BDK.VN - Suốt 70 năm qua, Hải quân nhân dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, hy sinh và niềm tin tuyệt đối vào Đảng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính luôn vững vàng là bởi giữa mịt mùng sóng gió họ có ngọn hải đăng tư tưởng soi đường.
Ngôi nhà giữ biển, khẳng định bản lĩnh giữa trùng khơi.
Máu hòa với sóng
70 năm hình thành và phát triển (1955 - 2025), Hải quân nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Nhưng điều khiến lực lượng đặc biệt này trở thành biểu tượng không chỉ nằm ở sức mạnh vũ khí hay khí tài hiện đại, mà chính là bản lĩnh chính trị, ý chí kiên cường và lý tưởng cách mạng sáng ngời, được hun đúc từ truyền thống và những hy sinh không thể đong đếm.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong điều kiện trang bị còn sơ sài, quân số ít ỏi, Hải quân ta đã bước vào cuộc chiến đấu đầy cam go, vừa xây dựng lực lượng, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ biển đảo. Từ những chiến công đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ đến những thành tựu xây dựng quân chủng chính quy, hiện đại hôm nay, lý tưởng cách mạng luôn là ngọn lửa dẫn đường cho mỗi bước chân người lính biển.
Trong hành trình đó, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những minh chứng rõ nét nhất về tầm nhìn chiến lược của Đảng và tinh thần quả cảm của những người lính Hải quân. Những chuyến tàu không số vượt sóng gió, tránh né kẻ thù, vận chuyển vũ khí và cán bộ cho chiến trường miền Nam đã ghi dấu bao tấm gương anh hùng bất tử như Nguyễn Phan Vinh, Huỳnh Ngọc Trạch, Nguyễn Chánh Tâm… Họ ngã xuống, nhưng lý tưởng thì trường tồn. Những con tàu ấy không chỉ chở hàng, chở người, mà chở cả ý chí sắt đá và khát vọng thống nhất non sông, gắn liền với sự lãnh đạo tài tình của Đảng.
Đặc biệt, sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 là cột mốc khắc sâu trong tâm khảm dân tộc. Cán bộ, chiến sĩ 3 tàu vận tải 604, 605, 505 - với vũ khí thô sơ trong tay - đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma trước tàu chiến hiện đại của nước ngoài. 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 11 người bị thương. Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương - Phó đảo trưởng Đảo đá Gạc Ma năm 1988, trước lúc hy sinh, đã để lại câu nói bất hủ trong lịch sử Hải quân Việt Nam: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Đúng vậy, máu của họ hòa cùng nước biển để lá cờ đỏ sao vàng tiếp tục tung bay giữa biển Đông, trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Đảng và nhân dân.
Trong giai đoạn xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Vùng 2 Hải quân được giao quản lý vùng biển rộng lớn phía Nam Tổ quốc, nơi quy tụ nhiều đơn vị anh hùng, giàu truyền thống, như Lữ đoàn 125 (tiền thân là Đoàn tàu Không số), Lữ đoàn 171 (tiền thân là Hạm đội 171), Lữ đoàn tàu tên lửa 167, Lữ đoàn tên lửa bờ 681... Từ chiến công đánh trả tàu chiến Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ, đến những trận đánh bảo vệ biển đảo phía Nam, rồi sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ trên biển bằng vũ khí công nghệ cao - tất cả đều là minh chứng cho một lực lượng không chỉ giỏi chiến đấu mà còn kiên định lý tưởng, vững vàng trong mọi mặt trận, kể cả mặt trận tư tưởng.
Lý tưởng soi đường
Sau sự kiện Gạc Ma, nhận thức rõ tầm quan trọng của thềm lục địa phía Nam, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ DK1, khẳng định chủ quyền bằng cả hiện diện vật chất lẫn ý chí chính trị. Từ năm 1989 đến nay, những nhà giàn DK1 đã trở thành “cột mốc sống” giữa trùng khơi, không chỉ là trạm canh giữ an ninh quốc phòng mà còn là biểu tượng sinh động của tinh thần thép, sự kết tinh giữa lòng trung thành với Đảng, lòng yêu nước, lòng quả cảm và niềm tin không gì lay chuyển.
Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 trở thành biểu tưởng của lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
DK1 không thiếu những câu chuyện làm người ta lặng đi vì xúc động. Năm 1990, bão số 10 đánh sập nhà giàn DK1/3 - Phúc Tần. Trong giờ phút sinh tử, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Bí thư Chi bộ, đã nhường phao và lương khô cho đồng đội yếu hơn, rồi lặng lẽ ra đi giữa biển cả. Năm 1998, bão số 8 nhấn chìm DK1/6 - Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão, Nhà giàn bị rung lắc dữ dội, các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy; bình tĩnh, kiên cường chống chọi với trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng. Nhưng sức người quá nhỏ bé trước thiên tai hung dữ, Nhà giàn nghiêng dần và các đợt sóng cực lớn liên tiếp ập đến đã làm sập đổ nhà giàn và cuốn đi cả 9 đồng chí. Mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 đồng chí là Đại uý Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An và Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng đã mãi không trở về.
Trước khi hy sinh, các anh vẫn giữ vững thông tin, liên lạc với Sở Chỉ huy Quân chủng và trong những giây phút cuối cùng các anh đã gửi lại Thủ trưởng, đất liền lời chào từ biệt “Chào thủ trưởng! Chào đất liền chúng tôi đi!” để rồi mãi mãi nằm lại với biển khơi, như một bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Các anh đã anh dũng hy sinh, song tên tuổi của các anh mãi ghi sâu trong lòng nhân dân, trong sử vàng dân tộc và trong tiềm thức các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân; trở thành giá trị tinh thần vô giá, động viên, thôi thúc, nâng bước các thế hệ kế tục,nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Không ai trong số họ tự gọi mình là anh hùng. Nhưng chính họ đã dạy chúng ta rằng, lòng trung thành với lý tưởng cách mạng không cần phô trương, mà hiện hữu trong từng hành động, dẫu đó là khoảnh khắc cận kề sinh tử.
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từng xúc động nói:“Tôi xin khẳng định với các đồng chí, những ai đi đến Trường Sa, quay trở về sẽ yêu Tổ quốc mình hơn rất nhiều; tôi mãi vẫn nhớ hình ảnh người chính trị viên nhà giàn, báo cáo với Phó Tổng Tham mưu trưởng: “Thủ trưởng yên tâm, chúng em sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”, đó như một lời thề lặng lẽ, nhưng rất kiên định.
Những chiến sĩ DK1 không chỉ là người canh giữ chủ quyền, mà còn là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Trước các chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thì những nhà giàn vẫn là biểu tượng sống cho thấy: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không hề phai nhạt, mà vẫn sáng rực giữa đại dương bao la.
Lý tưởng cách mạng không phải là những khẩu hiệu sáo rỗng, mà chính là động lực để các chiến sĩ thể hiện bản lĩnh kiên cường khi đối mặt với hiểm nguy, là sự kiên định trước thiếu thốn, cô lập, và cả những “cơn bão tư tưởng” từ mạng xã hội, từ văn hóa ngoại lai, từ những luận điệu xuyên tạc lịch sử.
Lực lượng các tàu trực trên biển, sẵn sàng cơ động, cấp cứu ngư dân khi có tình huống xảy ra.
Hôm nay, lớp lớp chiến sĩ DK1 vẫn tiếp tục viết tiếp lý tưởng của cha anh, giữa sóng gió muôn trùng. Còn trên đất liền, thế hệ trẻ cũng cần được đánh thức về trách nhiệm với lý tưởng của dân tộc. Bởi mỗi giảng đường, mỗi trang mạng xã hội, mỗi cơ quan, tổ chức đều là một “mặt trận” không tiếng súng, nơi mà từng đảng viên, từng thanh niên cần trở thành một “chiến sĩ” để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.Bởi vì: Giữ biển là giữ nước - mà giữ nước cũng chính là giữ Đảng, giữ lấy lý tưởng và niềm tin.