợp tác giữa Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh và Huế rất cụ thể và rõ ràng, tạo hiệu ứng tích cực. Các nội dung hợp tác gồm: tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua hỗ trợ trưng bày, giới thiệu thông tin, ấn phẩm xúc tiến quảng bá điểm đến; sản phẩm, dịch vụ du lịch của các địa phương, phối hợp quảng bá du lịch của các bên trên các kênh truyền thông trực tuyến, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các lễ hội, sự kiện lớn của 3 địa phương. “Các đơn vị sẽ tích cực hợp tác, chủ động gắn kết phát triển du lịch trên nhiều khía cạnh, tiếp tục có các hoạt động hợp tác mang lại giá trị đích thực, đặc biệt là xây dựng đường tour liên kết giữa 3 địa phương để hình thành được tuyến du lịch từ Huế - TP. Hồ Chí Minh đến Long An, Bến Tre, góp phần giữ chân du khách tại từng địa phương”, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết.
Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước và nhân dân trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Những năm đầu chống Pháp với các cuộc khởi nghĩa của người dân yêu nước, với quan niệm sáng tác: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại. Từ khi ra đời, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm nên diện mạo riêng của thơ ca miền Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.
Bên cạnh những bài văn tế đậm chất bi tráng như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những bài thơ Đường luật sâu lắng, truyện thơ của ông, tiêu biểu là Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu… đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ. Mỗi người dân nơi đây tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và thế giới nhân vật trong văn thơ Đồ Chiểu từ vẻ đẹp tâm hồn thuần hậu, thủy chung đến cách nói mộc mạc. Và như một lẽ tự nhiên,“lối văn” ấy đã thấm sâu vào đời sống nhân dân qua nhiều hình thức biểu hiện văn hóa đó đến nay, không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới tìm hiểu, ngưỡng mộ. Tài năng, tiết tháo của Nguyễn Đình Chiểu đã làm nên sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở.
|
Thanh Đồng - Ngọc Diệp