Thị trấn Thạnh Phú quyết tâm chuyển đổi số

21/01/2022 - 06:13

BDK - Thị trấn Thạnh Phú là trung tâm của huyện Thạnh Phú bao gồm 8 ấp, khu phố, với diện tích 1.109,9ha, dân số hơn 13 ngàn người; 100% khu vực trên địa bàn đều được phủ sóng Internet, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất cao. Đây là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Thạnh Phú quyết tâm chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thị trấn Thạnh Phú họp triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thị trấn Thạnh Phú họp triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Đơn vị điểm của huyện

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy, kế hoạch của Huyện ủy về thực hiện CĐS giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đảng ủy thị trấn Thạnh Phú đã xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về thực hiện CĐS trên địa bàn thị trấn; xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Mục tiêu của địa phương là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ CĐS trên địa bàn; CĐS hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyễn Văn Tưởng, thị trấn Thạnh Phú có sự quyết tâm rất cao trong triển khai thực hiện. Địa phương đã tự đăng ký làm đơn vị điểm của huyện để thực hiện CĐS. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu rộng của lãnh đạo địa phương trong công tác này mà các địa phương khác cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Thạnh Phú Huỳnh Thị Cẩm cho biết: Đảng ủy thị trấn Thạnh Phú xác định lực lượng tiên phong đi đầu trong việc thực hiện CĐS là đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và doanh nghiệp, do đó sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, chi bộ trực thuộc Đảng bộ phát động cho đội ngũ này thực hiện các nội dung thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký và sử dụng tài khoản dịch vụ công trực tuyến.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Phú Phạm Hiếu Thiện, ở góc độ địa phương, CĐS là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn. CĐS thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của công cuộc CĐS quốc gia. Do vậy, địa phương đã xác định thực hiện nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và cần được triển khai xuyên suốt.

Bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc xây dựng chính quyền số ở thị trấn Thạnh Phú được triển khai tương đối đồng bộ. 100% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách của địa phương được đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS; được cấp và sử dụng thư điện tử công vụ; cấp tài khoản và sử dụng khá tốt hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice; 100% văn bản đi, đến (trừ những văn bản mật theo quy định) được gửi, nhận liên thông qua môi trường mạng. Tạo được kênh giao tiếp đa chiều giữa lãnh đạo với các chi hội, tổ hội ấp, khu phố đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời và an toàn an ninh thông tin.

Trong hoạt động giáo dục bước đầu đã cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học như: các phần mềm dạy học trực tuyến, giáo án điện tử, sổ liên lạc điện tử…

Trong an ninh trật tự cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh với hơn 16 điểm trên toàn địa bàn góp phần vào kiểm soát, phát hiện đảm bảo an ninh trật tự; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Về kinh tế số, người dân, doanh nghiệp được tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về CĐS; được tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp cận các chương trình thanh toán không dùng tiền mặt; được tiếp cận chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS; được hướng dẫn xây dựng thương hiệu và đưa lên sàn thương mại điện tử.

Về xã hội số, người dân được tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS từng bước hình thành công dân số; được tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh… để mang lại sự hài lòng cho người dân thông qua CĐS.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Phú Phạm Hiếu Thiện, CĐS đã giúp thị trấn Thạnh Phú có những bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đã dần mang dáng dấp của một đô thị năng động, văn minh, phát triển. Ngoài những nỗ lực trên, thị trấn Thạnh Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của CĐS, bởi sự vào cuộc tích cực của người dân là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của chương trình CĐS ở địa phương.

“CĐS đã mang lại cho chính quyền địa phương nhiều thuận lợi trong hoạt động điều hành. Cùng với đó, chính quyền từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành, có hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp tham gia vào tiến trình CĐS nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển của địa phương”.

(Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Phú Phạm Hiếu Thiện)

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích