Thơ hướng về biên cương Tổ quốc

15/02/2019 - 07:16

Ngày thơ Việt Nam tại Bến Tre lần thứ XVII - 2019 với chủ đề “Hướng về biên cương Tổ quốc” và “Đồng Khởi mới - tăng tốc tạo bứt phá” sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật 17-2-2019 (13 tháng Giêng) tại Nhà văn hóa Người cao tuổi tỉnh.

Theo thông lệ hàng năm, Ngày thơ Việt Nam diễn ra ngày rằm tháng Giêng, năm nay được tổ chức sớm hơn nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2019).

Dịp này, xin trân trọng gửi đến quý độc giả những bài thơ hướng về biên cương Tổ quốc, theo thứ tự thời gian tạo thành một “dòng chảy” xuyên suốt 40 năm. Những vần thơ lãng mạn hào hùng, tràn đầy yêu thương và chứa đựng cả nỗi đau... đã đồng hành cùng Tổ quốc của người viết, tìm sự sẻ chia, đồng cảm của bạn đọc.

Nguyễn Võ Khang Hạ

Phía Nam nỗi nhớ

Anh thèm một chút nắng phương Nam

Như bao người yêu nhau thèm cái hôn trao gửi

Anh có bao mùa đông qua cuộc đời

Bao mùa nắng hồng hào vẫy gọi

 

Nơi đây một trời sương trắng bay

Muốn gởi về em, phía nam nỗi nhớ

Nơi dòng sông phù sa trôi lững lờ

Bình yên xuôi về chín cửa.

 

Câu hát làm anh nhớ em hơn

“Nghe đài báo gió mùa đông bắc”

Ở quê ta đang bước vào vụ gặt

Nắng xôn xao con mắt, lúa rực vàng.

 

Là lúc nơi anh mùa đông sang

Chân núi xám dưới trời sương muối đậm

Câu hát nhuốm màu rừng xanh thẫm

Đọng thành nỗi nhớ trong anh.

 

Nên bây giờ dẫu mùa đông rất hanh

Vẫn ấm áp dù phong phanh áo lính

Trước mặt anh biên thùy chưa yên tĩnh

Và sau lưng là nỗi nhớ phía nam.

               Biên giới phía Bắc, 1980

Võ Thành Hạo

Biên giới

Địa Tạng, Sa Kỳ (1)

Núi nung màu trận mạc

Biên giới rạch chân người lính gác

Hai nước lại nối liền rễ cây.

 

Chiến tranh còn lẩn quất đâu đây

Nơi Thạch Sanh mài rìu đốn củi

Giờ là nghĩa trang liệt sĩ

Lấy biên thùy làm bia

 

Ngược đường Xà Xia… Xà Xia (2)

Bao vương quốc ai vùi trong cát?

Voi, ngựa, chiến thuyền và xe tăng xích sắt

Những Quỳnh Nga dệt lụa đâu rồi?

 

Vĩnh biệt chiến tranh cho người với người

Không còn gọi nhau là giặc

Bọn ngu dốt không còn gây tội ác

Biên giới ngoằn ngoèo trườn thoát nỗi đau…

                    Năm 1990

Nguyễn Bá

(1): Tên những ngọn núi ở Hà Tiên (2): Tên đất, ấp biên giới

 

Vầng trăng đỏ

Tưởng nhớ các cháu bị giặc tàn sát

ở biên giới Tây Nam

 

Lâu mới về Ba Chúc

thoắt đã hai mươi năm

nhớ vầng trăng mất rằm

đỏ bầm trong ký ức

 

Chùa Phi Lai lạnh ngắt

ngập ngụa dấu máu loang

núi Tượng khói còn bốc

có ai lẩn trong hang?

 

Đâu tiếng chân nghịch ngợm

nhảy múa nhịp đồng dao

chỉ dội ngang lồng ngực

tiếng đàn trẻ kêu gào

 

Không tiếng trẻ đùa chơi

nên trăng hóa mồ côi?

trên ngôi làng không người

trăng trôi… trôi… trôi… trôi…

 

Tuổi thơ trăng vàng mật

trăng tím thuở yêu nhau

một lần gặp trăng đỏ

ám một đời nỗi đau.

                         Năm 2000

Kim Ba

Lính đảo

Nắng trưa cát nóng biển xanh

Điều lệnh trực nghiêm người lính

Dù nắng oi nồng áo chật

Anh người lính đảo hiên ngang.

 

Lính quen biển trời hải đảo

Quen bầy chim lạ bay qua

Chắc chim bay về nơi ấy

Là nơi có người nhớ ta.

 

Biển xanh dập dồn sóng cuộn

Nghe tàu giặc rú gầm gừ

Mặc bây - đất này ta giữ

Giặc thù sẽ “thủ bại hư”.

 

Lính đảo hát hùng ca đảo

Là bài “huynh đệ chi binh”

Và bài đất liền thương nhớ

Yêu thương cùng đảo ân tình...

 

Lính đảo kiên trung là thế

Xin em hãy cứ yên lòng

Mảnh đất biên thùy cương thổ

Muôn đời quyết chẳng lung lay.

Năm 2010

Lê Nguyễn Hàm Luông

Hoa của người lính biển

Nơi ấy, không có hoa hồng để tặng

Cho ngày Tình nhân

Cũng không có kẹo, gấu bông

Gói làm quà cho bạn gái.

Chỉ có hoa làm từ san hô

Bình dị yêu thương

Nồng nàn hương biển.

 

Nơi ấy, những người lính đảo

đang ngày đêm canh giữ biển trời

Đồng đội cứ cầm tay nhau và đánh đàn guitar để hát

Câu dân ca, điệu lý quê mình.

Giấu vào trong những cánh buồm

Thư đảo xa nồng nàn của người lính biển

Những lặng thầm len sâu vào trong tim

 

Phía sau em

Dù không có anh

Ngày vẫn vui

Dẫu hôm nay chưa gởi kịp hoa về!

Năm 2019

Lê Công Luận

 

 

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích